Pháp: Dấu ấn Macron

Thứ Ba, 26/12/2017, 11:37
Khi nghe cái tên “lạ hoắc” tham gia cuộc đua vào Điện Élysée hồi tháng 5-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng hề hứng thú và cũng chẳng mong muốn ông Macron giành chiến thắng. Nhưng chỉ vài tháng sau khi Macron làm Tổng thống Pháp, giờ đây chính ông Trump lại là người tỏ ra rất hào hứng mỗi khi nhắc đến người đồng cấp bên kia bờ Đại Tây Dương.

“Những cuộc trò chuyện tuyệt vời với Tổng thống Emmanuel Macron. Một chuyến thăm không thể tin được. Quan hệ với nước Pháp mạnh hơn bao giờ hết” - ông Trump viết trên Twitter ngay sau chuyến thăm Pháp nhân kỷ niệm Ngày Bastille (Quốc khánh Pháp) 14-7-2017 vừa qua.

Thực tế đã chứng minh điều ông Trump viết trên Twitter là đúng. Giới quan sát có thể xác nhận rằng quan hệ Mỹ-Pháp đã mạnh hơn bao giờ hết kể từ sau chuyến thăm của ông Trump. Ông Macron đã phát triển quan hệ tốt với ông Trump trên phương diện cá nhân.

Đối với ông Trump, người ta thường đặt câu hỏi “Ông là người chiến thắng hay là một kẻ chiến bại?” và bản thân ông Trump thì nhìn nhận Macron là kẻ chiến thắng. Không ai phủ nhận một điều rằng Macron là lãnh đạo duy nhất ở châu Âu có thể tạo được một mức độ quan hệ nào đó với ông Trump.

Nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi liệu những cuộc thảo luận, đối thoại trong mối quan hệ này có bao nhiêu phần trăm chuyển thành ảnh hưởng thật sự. Trên thực tế người ta thấy Pháp vẫn chưa thể tạo được ảnh hưởng gì đối với ông Trump trong một số vấn đề, như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân với Iran và Jerusalem. Cố vấn đối ngoại Nicolas Tenzer cho rằng cuộc đối thoại song phương có cái giá của nó, đặc biệt là trong các mối quan hệ phức tạp như quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Nga muốn đả phá các nguyên tắc luật lệ, trật tự của thế giới phương Tây. Macron biết rất rõ điều này nhưng không thể nói ra, vì ông vẫn muốn tiếp tục đối thoại với nước Nga” - Tenzer nhận xét. Nhưng thảo luận đến mức độ nào là một vấn đề cần nghiên cứu lại.

Martin Quencez thuộc tổ chức German Marshall Fund cho rằng mức độ ảnh hưởng của ông Macron đối với các lãnh đạo thế giới khác, kể cả các đồng minh, là có giới hạn, nếu không nói là đáng thất vọng. Nhưng Quencez cho rằng đó không phải là điều quan trọng lắm. Có lẽ Tổng thống Macron cũng chẳng mong mình có thể “thổi lỗ tai” ông Trump trong môt số vấn đề. Điều quan trọng là hình ảnh nước Pháp sánh vai cùng Mỹ, Nga. Sự thay đổi chính sách không quan trọng bằng được xem là kẻ có tiếng nói người quan trọng.

Tổng thống Macron từng phát biểu nhiều lần về sự cần thiết thúc đẩy ảnh hưởng và vị thế của nước Pháp trên thế giới, cũng như việc thúc đẩy các giá trị châu Âu. Tenzer cho rằng, sức mạnh hạt nhân với khả năng quân sự giúp Pháp có đủ sức mạnh để thực thi vai trò của mình.

Cố vấn Tenzer cho rằng, Tổng thống Macron có cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo “thế giới tự do” của phương Tây. Một mình nước Pháp không thể thực hiện được tham vọng này, nhưng Tổng thống Macron có tham vọng kết hợp các lực lượng có cùng mục tiêu, giá trị ở phương Tây để biến tham vọng thành hiện thực. Tất nhiên, từ tham vọng đến thực tiễn còn cả một khoảng cách lớn, nhất là ở châu Âu hiện nay.

Tổng thống Emmanuel Macron.

Ông Macron đặt châu Âu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử và ông bước lên sân khấu phát biểu mừng chiến thắng trong tiếng nhạc nền là bản “Giao hưởng số 9” của Beethoven, quốc ca chính thức của EU. Ít tháng sau, ông đã phác họa một tầm nhìn tương lai đầy tham vọng cho châu Âu trong bài phát biểu dài 2 giờ tại Đại học Sorbonne hôm 26-9, trong khi đồng nghiệp Đức - bà Angela Merkel - đang đối mặt với bộn bề khó khăn sau cuộc bầu cử chứng kiến sự vùng lên mạnh mẽ của đảng cực hữu dân túy AfD, và phải chật vật đàm phán xây dựng liên minh cầm quyền.

Nhìn chung, những hoạt động trên sân khấu quốc tế vài tháng qua cho thấy ông Macron muốn khôi phục lại vai trò lãnh đạo châu Âu của nước Pháp. Trong bối cảnh đàm phán Brexit kéo dài và cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ ở Berlin chưa ngã ngũ, có vẻ như ông Macron đang đứng trước cơ hội thực hiện tham vọng của mình. Trên tất cả, vấn đề là ông Macron không thể đơn phương hành động một mình.

Giới chuyên gia khẳng định, một nửa thành công của Macron nằm trong tay nước Đức, có nghĩa là Macron phải vận dụng khéo léo các mối quan hệ chủ chốt trong EU để thực hiện thành công kế hoạch của mình.

Một thành công bước đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Macron chính là vụ việc vừa qua ông can thiệp hòa giải thành công khủng hoảng chính trị tại Liban. Macron đã tiếp Thủ tướng Liban Saad Hariri tại Paris để thảo luận tình hình trước khi bay đến Saudi Arabia để thảo luận với Hoàng gia Saudi Arabia. Macron đã đưa ra một giải pháp giúp Thủ tướng Liban Hariri giải quyết thành công khủng hoảng.

Nhưng quan hệ giữa Pháp và các thuộc địa cũ, đặc biệt là ở châu Phi, thì vẫn phức tạp. Pháp vẫn chưa thể dứt bỏ được quá khứ thực dân tại “lục địa đen”. Và khi Macron cố gắng thực hiện điều đó trong chuyến công du châu Phi mới đây. Tại điểm dừng chân ở Algeria, ông đã gây nên làn sóng chỉ trích trong nước khi phát biểu rằng nước Pháp đã “phạm tội ác chống lại loài người” trong thời kỳ xâm chiếm thuộc địa tại đây.

Giới chuyên gia cho rằng, Macron bị “vạ miệng” khi phát biểu như thế, bởi ông không chỉ gây chia rẽ ở trong nước mà còn có nguy cơ gây ra những hậu quả về mặt tài chính cho nước Pháp vì trách nhiệm với quá khứ. Ở phía khác, người ta cũng không hài lòng với phát biểu này, bởi người ta mong muốn nhìn thấy Macron hành động cụ thể nhiều hơn chứ không chỉ đưa ra những câu nói suông.

Có lẽ còn sớm để đánh giá thực chất những kết quả trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Macron. Nhưng bước đầu, năng lực ngoại giao, sự xuất hiện và giọng điệu của Macron trong các sự kiện quốc tế đã giúp ông có được thêm nhiều người ủng hộ ở quê nhà. Macron đã ghi được dấu ấn nhất định để được nhắc đến như một nhà lãnh đạo đáng chú ý, không chỉ trong nước, mà cả trên thế giới.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.