Pháp: Tổng thống “giam lỏng” chiến hạm Mistral

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:45
Áp lực của Nga đè nặng trên vai Tổng thống Francois Hollande trong vụ mua bán chiến hạm Mistral không phải là ngẫu nhiên. Tối hậu thư của Nga buộc Pháp phải giao 1 trong 2 chiến hạm trong vòng 2 tuần đã được đưa ra ngay trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

Và ngày "trao chìa khóa" của chiếc Vladivostok (tên một chiếc Mistral) cho hải quân Nga tại Saint-Nazaire cũng đã bị hủy bỏ. Và trong bối cảnh châu Âu dự tính đưa ra các chế tài mới đối với Nga vì bị cáo buộc đã ngầm ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina. Nga cảnh báo rằng nếu phá vỡ hợp đồng, Pháp sẽ có nguy cơ phải bồi thường thiệt hại nặng nề về tài chính.

Thừa hưởng “di sản” từ người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, hơn nữa giữa lúc cuộc đối đầu Nga - EU đang căng thẳng, giờ đây Tổng thống Hollande chỉ có thể đưa ra một giải pháp tệ hại. Nếu không bàn giao chiến hạm, chẳng những Chính phủ Pháp phải hoàn trả lại tiền bán con tàu mà còn phải bồi thường thiệt hại. Lời hứa và danh tiếng của nước Pháp cũng như của ngành đóng tàu chiến có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng nếu đồng ý giao hàng trong khi Tổng thống Putin đang bị cáo buộc can thiệp quân sự vào Ukraina, Pháp sẽ đánh mất niềm tin của các đồng minh ở khu vực Đông Âu và Mỹ. Trong vụ việc mang đậm màu sắc chính trị này, vấn đề tài chính có mối liên quan chặt chẽ.

Chiếc Mistral tại cảng Saint Nazaire.

Tin rằng trước sau gì cũng phải giao hàng, Tổng thống Hollande đã hoãn kế hoạch bàn giao tàu Mistral theo kế hoạch, và giờ thì Pháp không thể đưa ra được thời hạn cụ thể. "Quyết định sẽ được đưa ra" - Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian lấp lửng cho biết. Paris còn hy vọng sẽ trì hoãn thêm vài tuần nữa mà chưa bị phạt. Ngày 4/9, khi liên kết việc giao chiến hạm Mistral với giải quyết khủng hoảng tại Ukraina, Tổng thống Hollande đã tự đưa mình vào bẫy. Ngược lại bản hợp đồng rất có lợi cho phía Nga, hợp đồng không có điều khoản đình chỉ trong trường hợp có vi phạm các quyền và hiệp ước quốc tế, vì vậy trong "cuộc chơi"  này, chính Nga đang điều khiển. Trong thời gian đó tại quân cảng Saint-Nazaire, các giai đoạn chuẩn bị cho việc chuyển giao chiến hạm vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, hôm 17/11 vừa qua một sự cố đã xảy ra khi 400 thủy thủ Nga được huấn luyện từ đầu mùa hè định chuyển lên sống trên tàu. Chương trình đào tạo của họ đã kết thúc từ nhiều ngày qua, kể cả các buổi thực tập trên biển. Họ muốn chuyển đồ đạc cá nhân lên tàu Vladivostok vốn đang sẵn sàng ra khơi. Nhưng họ đã bị ngăn lại. "Nếu họ chuyển đồ đạc lên tàu, các thủy thủ sẽ chiếm tàu và con tàu trở thành sở hữu của Nga. Lúc ấy rất khó đuổi họ xuống" - một quan chức Pháp cho biết.  

Có lẽ các sĩ quan Pháp lo sợ thủy thủ Nga sẽ lặng lẽ điều khiển con tàu và… trốn thoát. Đã từng có một chuyện tương tự như thế tại Cherbourg vào tháng 12/1969. Hợp đồng bán 12 tàu phóng tên lửa cho Israel đã ký từ năm 1965. Nhưng sau Cuộc chiến 6 ngày (tháng 6/1967), Tổng thống De Gaulle đã ra lệnh cấm vận về buôn bán vũ khí tấn công cho Israel. Sau khi Israel tấn công sân bay Beirut (Liban) vào tháng 1/1968, De Gaulle hủy luôn hợp đồng bán tàu. Thế nhưng, đoàn tàu vẫn lặng lẽ nhổ neo trong đêm 24/12/1969 lúc 2 giờ sáng và đến cảng Haifa thành công. Vào thời đó hành động của Cơ quan An ninh Israel đã khiến chính quyền Pháp xấu hổ. Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng, Chính phủ Pháp đã biết trước âm mưu của Israel nhưng để mặc vì phía Israel đã trả một phần tiền.

Chiếc Vladivostok đã được Nga trả đủ tiền, liệu nó có cùng số phận như thế không? Một quan chức cho biết: "Chúng tôi đã nghĩ đến việc đó từ lâu. Người Nga là đối tác nhưng tốt hơn nên đề phòng mọi tình huống". Trong những chuyến thực tập trên biển, chiếc Vladivostok được kiểm soát chặt chẽ nhưng kín đáo của lực lượng an ninh Pháp. Mới đây, Cơ quan An ninh Pháp đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cảng Saint-Nazaire. Tại cảng neo, chiếc Vladivostok nằm trong một ụ kín, và nếu muốn lặng lẽ rời khỏi cảng, tàu phải đi qua nhiều đập ngăn và cần có sự tiếp tay của các "đối tượng đồng lõa" ở địa phương.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.