Pháp: Ứng viên sáng giá dính bê bối

Thứ Hai, 06/02/2017, 17:10
Một vụ bê bối tài chính mang tên “Penelopegate” đang khiến cho ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017 Francois Fillon thuộc đảng Les Republicains phải vật lộn để duy trì chiến dịch tranh cử của mình. Một cuộc điều tra do các công tố viên tiến hành sẽ có câu trả lời cụ thể nhất trong vài tuần tới về việc ông Fillon có được tiếp tục cuộc đua hay không.

Câu chuyện bắt đầu khởi phát từ khoảng hạ tuần tháng 1-2017, khi tờ báo châm biếm nổi tiếng Con Vịt Buộc (Le Canard Enchainé) rằng ông Fillon đã chi trả lương khống cho vợ ông số tiền tương đương 830.000 euro trong khoảng thời gian hơn 10 năm.

Theo Con Vịt Buộc, bà Penelope đã nhận một khoản tiền lương tương đương 500.000 euro từ tiền công quỹ trong thời gian 8 năm làm trợ lý cho ông Fillon trong nghị viện. Đồng thời, Con Vịt Buộc cho rằng bà Penelope nhận một khoản tiền lương khống khác tương đương khoảng 330.000 euro do một tập san văn học chi trả trong hai năm 2012-2013.

Tuy nhiên, trong những khoảng thời gian trên, không có dấu hiệu gì cho thấy bà Penelope đã làm việc thực tế trong nghị viện cũng như trong tập san văn học kia. Trong hai năm 2012-2013, bà Penelope chỉ viết vỏn vẹn 2 bài báo điểm sách đăng trên tạp chí văn học. Ngoài ra, một số tờ báo khác như Mediapart và Journal du Dimanche còn cho rằng, bản thân ông Fillon cũng bỏ túi riêng hàng chục nghìn euro từ ngân quỹ dành chi trả cho các trợ lý nghị sĩ trong giai đoạn 2005-2007.

Alain Juppé sẽ thay thế ông Fillon?

Trong khi đó, dư luận tiếp tục quan tâm đến việc làm ăn của một công ty tư vấn mà ông Fillon thành lập vào năm 2012, khi ông mãn nhiệm chức Thủ tướng Pháp. Con Vịt Buộc cho rằng công ty này đã từng trả lương cho Fillon 757.000 euro vào năm 2012, và các đảng phái đối lập đang yêu cầu ông làm rõ nguồn gốc số tiền này.

Từ những cáo buộc trên tờ Con Vịt Buộc, các công tố viên bắt đầu tiến hành điều tra sơ bộ về những nghi vấn “lạm dụng tài chính công” trong đảng Les Republicains của ông Fillon. Các công tố viên đang tiến hành điều tra để làm sáng tỏ nghi vấn lớn nhất là bà Penelope có thật sự làm việc trong nghị viện hay không. Hiện cuộc điều tra của các công tố viên đang bắt đầu mở rộng phạm vi, xem xét việc các con ông có thật sự là đã làm việc cho ông hay không.

Khi dư luận bắt đầu xôn xao về cuộc đều tra và khi các thành viên khác trong đảng Les Republicains bắt đầu lên tiếng về tư cách ứng cử viên của ông, Fillon mới có phản hồi chính thức đầu tiên. Ngày 26-1, ông có cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia Pháp về những vấn đề liên quan đến cuộc điều tra. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đó, Fillon biện minh cho việc chi trả tiền lương cho công việc thư ký mà vợ ông đã thực hiện trong Nghị viện Pháp suốt khoảng thời gian 10 năm là có thật, khẳng định bà thật sự có làm việc. Tuy nhiên, những lời biện minh đó có vẻ chưa đủ sức thuyết phục dư luận.

Envoýe Special, một chương trình điều tra đặc biệt vừa tìm ra được một đoạn ghi hình phỏng vấn do tờ Sunday Telegraph thực hiện vào năm 2007, trong đó bà Penelope đã nói với một nhà báo rằng bà chưa bao giờ làm việc trong nghị viện.

Francois Fillon và vợ, bà Penelope.

Ở Pháp, pháp luật không cấm việc các nghị sĩ thuê người thân gia đình làm những việc công trong cơ quan nhà nước, miễn là người được hưởng lương cho công việc được thuê đó có làm việc trên thực tế. Theo thống kê, ở Pháp hiện có khoảng 52 bà vợ và 60 người con của các nghị sĩ được tuyển dụng làm việc. Nhưng việc các người thân gia đình của các chính khách được tuyển dụng, được giao cho những công việc nhà nước sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng, vốn đã không hài lòng với những đặc quyền đặc lợi dành cho giới chính khách và người thân của họ.

Ngay như công việc trợ lý nghị sĩ mà bà Penelope được cho là đã làm trong thời gian qua, mức lương bà được hưởng (tương đương 7.900 euro/tháng) cũng cao bất thường so với mức lương của người khác. Riêng đối với ông Fillon, cáo buộc dùng tiền ngân sách công để chi một cách hào phóng cho gia đình mình có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, nhất là trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp 2017, vì ông đưa ra khẩu hiệu tranh cử là một nhà cải cách kinh tế, cắt giảm chi tiêu công và cắt giảm 500.000 việc làm ở khu vực công.

Những cáo buộc bất ngờ của tờ Con vịt Buộc đã khiến tỉ lệ ủng hộ của cử tri cũng như các thành viên trong đảng Les Republicains đối với ông Fillon “rơi tự do”, đồng thời nhấn chìm uy tín cũng như khả năng tiếp tục tranh cử của ông. Một cuộc thăm dò chớp nhoáng ngay hôm 1-2 đã cho kết quả có đến 76% cử tri Pháp không hài lòng với cách ông phản hồi cáo buộc của báo chí. Khả năng ông tiếp tục duy trì cuộc đua đang yếu dần, vì áp lực từ cuộc điều tra của các công tố viên đang lớn dần, và đang mở rộng phạm vi điều tra từ vợ ông đến cả các con ông.

Vụ việc “Penelopegate” đang phủ bóng đen lớn lên cuộc bầu cử và đang khiến cho các thành viên đảng Les Republicains sốt ruột, lo lắng vì ông Fillon đang ngày càng trở thành “cục nợ” chính trị đối với đảng. Cho đến hiện tại, đảng này chưa quyết định sẽ đưa ai ra thay thế ông Fillon ứng cử vào Điện Elyseé.

Một số nghị sĩ đang vận động trong nội bộ đảng này để trình một thư thỉnh nguyện đưa ông Alain Juppé - người từng thất bại trước Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ - ra thay thế ông. Bản thân Juppé tuyên bố mình không phải là kẻ “chờ thời”, nhưng trong tình thế đảng Les Republicains đang bối rối vì vụ việc của ông Fillon, Juppé đã phát đi tín hiệu sẵn sàng làm người thay thế.

An Châu (tổng hợp)
.
.