Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Medvedev: Bình dân nhưng trí thức

Thứ Tư, 07/12/2005, 07:09

Ngay sau khi được Tổng thống Vladimir Putin xếp vào chức Phó Thủ tướng thứ nhất chính phủ Liên bang (LB) Nga, nhà luật học Dmitri Medvedev (sinh năm 1964) đã được dư luận trong và ngoài nước Nga quan tâm như ứng cử viên vào loại hàng đầu trong đội ngũ ít ỏi các chính khách có thể thừa kế cương vị chủ nhân ông Điện Kremli sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.

Và tất cả đều ngạc nhiên rằng, những thông tin về cuộc sống của ông Medvedev trước khi lên vũ đài chính trị cho tới nay được công bố không nhiều. Chính vì lý do này nên phóng viên tờ báo Nga  "Moskovsky Komsomolets" đã cất công về lại Saint Peterburg, thành phố quê hương của ông Medvedev (cũng như của Tổng thống Putin) để thu thập thêm những điều lý thú về con người có thể sẽ trở thành gương mặt chính trị gia lớn của nước Nga sau vài ba năm nữa.

Nghèo tiền, giàu chữ

Tuổi thơ và tuổi thanh niên của Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga trôi qua ở ngoại ô Leningrad, trong khu phố công nhân Kuptsino. Gia đình Medvedev lại là trí thức, người cha cả đời làm giảng viên Trường Đại học kỹ nghệ Leningrad (năm 1982, chính ông đã xin cho con trai vào làm nhân viên phòng thí nghiệm ở đây). Người mẹ cũng làm việc ở Trường Đại học Sư phạm mang tên Guersen, về sau bà chuyển sang làm hướng dẫn viên bảo tàng.

Phố Ben Kun thuộc khu Kuptsino cho tới hôm nay vẫn rất khiêm nhường với những ngôi nhà đơn giản giống nhau như đúc. Căn hộ nhỏ trong tòa nhà bê tông 9 tầng, nơi tá túc của gia đình Medvedev ngày xưa giờ không có ai ở dù người mẹ vẫn đứng tên chủ sở hữu. Cha Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga đã mất hơn một năm trước và người mẹ có vẻ như bị suy sụp sức khỏe, phần lớn thời gian là đi dưỡng bệnh. Bản thân ông Medvedev đã chuyển khỏi đây từ năm 1995.

Những người dân sở tại vẫn nhớ họ. Người phụ nữ hàng xóm kể với nhà báo: "Tôi vẫn nhớ anh Dimka (tên gọi thân mật Dmitri của Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga). Anh ấy, của đáng tội, hơn tôi vài tuổi nên thuở nhỏ đã chẳng thèm để ý tới tôi. Còn tôi luôn luôn thích anh ấy. Giữa đám trẻ sở tại, trông anh ấy nổi bật vì tác phong rất trí thức và sạch sẽ. Quần áo rẻ tiền thôi nhưng tươm tất. Không bao giờ anh ấy nói bậy...". Người phụ nữ còn nói thêm: "Gia đình ấy có vẻ như không có nhiều tiền lắm. Họ ăn uống dè sẻn. Họ dùng phần lớn tiền lương để mua sách".

Một bà cụ già kể: "Tôi biết Dimka từ lúc còn quấn tã. Cậu ấy hồi bé hay được bà bế ra ngồi ngoài sân, hóng nghe chuyện cổ tích. Đó là một cậu bé hiền lành. Cháu gái tôi mê cậu ấy lắm, viết thư tỏ tình. Một hôm, cậu ấy bảo rất gay gắt: "Đừng làm tớ chán, chúng ta còn nhỏ để theo trò yêu đương...". Khi ấy, cả hai đứa mới lên 10!  Nhưng chỉ sau chuyện này có vài năm cậu ấy đã mê một cô bé tóc trắng. Hai đứa hôn nhau ngay ở giữa sân trước mặt mọi người, chả ngại ai cả. Tôi cứ ngạc nhiên là tại sao một cậu bé vốn hiền lành như thế lại trở thành một anh đa tình táo tợn nhường ấy!".

Cô bé tóc trắng ấy chính là tình yêu duy nhất của Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga. Nhiều năm sau nụ hôn đầu, ông Medvedev đã tỏ tình với cô và được chấp nhận.

Chữ như gà bới

Năm 1973, Dimka được đưa vào học trường phổ thông duy nhất của khu Kuptsino, đó là trường số 305 trên phố Budapest. Trường là một ngôi nhà bốn tầng xám xịt, trông như trại lính cũ dù mới chỉ xây cách đây có 36 năm. Đối với các thầy cô ở trường hiện nay, ông Medvedev là niềm tự hào lớn nhất, mặc dù những người trực tiếp dạy Dimka ngày xưa giờ đã nghỉ gần hết. Chỉ còn lại cô giáo Irina Grigorovskaia. Cô giáo kể: "Tôi dạy Dimka môn toán. Cậu ấy toàn được điểm 5. Tôi nhớ đó là một chú bé gày gò, mỏng mảnh. Thực lạ, nhưng cậu ấy học môn nào cũng tốt. Chưa bao giờ bị điểm nào dưới 4 cả. Năm 2001, Dimka về đây tổ chức họp lớp cũ và tặng hoa thầy cô giáo. Tôi lấy làm lạ là tính cách cậu ấy không hề thay đổi chút nào. Đối xử với mọi người đều ngang bằng cả. Thậm chí tôi có cảm giác cậu ấy còn như hơi ngượng ngùng vì cậu ấy đang ở một vị trí cao như thế".

Cô Vera Smirnova, cô giáo đầu đời của Phó Thủ tướng thứ nhất Nga, tâm sự: "Tôi không chỉ là cô giáo đầu tiên của Dimka mà ở những năm cuối cấp, tôi còn dạy cho anh ấy môn địa lý. Tôi với Dimka cho tới bây giờ vẫn duy trì liên lạc với nhau. Mới tháng trước tôi lên ở nhà anh ấy tại Moskva. Thực hiếm khi học sinh lại kết bạn với giáo viên lâu như thế. Trong số các chính khách của Nga chỉ có ông Putin và Medvedev vẫn duy trì quan hệ với những người thầy phổ thông. Tôi khi tới trường còn là một cô gái trẻ lắm. Tôi nghĩ là thuở ấy cũng có khá nhiều học trò hơi hơi phải lòng tôi. Dimka đã định bắt chước tôi trong mọi chuyện. Chữ của cậu ấy rất xấu, như gà bới, tôi thường chê trách vì chuyện này. Thế là  Dimka đã ngồi luyện chữ tới mức viết giống tôi y hệt. Đến nỗi, có đồng nghiệp ngạc nhiên: "Hay là cô làm hộ Dimka bài tập về nhà?!". Bây giờ tôi với Dimka thậm chí là chữ ký cũng giống nhau!".

Cô Vera nhận xét: "Thuở nhỏ, Dimka là một cậu bé có chí tiến thủ lắm. Lúc nào cũng chỉ học và học. Hiếm khi thấy Dimka ra phố đùa nghịch cùng bọn trẻ. Cậu ấy giống như một ông già tí hon, cặm cụi suốt ngày...".

Gần đèn thì rạng

Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Leningrad được coi là "lò đào luyện chuẩn" của nước Nga. Đây là nơi theo học của Aleksandr Karensky, Vladimir Lênin và Vladimir Putin. Đây cũng là nơi ông thầy của Tổng thống Nga Anatoly Sobchak theo học và giảng dạy. Ông Medvedev cũng từng tốt nghiệp khoa này và đã không chỉ một năm đứng trên bục giảng tại đây. Giảng viên Medvedev rất được sinh viên yêu quý. Năm 1995, khi ông rời khỏi đây để lập nghiệp chính khách, sinh viên khoa luật đã treo lên bảng thông báo tờ giấy ghi: "Đã lạc mất một giảng viên. Trẻ trung, thông minh, đẹp giai. Hãy trở về đi thầy! Chúng em yêu thầy!"

Nguyễn Ngọc Lân (Theo báo Nga "Moskovsky Komsomolets")
.
.