Pháp: Hai tình nhân của Tổng thống từ bạn hóa thù

Thứ Sáu, 22/06/2012, 12:50

Chính trường Pháp đang dậy sóng chỉ vì một câu ủng hộ tranh cử của bà “đệ nhất tình nhân” viết trên mạng xã hội Twitter trưa 12/6. Nếu đó chỉ là sự ủng hộ bình thường thì không có chuyện gì xảy ra, đằng này sự ủng hộ lại được bà Valérie Trierweiler dành tặng cho ứng cử viên đối thủ cùng đảng Xã hội của bà Ségolène Royal, tình nhân cũ của Tổng thống Francois Hollande, khiến cho ông Hollande phải khổ tâm.

Câu chuyện lùm xùm giữa 2 bà tình nhân mới và cũ của Tổng thống Hollande bắt đầu từ trưa ngày 12/6. Theo thông tin báo chí, bà "đệ nhất tình nhân" Trierweiler đã lên mạng xã hội Twitter viết một câu như thế này: "Thật đáng khích lệ cho Oliver Falorni, người đã không nản lòng, đã sát cánh cùng nhân dân la Rochelle đấu tranh một cách không ích kỷ trong nhiều năm liền".

Báo chí cho rằng, mục đích và ý nghĩa của câu này là khích lệ tinh thần "chiến đấu" của ứng cử viên thiên tả Falorni (cùng đảng Xã hội), đồng thời kêu gọi mọi người ủng hộ ông này giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội khu vực la Rochelle. Tại vòng 1 cuộc bầu cử, Falorni cùng với bà Royal đều ra ứng cử tranh ghế đại biểu khu vực la Rochelle và cả 2 cùng giành tỉ lệ phiếu bầu khá cao; bà Royal dẫn đầu với tỉ lệ 32%, ông Falorni bám sát nút với 29%, vì thế cả hai đều được quyền vào vòng 2.

Ngay sau khi dòng tin Twitter của bà Trierweiler xuất hiện trên mạng Internet, báo chí Pháp bắt đầu vào cuộc làm cho vụ việc trở nên ầm ĩ. Các báo lá cải Pháp tha hồ tô vẽ, đồn thổi về những vấn đề gay cấn trong hậu trường xung quanh mối quan hệ không cưới hỏi giữa ông Hollande với 2 bà Royal và Trierweiler, cả việc 2 bà này không ưa nhau và tìm cách "chơi" nhau. Sự ầm ĩ trên báo chí đã đến tai bà Royal làm bà này "ngạc nhiên" và đâm ra… bối rối. Bà Royal không nghĩ rằng mình bị bà Trierweiler chơi một vố như thế, cho nên bà cũng không nghĩ ra cách gì để đáp trả bà Trierweiler.

Dư luận kháo nhau rằng, chuyện lùm xùm gây chú ý là bởi ông Falorni bị xem là "thành phần chống đối" bên trong đảng Xã hội và ông không được ưu tiên giành ghế đại biểu, mà sự ưu tiên lại giành cho bà Royal. Cho nên, ngay từ trước khi diễn ra vòng 1, bà Royal đã bóng gió yêu cầu ông Falorni "đứng sang một bên" để bà rộng đường giành thắng lợi trước các đối thủ đang suy yếu ở khu vực la Rochelle. Tuy nhiên, chính khách thiên tả Falorni không những không chấp nhận yêu cầu đó mà còn dám đứng ra tranh đua với bà Royal.

Theo giới phân tích, mặc dù giành ưu thế trước Falorni tại vòng 1, nhưng bà Royal có nguy cơ thất bại ở vòng 2 do thành phần chính trị bảo thủ ở thành phố la Rochelle quay sang kêu gọi cử tri mình ủng hộ ông Falorni chống lại bà Royal.

Hai bà Royal (trái) và Trierweiler từng có mối quan hệ tốt đẹp từ năm 1992 cho đến năm 2005.

Vụ việc của bà Trierweiler đã tạo nên bầu không khí căng thẳng bên trong Điện Elysée, làm cho ông Hollande khó xử vì vụ việc lùm xùm do bà Trierweiler gây ra lại rơi ngay vào thời điểm vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội đang tới gần (ngày Chủ nhật 17/6) và đảng Xã hội đang nỗ lực vận động cử tri để giành tỉ lệ đại biểu cao nhất có thể được. Muốn đạt được mục tiêu này, đảng Xã hội đang ra sức xây dựng hình ảnh đoàn kết nội bộ cao độ nhằm gây niềm tin nơi cử tri. Thế nhưng, vụ việc ầm ĩ giữa 2 bà tình nhân cũ và mới của ông Hollande đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đó. Bây giờ, người ta được biết nội bộ đảng Xã hội cũng đang "lủng củng", chia rẽ, kình chống nhau. Và như thế thì chắc chắn sẽ khó thuyết phục cử tri tin vào những tuyên bố, lời hứa cải cách kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống…

Vụ việc còn khiến cho Tổng thống Hollande khổ tâm vì Trierweiler không chọn ai lại chọn bà Royal để "chơi khăm". Dù không còn chung sống với bà Royal, nhưng ông Hollande hoàn toàn không muốn ai đó đối xử không đẹp hay xúc phạm bà. Dù có bất đồng quan điểm chính trị hay một số vấn đề khác, nhưng giữa ông và bà Royal vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau, vì dù sao thì giữa 2 người cũng đã có với nhau 4 mặt con sau 30 năm chung sống. Ngược lại, bà Trierweiler chỉ mới quen biết và có quan hệ tình ái với ông Hollande trong thời gian khoảng 5 năm trở lại đây.

Từ lâu, "bà mới" Trierweiler đã có ý không ưa gì "bà cũ" Royal, do giữa 2 người từng có mối hiềm khích cách đây 7 năm. Bà Trierweiler vốn có quan hệ khá tốt đẹp với bà Royal. Hai người từng quen biết nhau từ năm 1992, khi đó bà Trierweiler là phóng viên tạp chí Paris Match, đã viết một bài báo hay về việc bà Royal sinh đứa con thứ 4 cho ông Hollande khiến mối quan hệ giữa 2 nhà trở nên khăng khít, nhưng cũng từ đó nảy sinh mầm mống hiềm khích do ông Hollande bắt đầu "thầm yêu trộm nhớ" bà Trierweiler. Đến năm 2005, sau nhiều lần tiếp xúc vì công việc, ông Hollande và bà Trierweiler bắt đầu lén lút hẹn hò. Bà Royal phát hiện và… ghen, khiến cho gia đình rạn nứt, dẫn đến việc 2 người chia tay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007.

Ngay sau khi ông Hollande trở thành Tổng thống Pháp nhiều người đã quan tâm đặt vấn đề về mối quan hệ giữa ông với bà Trierweiler. Người ta quan tâm vì không biết sẽ gọi bà Trierweiler là gì, đệ nhất phu nhân hay tình nhân. Rốt cuộc, sau khi báo chí tiếp xúc trực tiếp với người trong cuộc, mọi người mới được biết rõ hơn thái độ và quan điểm của bà Trierweiler đối với việc đóng vai "Đệ nhất phu nhân" không chính thức của nước Pháp.

Với cá tính và tinh thần "tự do trên hết" của một nhà báo, bà Trierweiler không muốn mình bị ràng buộc bởi những nghi lễ, phép tắc trong môi trường chính trị, và không muốn dọn đến ở trong Điện Elysée, chỉ muốn ở lại ngôi nhà cũ của mình để được tự do tiếp tục con đường làm báo vốn mang lại cho bà nhiều cái hay hơn là làm "tình nhân chính trị". Và cũng do tính cách nhà báo, Trierweiler đã không hề nghĩ đến tình huống vụ việc mình gây ra có thể làm dậy sóng chính trường, đồng thời đẩy ông Hollande vào tình thế khó xử

Văn Trương (tổng hợp)
.
.