Philippines: Hai vấn đề lớn của Tổng thống Aquino

Thứ Ba, 08/10/2013, 20:25

Thứ nhất là tình trạng tham nhũng, thứ hai là xung đột với lực lượng vũ trang Hồi giáo ly khai ở đảo Mindanao, đang là những vấn đề khiến Tổng thống Benigno Aquino ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên.

"Bàn tay sạch" không dẹp nổi tham nhũng

Năm 2010, Benigno Aquino đắc cử lên làm Tổng thống với một chiến dịch "Bàn tay sạch". Aquino xác định tham nhũng là "quốc nạn" hàng đầu, là nguyên nhân làm cho nền kinh tế đất nước trong nhiều năm liền bị trì trệ và chính trị bị tha hóa.

Ngay sau khi lên lãnh đạo đất nước, ông Aquino bắt tay ngay vào "dọn dẹp" mớ lộn xộn tham nhũng: lôi ra vành móng ngựa những quan chức, thẩm phán tòa án cao cấp nhất dính đến tham nhũng nặng nề. Giai đoạn đầu tiên đó, ông Aquino thật sự mang lại sự thay đổi ở đất nước nghìn đảo, tình trạng tham nhũng xem như đã cơ bản được khống chế, làm nổi bật hình ảnh Aquino như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Thế nhưng, những tiết lộ mới nhất về tham nhũng lại bắt đầu khiến ông Aquino như ngồi trên lửa. Tháng 7/2013, một loạt tố cáo tham nhũng của những "người thổi còi" đã vạch rõ "vòi bạch tuộc" tham nhũng đang quay trở lại thọc sâu vào trong hàng ngũ quan chức lập pháp và hành pháp. Hàng chục quan chức cấp cao và các nghị sĩ kỳ cựu bị dính vào một vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn mà báo chí địa phương gọi là "mẹ của các vụ bê bối".

Theo các báo cáo điều tra của Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Quốc gia (NBI), có đến 28 nghị sĩ bị cáo buộc dính líu trong vụ án tham nhũng lợi dụng các tổ chức phi chính phủ giả mạo để tuồn tiền quỹ bất hợp pháp trong một chương trình có tên gọi là Quỹ Hỗ trợ ưu tiên phát triển (PDAF), trục lợi lên đến 220 triệu USD tiền công quỹ, trong khoảng thời gian 10 năm qua.

Đặc biệt, trong số các quan chức, nghị sĩ bị dính tham nhũng, có các nghị sĩ đối lập quan trọng như Jinggoy Estrada, Ramon "Bong" Revilla và Ferdinand "Bong Bong" Marcos - những người đang có kế hoạch thách đấu với ứng cử viên tổng thống năm 2016 do Tổng thống Aquino giới thiệu, đương kim Bộ trưởng Nội vụ Manual "Mar" Araneta Roxas.

Khi vụ việc được báo chí phanh phui, Tổng thống Aquino dường như chưa có phản ứng gì, mà ông im lặng lắng nghe truyền thông làm ầm ĩ vụ việc để xem mức độ trầm trọng ra sao. Điều đáng băn khoăn nhất là ông buộc phải mạnh tay với ngay chính các quan chức đồng minh thân cận của mình - một điều ít nhà cầm quyền nào muốn làm, vì nó chẳng khác nào tự chặt tay mình, vì chính những người này nắm trong tay những lá phiếu quan trọng giúp Tổng thống thông qua các chính sách quan trọng, đồng thời làm sứt mẻ phần nào uy tín chiến dịch chống tham nhũng của Tổng thống Aquino.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói trong công luận vang lên đòi Tổng thống Aquino phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách sâu rộng hơn nữa. Chẳng hạn, nhân Ngày Anh hùng Quốc gia (26/8), khoảng 75.000 người Philippines đã xuống đường biểu tình phản đối, yêu cầu Tổng thống Aquino mạnh tay với tham nhũng. Chính phủ của ông Aquino đã hứa trước công chúng sẽ kiểm tra lại hệ thống Quỹ PDAF và kiểm soát chặt chẽ hơn việc phân bổ ngân sách chính phủ, đồng thời sẽ xét xử tất cả các quan chức bị cáo buộc dính líu vụ việc.

Tổng thống Aquino đã cho thành lập Hội đồng Chống tham nhũng liên ngành (IAGC) để điều tra, thu thập chứng cứ buộc tội các quan chức chính phủ; trong khi đó, Quốc hội cũng thành lập Ủy ban Dải băng xanh (Blue Ribbopn Commission - BRC) để điều tra, xử lý các nghị sĩ trong Quốc hội. 38 cá nhân đầu tiên đang chuẩn bị ra hầu tòa.

"Cuộc chiến" ở Mindanao

Thành phố Zamboanga thuộc đảo Mindanao, miền Nam Philippines đã trở thành điểm nóng xung đột vũ trang ở Philippines suốt tháng 9 qua. Theo báo chí Philippines, vào đầu tháng 9, hàng trăm tay súng thuộc tổ chức ly khai Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro (MNLF) đã bất ngờ đánh chiếm thành phố Zamboanga và giương cao cờ tuyên bố "độc lập" tách khỏi Philippines. Đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và chính quyền địa phương với các tay súng MNLF, sau đó khoảng hơn 100 người đã bị bắt làm con tin.

Đến giữa tháng 9, Tổng thống Aquino đã ra lệnh cho Quân đội Philippines triển khai lực lượng can thiệp nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố. Cuộc giao chiến trong mấy tuần qua đã khiến cho khoảng 200 người chết (cả hai phía), khoảng 100.000 người dân mất nhà cửa, nhiều nơi trong thành phố Zamboanga bị tàn phá, kinh tế trì trệ… Đến cuối tháng 9, quân đội Philippines đẩy lực lượng MNLF ra hầu hết các khu vực bị chiếm.

Vụ việc tại thành phố Zamboanga một lần nữa cho thấy đảo Mindanao luôn bất ổn về an ninh, là thử thách quan trọng đối với bất cứ tổng thống nào muốn tạo dựng một Philippines hòa bình, ổn định. Tại Mindanao, các vụ đánh bom khủng bố cứ xảy ra đều đặn từ nhiều năm qua. Nó khiến cho nhiều đời tổng thống Philippines phải tốn hao sức lực để giải quyết nhưng vẫn chưa ai thành công.

Khi Aquino lên nắm quyền, an ninh trên đảo Mindanao là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Cách đây gần 1 năm, báo chí Philippines đã hân hoan đưa tin về việc Tổng thống Aquino đã ký kết thỏa ước hòa bình với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Morro (MILF) - tổ chức Hồi giáo ly khai lớn nhất Philippines. Thỏa ước hòa bình đã làm dấy lên hy vọng chấm dứt chuỗi bạo lực kéo dài nhiều thập kỷ tại Mindanao.

Thế nhưng, MNLF lại khiến cho mọi người phải tỉnh ngộ rằng, xây dựng hòa bình với các tay súng phiến quân là một việc vô cùng khó, không đơn giản như việc ký kết trên giấy tờ, mà đòi hỏi nhiều quyết tâm từ mặt trận thực tế

An Châu (tổng hợp)
.
.