Pháp: Tuần trăng mật sớm chấm dứt

Thứ Ba, 15/08/2017, 13:01
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang trải qua giai đoạn khó khăn đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, với hàng loạt chính sách, kế hoạch bị phản đối và tỉ lệ cử tri ủng hộ tụt giảm xuống thấp kỷ lục, thấp hơn một số người tiền nhiệm. Điều gì đang xảy ra với ông Macron?

Emmanuel Macron, vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp, đã tạo nên những chuyện gây chấn động ở nước Pháp, từ việc ông giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2017 cho đến việc ông công khai người vợ lớn hơn mình 24 tuổi vốn là cô giáo của ông thời trẻ. Chuyện này đã từng gây nên điều tiếng không hay ngay sau khi Macron nhậm chức.

Macron khi đó đã hứa “sẽ “danh chính ngôn thuận” địa vị của vợ mình nhằm chấm dứt tình trạng nhập nhằng vai trò của đệ nhất phu nhân. Và ông đã cho thành lập một ban trong chính phủ để xem xét vấn đề này. Trong khi Macron chưa đưa ra quyết định, nhưng thông tin về kế hoạch trao vị trí Đệ nhất phu nhân chính thức cho bà Brigitte đã khiến dân chúng và các giới trong xã hội một lần nữa cảm thấy khó chịu.

Người ta đã thể hiện sự khó chịu của mình bằng hành động cụ thể: Trong vòng 2 tuần lễ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-2017, 275.000 người dân Pháp đã ký tên vào một đơn thỉnh nguyện gửi lên Tổng thống Macron để phản đối danh hiệu Đệ nhất phu nhân ông định trao cho vợ ông. Bên cạnh đó, kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy có đến 68% dân chúng cả nước Pháp không muốn bà Brigitte làm Đệ nhất phu nhân chính thức.

Kết quả là ngày 10-8, chính phủ của ông Macron buộc phải thông báo bà Brigitte Macron sẽ không được chính thức mang danh hiệu Đệ nhất phu nhân, cũng như không được cấp khoản ngân sách riêng kèm theo danh hiệu này. Trên thực tế, dù không chính thức nhưng bà Brigitte cũng đã được gọi là đệ nhất phu nhân và được bố trí ít nhất 7 nhân sự phục vụ, bao gồm 3 trợ lý, 2 thư ký và 2 vệ sĩ. Và kinh phí chi trả cho những người này được trích từ nguồn ngân sách của Điện Élysée.

Tổng thống Emmanuel Macron và vợ - bà Brigitte.

Câu chuyện về Đệ nhất phu nhân Brigitte Macron chỉ là vấn đề mới nhất trong những khó khăn đang dồn dập kéo đến với Tổng thống Macron. Là một người “ngoại đạo” trong ngành ngân hàng bước chân vào làm chính khách, Macron giương cao ngọn cờ trung dung, tạo cho cả phe tả lẫn phe hữu lý do để ưa thích mình, nhưng đồng thời cũng có đủ khoảng trống để nghi ngờ vào khả năng đáp ứng kỳ vọng của họ. Đến nay thì những tình cảm “trăng mật” ban đầu dường như đã hết, khi mọi người nhìn kỹ lại những động thái và phong cách của vị tổng thống trẻ tuổi và nhận thấy ở ông vẫn còn thiếu nhiều thứ mà người ta cần khi cầm lá phiếu bầu cho ông.

Những kết quả thăm dò ý kiến dư luận trong tháng 7 và đầu tháng 8-2017 đã cho thấy một sự sa sút cực nhanh: giảm 10 điểm trong lần thăm dò đầu tiên vào trung tuần tháng 7, giảm thêm 8 điểm trong lần thăm dò tiếp theo và mới đây nhất giảm thêm 7 điểm nữa. Hiện tại, tỉ lệ cử tri hài lòng với nhà lãnh đạo mới của nước Pháp chỉ còn khoảng trên 36%, thấp hơn nhiều so với 2 người tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy (66%) và Francois Hollande (56%), và gần như tương đương với Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1995.

Macro thường được các trợ lý gọi một cách trìu mến là “Tổng thống Thần mặt trời”. Nhưng sau chưa đầy 100 ngày làm chủ nhân Điện Élysée, Macron đã làm cho cánh tả xa lánh ông bằng việc đề xuất sửa đổi Luật Lao động vốn đang trong tình trạng mất hiệu lực do những quy định bất hợp lý. Macron và các chuyên gia kinh tế cho rằng việc sửa đổi này nhằm mục đích cắt giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp cao hiện nay. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Lao động đang hứa hẹn sẽ gây nên làn sóng phản đối khắp nước Pháp trong mùa thu này.

Sẽ không có ghế Đệ nhất phu nhân chính thức cho bà Brigitte Macron.

Cũng thế, khi triển khai kế hoạch cắt giảm phúc lợi về nhà ở vào tháng 7-2017, Macron đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người bị ảnh hưởng. Hàng triệu người bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm này, trong đó có hơn 800.000 sinh viên, học sinh. Vì thế các liên đoàn sinh viên đã yêu cầu Chính phủ Pháp phải rút lại kế hoạch. Việc chọc giận thành phần sinh viên, học sinh là việc mà Chính phủ Pháp đang muốn tránh nhằm ngăn chặn sinh viên học sinh có thể tham gia vào làn sóng phản đối việc sửa đổi Luật Lao động của ông Macron.

Chính phủ Pháp cho rằng, việc cắt giảm phúc lợi nhà ở là một biện pháp cần thiết nhằm kéo giảm thâm hụt chi tiêu công. Mà không chỉ có cắt giảm chi tiêu phúc lợi nhà ở, Macron còn hứa hẹn sẽ cắt giảm thêm 1 tỉ USD chi tiêu cho quốc phòng. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Macron và chính phủ của ông đã phát hiện ra khoản thâm hụt ngân sách 9,5 tỉ USD do chính phủ tiền nhiệm để lại, và đây là lý do cụ thể nhất khiến ông Macron phải có hành động ngay lập tức cân bằng lại cán cân ngân sách chính phủ nhằm đáp ứng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP theo quy định của EU.

Và giới chính trị đối lập cáo buộc Macron chèn ép người nghèo, tạo thuận lợi cho giới giàu có khi đưa ra chính sách nới lỏng thuế tài sản, chỉ còn áp dụng đối với tài sản là cố định, không tính thuế đối với các khoản đầu tư. Theo tính toán, khoảng 10% số hộ giàu có nhất của nước Pháp sẽ hưởng lợi từ chính sách thuế này.

Điều gì đang xảy ra với Macron? Nhà phân tích Daniel Fasquelle của đảng Les Républicains đưa ra nhận xét: Macron đang trả giá cho sự thiếu kinh nghiệm của mình. “Ông ấy có vẻ không hợp với công việc. Chúng ta đang nhìn thấy những lời hứa không được thực hiện, những sự khập khiễng và thiếu chín chắn” -  Fasquelle nói thêm. Nhưng có lẽ ông Fasquelle hơi quá nặng lời với Macron.

Sự khập khiễng ban đầu chưa hẳn sẽ làm đắm con tàu Macron đang khởi hành. Ông còn đến hơn 4 năm của nhiệm kỳ, quá đủ thời gian để rút ra bài học kinh nghiệm và sửa chữa những chệch choạc ban đầu. Và những người từng ủng hộ chính khách trẻ Macron có quyền hy vọng như thế.

An Châu (tổng hợp)
.
.