“Quả bom Golan” giữa Trung Đông

Thứ Tư, 27/03/2019, 16:01
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-3 đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng.

Việc ký tuyên bố chỉ diễn ra vài ngày sau khi ông Trump cho đăng dòng Twitter cho rằng đã đến lúc Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan “vốn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với Nhà nước Israel và ổn định khu vực”.

Vượt qua luật pháp quốc tế

Trước đó, trên mạng xã hội Twitter ngày 21-3, Tổng thống Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”.

Động thái này của Tổng thống Trump vấp phải nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Hãng tin Reuters cho rằng tuyên bố này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ và tạo ra “cú hích” cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giữa chiến dịch vận động tái tranh cử hiện nay. Trong khi đó, AFP coi tuyên bố này là một món quà “hậu hĩnh” mà ông Trump muốn trao cho Thủ tướng Netanyahu trước thềm bầu cử ở Israel vào tháng 4 tới.

Hình ảnh Cao nguyên Golan trong 6 ngày chiến tranh năm 1967. Ảnh: Wikipedia.

Thủ tướng Netanyahu đã gọi việc ông Trump ký tuyên bố này là "công lý lịch sử" và "chiến thắng ngoại giao". Trước đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cũng nhanh chóng tán thành tuyên bố của ông Trump. Bởi chính ông này là người đang thúc đẩy Quốc hội Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Israel đối với Cao nguyên Golan.

AFP dẫn lời ông Graham nói rằng động thái của Tổng thống Trump là “khôn ngoan chiến lược và hoàn toàn tuyệt vời”. Tuy nhiên, AFP dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta lại chỉ trích ông Trump, coi chính sách này đi ngược các đối tác quốc tế của Mỹ.

EU và nhiều nước đã khẳng định không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Ngày 22-3, Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định lập trường không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Trao đổi với báo giới, một người phát ngôn EU nêu rõ: "Lập trường của EU không thay đổi. EU cho rằng, theo luật pháp quốc tế, không công nhận chủ quyền của Israel đối với các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng kể từ tháng 6-1967, bao gồm Cao nguyên Golan và không xem khu vực này là một phần của lãnh thổ Israel".

Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer tuyên bố Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Syria do Israel chiếm đóng. Bà nêu rõ: "Nếu cần thay đổi biên giới quốc gia thì điều này phải được thực hiện thông qua các biện pháp hòa bình giữa các bên liên quan. Chính phủ Đức phản đối các bước đi đơn phương".

Trong khi đó, nước đồng minh của Syria là Iran cũng chỉ trích lời kêu gọi của Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ sự "sửng sốt" trước ý định công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan của Tổng thống Mỹ.

Tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cũng chỉ trích sự chuyển hướng chính sách bất ngờ của Tổng thống Trump, cảnh báo điều này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Quan chức này cho biết Iran sẽ theo dõi những động thái tiếp theo trong tương lai và sẽ "cùng phối hợp với Chính phủ Syria để triển khai các chính sách cần thiết".

Ai Cập cũng ra tuyên bố khẳng định nước này công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Syria, đồng thời phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ. Bộ Ngoại giao Ai Cập dẫn Nghị quyết 497 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) năm 1981, trong đó bác bỏ việc Cao nguyên Golan sáp nhập vào Israel. Phía Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các nghị quyết và Hiến chương LHQ về việc không bao giờ thừa nhận việc chiếm đất bằng vũ lực.

Hầu hết đại diện các nước đều một lần nữa khẳng định thông tin lịch sử không thể thay đổi là Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Về phía Palestin, người dân nước này cũng có những phản ứng tiêu cực. Và nếu như quyết định trước đây của ông Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã chọc giận Palestine thì động thái mới nhất này của ông Trump cũng vấp phải chỉ trích.

“Cho dù Mỹ hay Israel, Trump hay Netanyahu, cũng sẽ không làm thay đổi sự thật mang tính lịch sử rằng Cao nguyên Golan thuộc Syria và sẽ vẫn là đất của Syria”, Ayman Abu Jabal, một thành viên của cộng đồng Druze ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm nói với phóng viên Reuters. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho rằng tuyên bố của ông Trump “hoàn toàn vượt quá luật pháp quốc tế”, đồng thời khẳng định quyền sở hữu của Syria với cao nguyên này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bình luận trên Twitter rằng Ankara “ủng hộ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Syria” và rằng những nỗ lực của Washington nhằm hợp pháp hóa những hành động bất hợp pháp của Israel sẽ chỉ dẫn đến bạo lực ở khu vực”.

"Bom" ngoại giao và ý đồ vẽ lại bản đồ Trung Đông

Động thái mới nhất này của Tổng thống Trump dường như là sự thể hiện công khai nhất từ trước đến nay nhằm hậu thuẫn ông Netanyahu, người hiện gặp khó trong cuộc đua cạnh tranh sít sao cuộc bầu cử vào ngày 9-4 này, đồng thời cũng phải đối đầu với các cáo buộc tham nhũng.

Trả lời mạng tin Fox Business, ông Trump phủ nhận ý định công khai hậu thuẫn ông Netanyahu trong cuộc bầu cử tới. Tuyên bố của Trump được đưa ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mike Pompeo công du Jerusalem, nơi ông trở thành quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên đến thăm Bức tường phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than khóc) cùng với Thủ tướng Israel.

Thêm một “cú hích” khác dành cho Netanyahu khi có đồn đoán cho rằng việc ông Pompeo đến thăm bức tường này cùng ông Netanyahu là sự ngầm thông qua của Mỹ đối với việc thừa nhận Israel có chủ quyền đối với địa danh này, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Do Thái và nằm chủ yếu ở Đông Jerusalem của Palestine.

Trong khi đó, AFP bình luận việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một quả “bom” ngoại giao gần đây nhất mà Washington thả xuống nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông. Trước đây, hồi năm 2017, ông Trump cũng đã đi ngược lại thực tiễn ngoại giao tồn tại hàng chục năm qua khi thừa nhận thành phố Jerusalem bị chiếm đóng là thủ đô của Israel, chứ không phải Tel Aviv.

Người dân ở Cao nguyên Golan phản đối sự công nhận của Mỹ. Ảnh: algemeiner.com.

Giải thích thêm về quả bom ngoại giao này, một bản tin khác của AFP cho rằng Chính quyền Mỹ đang cố gắng làm mọi thứ có thể để chứng minh rằng Netanyahu là người tuyệt đối cần thiết trong chính sách về Trung Đông của Mỹ. Quan chức cấp cao của Palestine Saeb Erakat coi chuyến thăm Bức tường Than khóc của hai ông Trump và Pence là “sự thay đổi hoàn toàn chính sách Mỹ”.

Ông Eracat dẫn chứng rằng, Mỹ đã báo trước về quyết định nói trên từ tuần trước khi Bộ Ngoại giao ra báo cáo nhân quyền thường niên, trong đó thay đổi cụm từ miêu tả Cao nguyên Golan từ “do Israel chiếm đóng” thành “do Israel kiểm soát”.

Bởi không chỉ các nước trong cộng đồng quốc tế, mà chính nhiều quan chức Mỹ cũng phản đối chính sách trên của Tổng thống Trump. Richard Haass, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế, bình luận trên Twitter rằng ông kịch liệt phản đối quyết định Golan của ông Trump.

Haass cho rằng quyết định của ông Trump vi phạm Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó, loại bỏ việc chiếm đóng lãnh thổ thông qua chiến tranh. Được thông qua sau cuộc chiến 1967, nghị quyết này kêu gọi Israel rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đảm bảo quyền của các nước trong khu vực được sống hòa bình trong phạm vi biên giới lãnh thổ được thừa nhận.

Trung Đông trong tương lai mịt mờ

Có thể thấy rõ, tuyên bố Golan của ông Trump có thể gây phức tạp cho các kế hoạch hòa bình Trung Đông bị trì hoãn lâu nay của Mỹ sau khi bầu cử ở Israel kết thúc. Cựu Giám đốc CIA Panetta cho rằng việc thừa nhận Golan “loại bỏ một trong những con bài mà mọi người đều cho rằng sẽ là một phần của thỏa thuận hòa bình Trung Đông”.

Khi ấy, nó sẽ gây ra rắc rối thực sự với các đồng minh Arab của Mỹ ở Trung Đông, ông nói. Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel cho rằng các hành động như đến thăm Bức tường Than khóc, thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như tuyên bố Golan nói trên không giúp ích gì cho mọi triển vọng mờ mịt hiện nay về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.

The New York Times, tờ báo hàng đầu của Mỹ đã bình luận sự kiện này “đã phá hủy chính sách của Mỹ đối với Trung Đông được xây dựng nhiều thập kỷ qua”. Động thái này sẽ gây tác động tới toàn bộ khu vực Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từ lâu đã được mong đợi.

Nhà Trắng muốn có được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước Arab đối với kế hoạch đàm phán này trong khi chính lãnh đạo các nước Arab giờ lại đối diện với viễn cảnh phải chấp nhận mất mảnh đất từ lâu họ luôn coi là của người Arab.

Trên thực tế, việc công nhận của ông Trump không thay đổi gì hiện trạng khu vực này. Hiện cũng không có đàm phán nào được tiến hành liên quan đến tình trạng của Cao nguyên Golan và cũng không ai nghĩ tới việc Israel sẽ rút quân khỏi đó. Tuy nhiên đây là một bước đi có tính chất biểu tượng, một quyết định cho thấy ông Trump sẵn sàng “phá” thông lệ ngoại giao và tạo ra một cuộc tranh luận mới về Trung Đông.

Ông Trump từng nói với hãng tin Fox trong cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 22-3 rằng đây là điều ông đã định làm từ lâu, rằng các tổng thống tiền nhiệm nào cũng nói sẽ làm và để đấy, còn ông sẽ “là người thực sự làm việc đó”. Tổng thống Trump cũng gạt sang một bên những ý kiến cho rằng ông làm vậy để giúp ông Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới, và theo dự kiến ông Trump sẽ đón ông Netanyahu thăm chính thức Nhà Trắng vào ngày 25-3 (giờ Mỹ).

Cuối năm ngoái, Mỹ đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết hàng năm mang tính biểu tượng của LHQ chỉ trích việc Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan. Đó cũng là lần đầu tiên Mỹ làm như vậy. Chính quyền của ông Trump thì cho rằng quyết định về Cao nguyên Golan chỉ là công nhận thực tế và điều đó là cần thiết để Israel và Palestine đạt được hòa bình.

Đặc phái viên của ông Trump về đàm phán Israel-Palestine, ông Jason D. Greenblatt phát biểu rằng “Israel không bao giờ chấp nhận mất Cao nguyên Golan dù trong bất kỳ tình huống nào bởi điều đó sẽ phương hại đến chính sự tồn tại của Israel”.

Từ trước tới nay, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã luôn kiên định không công nhận việc chiếm đóng của Israel đối với Cao nguyên Golan, hay khu vực Bờ Tây vì cho rằng lãnh thổ của Israel và nhà nước mới Palestine phải được đàm phán thông qua con đường ngoại giao. Kể từ khi chiến tranh ở Syria nổ ra năm 2011 với sự can thiệp của cả Iran và Nga, Israel ít bị cộng đồng quốc tế chú ý và gây sức ép phải rút quân ra khỏi Cao nguyên Golan, mảnh đất vốn được coi là rất quan trọng đối với an ninh của nước này.

Các nhà cựu ngoại giao đã từng tham gia đàm phán hòa bình cho khu vực Trung Đông nhận định rằng hành động của ông Trump sẽ thổi bùng vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay và khiến lãnh đạo một số nước cũng sẵn sàng chiếm đóng lãnh thổ nước khác bất chấp việc vi phạm luật lệ quốc tế.

Ông Dennis B. Ross, một người cũng từng tham gia đàm phán hòa bình cho Trung Đông, nhận định rằng bước đi này của ông Trump sẽ khiến lãnh đạo các nước Arab khó mà ủng hộ kế hoạch đàm phán hòa bình do Jared Kushner - con rể của Trump, đồng thời là một cố vấn cấp cao đang soạn thảo. Trong khi đó, Liên đoàn Arab đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của ông Trump là “hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Trong thông cáo báo chí phát trên MENA - hãng tin nhà nước của Ai Cập, Tổng thư ký liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit phát biểu: “Liên đoàn Arab hoàn toàn ủng hộ Syria có quyền với mảnh đất của họ hiện bị chiếm đóng”.

Hoa Huyền
.
.