Phong cách của các ông chủ Nhà Trắng

Thứ Ba, 31/03/2009, 10:20
Những bức ảnh chụp ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ Barack Obama tại Phòng Bầu dục đã gây ra không ít ngạc nhiên đối với công chúng. Nguyên nhân là họ nhận thấy cả Obama cũng như các cố vấn của mình đều ngồi họp với những chiếc áo sơmi chứ không hề có áo vest.

Trong khi suốt 8 năm cầm quyền của George Bush, người Mỹ đã quen với cảnh ông này ăn mặc rất "đầy đủ lệ bộ". "Thế các ngài muốn gì? - một trong các cố vấn của ông Obama đã trả lời trước sự tò mò của các phóng viên - Tổng thống sinh ra tại Hawaii nên đã quen với khí hậu ấm áp. Ông ấy ra lệnh phải sưởi ấm phòng họp. Giờ đây tại đó chẳng khác gì một cái nhà kính - có thể trồng cả phong lan nữa".

Những người am hiểu thì nhún vai cho rằng, việc Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ lên nắm quyền không chỉ có nghĩa về một thời đại chính trị mới, mà còn là cả một phong cách mới tại Nhà Trắng. Thực tế qua nhiều đời ông chủ Nhà Trắng cũng cho thấy đây là một nhận định hoàn toàn có cơ sở...

Mỗi người một… gu

Vào ngày thứ 7 đầu tiên ngay sau lễ nhậm chức, các nhân viên phục vụ lâu năm tại Nhà Trắng đã sững người khi nhìn thấy một số nhân viên mới trong nội các của ông Obama xuất hiện tại nơi làm việc với chiếc quần jean và áo len dài tay, điều mà theo họ nhìn nhận ban đầu chẳng khác gì một thái độ xấc xược ngay tại một nơi được coi là cơ quan có quyền lực cao nhất đất nước.

Tuy nhiên, mọi thắc mắc đã thay đổi hẳn khi chính ông Obama xuất hiện với chiếc áo sơmi không có càvạt. Những người cũ giờ đây chỉ có thể tự nhủ rằng, đã đến lúc họ phải quen với những luật lệ mới.

Nhưng cũng đừng nhầm tưởng phong cách ăn mặc tự do của tân Tổng thống Mỹ là một phần thái độ không tôn trọng nơi làm việc. Các phóng viên gần gũi với ông Obama kể lại rằng, vào một trong những ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống bất ngờ ghé vào phòng của thư ký báo chí Robert Gibbs - ông có thói quen khi cần gặp một cố vấn thân cận nào thì tự đến chỗ họ chứ không sai người gọi - và bắt gặp ông này đang ngồi trên ghế bành và gác chân lên bàn. "Sao vậy Gibbs - Tổng thống nhắc nhở ngay với vẻ phật ý - Chưa đầy một tuần làm việc trong văn phòng mà chân đã trên bàn rồi à".

Nhưng đến khi Gibbs nhảy dựng lên khỏi ghế và giơ tay bắt, ông Obama lại có vẻ hơi bối rối: ông vẫn chưa quen cảnh khi mình xuất hiện thì tất cả mọi người đều phải đứng lên.

Dù sao, phong cách và hành động của tân Tổng thống cũng khiến cho người dân Mỹ phần nào hiểu được một thông điệp gián tiếp mà ông muốn thể hiện: Tôi không phải thuộc tuýp người quan liêu hay con ông cháu cha, tôi sẽ xóa bỏ nhiều quan niệm trì trệ để thay thế bằng làn gió đổi mới v.v...

Không chỉ riêng ông  Obama, hầu hết những ông chủ Nhà Trắng trước đây đều có không ít những giai thoại liên quan đến sở thích của từng người. Như George Washington luôn xuất hiện trước công chúng với bề ngoài được chăm chút và kiểu cách, là người luôn tuân thủ những lễ nghi nghiêm ngặt. Còn Thomas Jefferson lại bãi bỏ câu chào quá kiểu cách "Thưa quí ngài", đồng thời tự cho phép mình mặc áo thụng để đón tiếp đại sứ nước ngoài.

Theo truyền thống đã định trước, Tổng thống sắp mãn nhiệm cùng đệ nhất phu nhân của mình vào ngày tuyên thệ nhậm chức sẽ mời vợ chồng tân Tổng thống tới Nhà Trắng để uống cà phê khoảng một giờ trước khi buổi lễ diễn ra. Sau khi cả hai cặp cùng rời bước tới đồi Capitol, các nhân viên phục vụ Nhà Trắng sẽ phải vắt chân lên cổ để dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ.

Nói chính xác hơn, quản gia Nhà Trắng và các nhân viên của ông ta có vỏn vẹn đúng 5 giờ (cho tới khi hoàn tất lễ diễu hành sau nhậm chức) để chuyển hết số tài sản cá nhân của ông bà chủ cũ và sắp xếp tất cả những đồ vật cần thiết cho những chủ nhân mới tại Nhà Trắng.

Trong lịch sử đã có không ít những sai sót và cẩu thả trong quá trình chuyển giao này: chẳng hạn như vali của tân Tổng thống lại được chuyển lên xe của cựu Tổng thống và ngược lại. Hay có lần nhân viên còn quên thay cả ga giường.

Vào tháng 8/1973, tân đệ nhất phu nhân Betty của Tổng thống mới Gerald Ford ngay trong buổi sáng đầu tiên sau lễ nhậm chức đã phát hiện trong một gian phòng ở Nhà Trắng chiếc hộp có dòng chữ: "Những cuộn băng ghi âm. Không được đụng tới".

Hóa ra, đó là những đoạn băng ghi âm nhạy cảm mà Richard Nixon đã từ chối giao cho Quốc hội. Tổng thống Truman lại căm ghét người kế nhiệm Dwight Eisenhower tới mức đã từ chối thông lệ dẫn ông này tham quan Nhà Trắng trước khi bàn giao. Hậu quả là ngay buổi sáng đầu tiên sau lễ nhậm chức, Eisenhower bước ra khỏi giường mà không biết đi ra cửa nào để tới chỗ làm việc.

Những nỗ lực đổi mới

Đặc điểm chính của Nhà Trắng là ở chỗ, đây vừa là nơi làm việc, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình tổng thống. Có điều do chỉ là ông chủ tạm thời, tổng thống không có quyền sửa đổi cấu trúc của tòa nhà theo ý của mình.

Để dành riêng cho mục đích này, Quốc hội thành lập riêng một ủy ban, trong thành phần có mặt đệ nhất phu nhân, người chịu trách nhiệm lưu giữ những bộ sưu tập nghệ thuật của Nhà Trắng, cũng như các chuyên gia từ nhiều viện bảo tàng lớn v.v...

Theo quy định hiện nay, cứ 4 năm một lần, Quốc hội lại duyệt một khoản tiền để đổi mới nội thất khu sinh hoạt của gia đình tổng thống - số tiền này hiện nay là 100 ngàn USD. Ngoài ra, gia đình đương kim Tổng thống có thể sử dụng những khoản quyên góp của tư nhân hay tiền túi riêng cho mục đích này. --PageBreak--

Chẳng hạn như Ronald và Nancy Reagan đã thu thập được hơn 1 triệu USD tiền đóng góp để đổi mới thiết kế. Tuy nhiên khi nhà Reagan dám bỏ tới 200 ngàn USD để mua một bộ đồ ăn bằng sứ cao cấp, người dân Mỹ đã tỏ ra bất bình về chuyện này.

Dù trên thực tế, Nhà Trắng luôn rất cần những bộ đồ ăn sang trọng như vậy: trong các bữa tiệc đón khách quy mô quốc gia, người ta thường dùng bữa trên những chiếc đĩa sang trọng đầy màu sắc.

Phòng Bầu dục - là nơi chuyên bàn chuyện "quốc gia đại sự" - cũng thường xuyên được đổi mới tùy theo sở thích của từng tổng thống. Chẳng hạn như dưới thời ông Clinton, căn phòng có màu chủ đạo là xanh lơ, còn dưới thời Bush - con là màu vàng ôliu.

George Bush thường thích bật mí với khách viếng thăm rằng, tấm thảm trải sàn trong căn phòng này được dệt theo phác thảo của bà Laura: "Nó có vẻ như thu hút được ánh nắng mặt trời, nhờ đó mà không khí trong phòng mang lại cảm giác lạc quan hơn".

Trong bài trả lời phỏng vấn sau khi đắc cử, ông Obama đã nói khá nhiều về những nguyên tắc dự định trong tương lai tại Nhà Trắng. Còn sau buổi tham quan đầu tiên tại nơi ở sắp tới của mình, đệ nhất phu nhân Michelle phải thốt lên rằng, Nhà Trắng "đẹp và tạo một cảm giác xúc động mang tính tôn sùng".

Ông Obama cũng hứa hẹn sẽ duy trì lệnh cấm hút thuốc trong Nhà Trắng để đảm bảo nơi đây luôn là một khu vực trong sạch về sinh thái và tiết kiệm điện. Cần biết là dưới thời người tiền nhiệm George Bush, trên các mái nhà ở đây đã được lắp đặt các tấm pin mặt trời cũng như một số nguồn năng lượng thay thế khác.

Những thay đổi gì dưới thời Obama?

Với những gì đã thể hiện trước đó, các chuyên gia thiết kế đã vội vàng đưa ra dự đoán về những đặc điểm trong phong cách của Nhà Trắng dưới thời Obama - đó là những nguyên vật liệu sạch về sinh thái, đồ gỗ hiện đại thay cho loại đồ cổ và những thiết bị công nghệ cao v.v...

Tuy nhiên, hầu hết đều đã thất vọng khi ông Obama gần như không thay đổi gì phần nội thất của những phòng làm việc chính thức. Tấm thảm của Laura Bush vẫn ở chỗ cũ cùng với những chân dung của Washington và Lincoln. Ông Obama cũng cảm thấy không cần thiết phải thay bàn giấy, ông vẫn ngồi làm việc đằng sau chiếc bàn của người tiền nhiệm.

Cần biết là chiếc bàn này đã có một lịch sử khá lâu kể từ khi là tặng vật của Nữ hoàng Victoria cho Tổng thống thứ 19 Rutherford Hayes vào năm 1880. Bàn được làm bằng những tấm gỗ sồi từ một con tàu đánh cá voi của Anh bị mắc kẹt trong băng ở vùng bờ biển Newfoundlands, sau đó được các thủy thủ Mỹ phát hiện.

Hầu hết các đời tổng thống Mỹ kể từ thời Hayes đều ngồi làm việc sau chiếc bàn này, ngoại trừ 3 vị đã quyết định sử dụng bàn riêng. Điều duy nhất mà Tổng thống thứ 44 của Mỹ không thích tại phòng làm việc của mình: đó là chiếc tủ với bộ sưu tập những chiếc đĩa trang trí đầy màu sắc. Theo ông Obama, đây là phòng làm việc chứ không phải... phòng ăn.

Để sửa sang lại khu nhà sinh hoạt của gia đình Tổng thống Obama, người ta đã mời nhà thiết kế nổi tiếng Michael Smith, người đã từng thiết kế nội thất cho nhiều biệt thự của những ngôi sao nổi tiếng tại Hollywood, dù theo đánh giá sẽ không có những thay đổi quá lớn trong khu vực này.

Một vị trí không thay đổi sẽ là đầu bếp trưởng người Philippines, bà Cristeta Comerford, nhưng giúp đỡ bà sẽ là một chuyên gia nữa từ Chicago là Sam Kass. Tổng thống Obama nói chung được đánh giá là người không quá cầu kỳ về chuyện ăn uống.

Cuộc sống hàng ngày của gia đình ông Obama khi chuyển về Washington gần như đã thay đổi hoàn toàn, xét ở một vài khía cạnh rõ ràng là thuận tiện và thoải mái hơn. Tại Nhà Trắng hiện nay đang có một đội ngũ khoảng gần 100 nhân viên phục vụ.

Trong khi đó, mỗi thành viên trong gia đình Tổng thống còn có quyền thuê một người phục vụ riêng do nhà nước trả công - đó có thể là người dọn phòng, nữ phục vụ, đầu bếp hay thợ cắt tóc v.v... Ngoài ra, dinh thự của Tổng thống còn có nhiều khu giải trí khác như phòng chiếu phim 50 chỗ, bể bơi, khu chơi bowling, phòng tập thể thao v.v...

Linh Nga (tổng hợp)
.
.