Philippines: Cuộc tranh cử màu mè của gia đình Marcos

Thứ Sáu, 09/04/2010, 14:20
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos, 80 tuổi, vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử vào Quốc hội với mục tiêu là vận động để chồng bà - cố Tổng thống Ferdinand Marcos được chôn cất ở "nghĩa trang của những người anh hùng" cùng với việc làm sạch vết nhơ của chồng. Tuổi tác cao và còn mang nhiều căn bệnh cườm mắt, tiểu đường..., sự tranh cử của bà đã ghi thêm tính ly kỳ tại Philippnes, nổi tiếng là sân chơi của mọi giới từ nghệ sĩ, diễn viên cho đến võ sĩ quyền Anh.

Ngày đầu tiên ra tranh cử, 26/3, trong bộ đồ màu cam sáng cùng với trang sức bằng ngọc bích và kim cương, bà dẫn đoàn nhà báo vào tham quan bảo tàng của chồng bà, ông Ferdinand Marcos tại tỉnh Ilocos Norte, cách thủ đô Manila 400km về hướng bắc. Hôn chồng qua chiếc hòm bằng kính, bà Marcos nói với báo giới: "Đây là một trong những sự bất công lớn của chúng ta", ý nói chồng bà không được chôn trong nghĩa trang quốc gia.

Năm nay, gia đình Marcos có tới 3 người ra tranh cử. Thứ nhất là bà, thứ nhì là con trai Ferdinand Marcos-con tranh cử vào Thượng viện và con gái là Imee tranh cử Tỉnh trưởng Ilocos Norte.

Bà Marcos (phải) bên cạnh con gái trong cuộc vận động tranh cử.

Do tội trạng tham nhũng, đàn áp chính trị và chà đạp nhân quyền, Tổng thống Ferdinand Marcos sau khi chết đã không được chôn ở nghĩa trang quốc gia dành cho những anh hùng Philippines. Năm 1986, ông bị các cuộc biểu tình "quyền lực nhân dân" lật đổ và đã qua đời vào năm 1989 khi đang sống lưu vong ở Hawaii - Mỹ. Năm 1991, bà và 3 con được phép trở về Philippines. Hình như lần này bà cũng đã quên thất bại 2 lần trước đó là năm 1992 và 1998 khi ra tranh cử tổng thống.

Bộ sưu tập giày khổng lồ được phát hiện trong các tòa nhà nguy nga sau cuộc đảo chính không đổ máu, nhanh chóng trở thành biểu tượng cho lối sống xa xỉ của vợ chồng Marcos. Trong khi gia đình Marcos sống trong nhung lụa, hàng nghìn người Philippines sống trong nghèo đói.

Bà Marcos nổi danh từ khi còn là đệ nhất phu nhân với các trò tiêu hoang lãng phí. Một đệ nhất phu nhân hay đi mua sắm tại các cửa hiệu sang trọng bậc nhất trên thế giới và nổi tiếng với các "dự án" làm đẹp. Nhiều người Philippines tỏ vẻ "thán phục" kiểu cách quý phái của bà nhưng nhiều người khác, nhất là thế hệ sinh sau năm 1986 chỉ biết bà như một người nổi tiếng.

Cho tới nay, bà Marcos đã đối mặt với 900 tội về dân sự và hình sự, trong đó nổi bật là các tội danh biển thủ, tham nhũng và trốn thuế nhưng bà vẫn chưa một lần bị tuyên án tù. Bà đã bị 10.000 người Philippines kiện ra tòa và đòi bồi thường thiệt hại 2 tỉ USD. Nhiều trường hợp do không có bằng chứng, vài trường hợp khác bị tòa án cấp trên bác án.

Bà Marcos lần này ra tranh cử theo tên đảng của chồng - đảng Phong trào xã hội mới. Đảng này ngày càng yếu sau khi chồng bà qua đời. Nhưng ngay tại quê nhà Ilocos Norte với 390.000 dân, nó vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng nhờ các công trình cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay quốc tế, cảng biển được xây dựng từ thời Marcos. Theo các trợ lý của bà, sự trở lại chính trường của bà ít nhất cũng giúp nhiều người nghĩ đến việc... mua thêm một số đôi giày mới.

Marcos hôn quan tài chồng trước khi vận động tranh cử.

Cuộc vận động bầu cử của bà có vẻ hơi ồn ào trong một nền chính trị bầu cử có truyền thống sôi động của Philippines. Không những vận động cho chính mình, bà Marcos cũng vận động cho con trai mình Ferdinand Marcos-con, biệt danh là "Bongbong" tranh cử vào Thượng viện. "Bongbong" tranh cử cũng "đầy màu sắc" giống mẹ khi hóa thân thành nghệ sĩ saxophone cùng hát với những ủng hộ viên tham gia cuộc vận động bầu cử.

Hầu hết những ủng hộ viên của ông là cựu quan chức, sĩ quan  và ủng hộ viên thời Tổng thống Marcos, trong đó có cựu Thủ tướng Cesar Virata, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương và cựu Bộ trưởng Giáo dục Jaime Laya, cựu Bộ trưởng Cải cách ruộng đất Conrado Estrella, cựu Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Vicent Valdepenas...

Phát biểu trong một buổi vận động bầu cử, Marcos-con cho biết ông không thể nào có một cuộc sống thoải mái mà không tham gia vào chính trị và "di sản" của cha để lại đã thôi thúc ông gia nhập tầng lớp lãnh đạo Philippines.

Cuộc bầu cử tại Philippines năm nay bao gồm bầu cử Tổng thống, Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện), hội đồng địa phương và các tỉnh trưởng. Ngoài cuộc vận động của gia đình bà Marcos, còn có một gia đình quyền lực khác đó là gia đình của cựu Tổng thống Corazon Aquino.

Bà Aquino là nữ Tổng thống đầu tiên của Philippines, cũng chính bà là người lãnh đạo cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Fredinand Marcos. Bà qua đời tháng 8/2009. Con trai của bà Aquino, Thượng nghị sĩ Begnino "Noynoy" Aquino III tranh cử tổng thống

Trương Minh (tổng hợp)
.
.