Plalestine: Ngoại trưởng Mỹ muốn dùng “đòn bẩy kinh tế”

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:10

Một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chủ trì đã diễn ra bên bờ biển Chết, Jordan, hôm 26/5 vừa qua, nhằm tìm kiếm giải pháp kinh tế cho vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine. Cuộc họp này cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm 2 nhà lãnh đạo, Tổng thống Simon Peres của Israel và Mahmoud Abbas của Palestine cùng có mặt và gặp nhau, trực tiếp thảo luận các vấn đề liên quan đến tiến trình hòa bình giữa 2 bên. Phía Mỹ có Ngoại trưởng John Kerry tham dự, cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, các nhà hoạt động nhân đạo trên thế giới.

Tại cuộc họp này, một ý kiến quan trọng đã được Ngoại trưởng Kerry nêu ra trước cuộc họp. Đó là đề xuất trọn gói các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các vùng lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây sông Jordan. Tổng trị giá của gói giải pháp này ước tính khoảng 4 tỉ USD. Sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia tài trợ trong gói giải pháp, thuộc các lĩnh vực phát triển về nông nghiệp, xây dựng và một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác.

Ngoại trưởng Kerry đặt ra mục tiêu của gói giải pháp này là sẽ giúp tổng thu nhập quốc nội (GDP) của khu Bờ Tây sông Jordan tăng trưởng 50% trong vòng 3 năm tới. Trọng tâm phát triển chính là ngành du lịch và các ngành tạo nhiều công ăn việc làm cho giới trẻ Palestine. Ông Kerry nói, "cải thiện cuộc sống và tuổi thọ cho người Palestine, nhất là người trẻ, thiếu việc làm, là chìa khóa để xây dựng một Nhà nước Palestine độc lập chung sống hòa bình với Israel”.

Tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine là ưu tiên hàng đầu của Ngoại trưởng Kerry. Ông đã dành trọn thời gian hơn 3 tháng đầu tiên nhậm chức để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thuyết phục Israel và Palestine mỗi bên chịu nhượng bộ một chút để cải thiện bầu không khí đối thoại cần thiết cho đàm phán, và không đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán được diễn ra thuận tiện hơn.

Song song với hoạt động "ngoại giao con thoi" đến khu vực Trung Đông, ông Kerry đã lên kế hoạch đề xuất gói giải pháp kinh tế. Cách đây hơn 1 tháng, ông đã triệu tập một số bạn bè, trong đó có tỉ phú Tim Collins và cựu Thủ tướng Anh Blair, nhờ họ huy động các doanh nghiệp lớn, quan tâm đến vấn đề hòa bình Trung Đông để thuyết phục họ tham gia diễn đàn để cùng nhau bàn bạc cách thức triển khai gói hỗ trợ. 

Mục tiêu quan trọng nhất của ông Kerry chính là muốn thông qua gói giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế này để tạo cầu nối đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trên cơ sở không thay đổi các điều kiện về đường ranh giới, các khu định cư Do Thái, người Palestine tị nạn hồi hương,…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Israel Simon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gặp nhau bên lề cuộc họp WEF tại Jordan.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Peres cũng "phụ họa" với ông Kerry bằng những lời mời gọi "tha thiết", gọi ông Abbas là "một đối tác đáng tin cậy để xây dựng hòa bình". Cũng như ông Kerry, Tổng thống Peres đã đưa ra những phân tích hấp dẫn của gói hỗ trợ phát triển kinh tế để mời mọc lãnh đạo Palestine, hứa hẹn tương lai kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân Palestine được nâng lên,… Đời sống kinh tế phát triển tốt sẽ tạo bầu không khí hòa hoãn, nhờ đó vấn đề an ninh sẽ được giải quyết tốt hơn.

Tuy nhiên, đến phần phát biểu của mình, ông Abbas đã khiến cho các nhà soạn thảo gói đề xuất kinh tế phải bận tâm suy nghĩ. Abbas đã tỏ ra không dễ bị thuyết phục bởi cái "bánh vẽ" mà đối phương đưa ra. Ông chỉ trích Israel đã không đón nhận cơ hội xây dựng hòa bình với Sáng kiến Hòa bình Arập mà Liên đoàn Arập đã xây dựng từ năm 2002 và mới vừa tái phê chuẩn nhằm hâm nóng các nỗ lực hòa bình trong khu vực.

Kerry kêu gọi đàm phán hòa bình, nhưng Israel không hưởng ứng một cách đầy đủ. Thiện chí của phía Israel không đủ mạnh để có thể thuyết phục ông Abbas tin rằng Israel thật sự muốn "hòa đàm" theo giải pháp "hai nhà nước" với Palestine. Vì vậy, ông Abbas đã tỏ rõ sự nghi ngờ về dụng ý thật sự của Israel.

Abbas tái khẳng định ông và người dân Palestine của ông sẽ không đời nào chấp nhận việc dùng "giải pháp kinh tế" để thay thế cho việc thiết lập một đất nước tự do và có chủ quyền. Abbas đã nhìn thấy rõ những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế của ông Kerry đề xuất và Tổng thống Peres hưởng ứng, mời gọi ông chỉ là màn "phù phép" giả tạo nhằm "câu giờ" cho việc thực thi giải pháp "hai nhà nước".

Abbas bác bỏ cái gọi là "một nhà nước tạm thời, đường ranh giới tạm thời" trong đó Israel đồng ý 50% đường ranh giới với Palestine, phần còn lại sẽ chỉ được xem xét tiếp tục sau 15 năm nữa. Abbas cho rằng Ngoại trưởng Kerry và Israel đang muốn dùng gói giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế để mua chuộc, dụ dỗ người Palestine đồng ý, chấp nhận giải pháp nửa vời để Israel có thêm thời gian lấn chiếm đất của người Palestine.

Ngoại trưởng Kerry đang thử nghiệm một hướng giải pháp mới, mềm mỏng hơn để ru ngủ, dụ dỗ người Palestine để cho họ dễ dàng chấp nhận những điều kiện đàm phán theo chiều hướng có lợi cho Israel. Những vấn đề gút mắc khó giải quyết, như việc Israel phải ngưng xây dựng nhà ở trong các khu tái định cư, yêu cầu Israel phải rút khỏi Đông Jerusalem, vấn đề thung lũng Jordan,… đang làm đau đầu nhà trung gian Kerry trong việc thúc đẩy tái khởi động đàm phán, và ông Kerry cũng thấy rõ trước rằng, nếu đàm phán trong các điều kiện các vấn đề trên không có gì thay đổi, cải thiện so với trước thì cũng chẳng đi đến đâu, rồi cũng sẽ bế tắc

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.