Philippines cho phép đấu giá kho nữ trang khổng lồ của Imelda Marcos:

Quá khứ sau 30 năm chưa ngủ yên

Thứ Hai, 29/02/2016, 20:45
Chính quyền Philippines vừa mới phê chuẩn việc đấu giá một phần trong bộ sưu tập quý giá nhưng "bất minh và bẩn thỉu" của Imelda Marcos, phu nhân tổng thống quá cố Ferdinand Marcos của nước này. Đó là những chiếc vương miện đắt tiền, vòng cổ, đá quý và đồng hồ đeo tay trị giá khoảng 21 triệu USD.

Được Mỹ hậu thuẫn, hai vợ chồng Marcos nắm quyền điều hành Philippines trong suốt 2 thập niên. Trước khi bị lật đổ trong cuộc nổi dậy diễn ra trên các đường phố thủ đô Manila vào tháng 2 cách đây 30 năm, hai vợ chồng Marcos đã vơ vét và tích lũy được khối tài sản ước tính 10 tỷ USD.

Chiếc vương miện của Imelda Marcos được trưng bày bên trong trụ sở Central Bank ở Manila.

Cuộc đảo chính biểu thị lòng phẫn nộ và sức mạnh quần chúng

Sau khi Philippines được trao trả độc lập vào năm 1946, chính phủ được thành lập  theo thể chế cộng hòa do tổng thống lãnh đạo, bầu cử tổng thống thông qua phổ thông đầu phiếu, 6 năm bầu lại một lần. Ferdinand Marcos là luật sư, làm dân biểu Hạ viện Philippines từ năm 1949 đến 1959, rồi làm thượng nghị sĩ từ năm 1959 đến 1965, trong đó từ năm 1963 ông giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Trong cuộc bầu cử năm 1965, ông được bầu làm Tổng thống. 

Công bằng mà nói, trong nhiệm kỳ đầu Ferdinand Marcos đã có công rất lớn trong việc phát triển hạ tầng (đường sá, cầu cống, nhà máy điện, nhà máy nước và công trình công cộng), nâng cao vị thế của Philippines trên trường quốc tế. Sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 (1969-1973), Ferdinand Marcos qua những hình ảnh, thông điệp tuyên truyền tạo nên tệ sùng bái cá nhân. Ông ta chỉ đạo ồ ạt đầu tư phát triển hạ tầng làm cho mức bội chi ngân sách của chính phủ ngày một tăng cao, mức nợ công của chính phủ năm 1969 đã tăng gấp đôi so với năm 1966, lạm phát ngày một tăng cao buộc Philippines phải vay nợ IMF.

Cùng các khó khăn kinh tế, suốt những năm cuối thập niên 60 và 2 năm đầu thập niên 70, liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên chống Mỹ và đòi xây dựng hiến pháp mới thay cho hiến pháp của Khối Liên hiệp Mỹ tồn tại từ năm 1935. Học sinh, sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học tổ chức các cuộc biểu tình lớn để bày tỏ nỗi thất vọng và oán giận, nhưng các cuộc biểu tình này luôn bị quân đội chính phủ đàn áp thẳng tay.

Chưa hết, trong thời gian nắm quyền, Marcos còn áp đặt tình trạng thiết quân luật. Thượng nghị sĩ Benigno Aquino là một trong số đông thành phần những người đối lập bao gồm hàng trăm chính trị gia, hàng ngàn nhà báo, nhà phê bình và nhà hoạt động bị bắt. Sau 5 năm bị giam giữ, một tòa án quân sự đã kết án chung thân Thượng nghị sĩ Benigno Aquino vì tội âm mưu đảo chính. Nhưng vì lúc đó Aquino đã trở nên quá nổi tiếng nên tháng 5-1980, ông được sang Mỹ sống lưu vong để chữa bệnh tim.

Năm 1981, bị áp lực từ làn sóng chỉ trích, phản đối, Marcos phải bãi bỏ tình trạng thiết quân luật, nhưng nhiều quy định và sắc lệnh sau đó vẫn bị ảnh hưởng của luật cũ. Ngày 16-6 cùng năm, do các phe đối lập tẩy chay bầu cử nên Ferdinand Marcos lại "giành thắng lợi vang dội" cho nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tiếp theo.

Ngày 21-8-1983, sau 3 năm sống lưu vong, nhà lãnh đạo đối lập Benigno Aquino trở về nước, nhưng ông đã bị nhóm hộ tống ám sát ngay tại sân bay quốc tế Manila. 2 triệu người Philippines đã tham dự đám tang của ông và biến nó thành cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử quốc đảo này. Chính phủ Marcos bị buộc tội đã chủ mưu ám sát đối thủ chính trị, từ đó Ferdinand Marcos bị cô lập về chính trị cả trong nước và quốc tế.

Năm 1986, thông tin về việc gia đình Tổng thống độc tài chuyển hàng trăm triệu USD vào Mỹ để mua bất động sản tại các bang New Jersey, New York, San Francisco, California, Honolulu, Hawaii… bị lộ ra càng sôi sục thêm lòng căm phẫn của các tầng lớp chính khách đối lập và dân chúng. Tháng 2-1986, một nhóm binh sĩ do Bộ trưởng Quốc phòng Juan Ponce Enrile và Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia, tướng Fidel Ramos dẫn đầu, tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Marcos.

Nhưng đội quân với 140.000 binh lính của Marcos quá mạnh, trong khi đó, số quân nổi dậy của hai tướng chỉ có 300 người cố thủ tại Trại Aguinaldo. Vì vậy, họ cần hàng rào người ủng hộ. 9 giờ sáng, Tổng Giám mục Jaime Cardinal Sin lên Đài Truyền thanh Manila kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình. Lời kêu gọi đã thu hút được hàng triệu người từ mọi tầng lớp, và "sức mạnh quần chúng" đã nhanh chóng lan rộng. Marcos phái quân cùng xe tăng đến dẹp Trại Aguinaldo nhưng đã bị sinh viên cùng hàng trăm nữ tu sĩ quỳ trên đường cầu nguyện chặn lại.

Ngày 25-2-1986, sau khi biết Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lúc bấy giờ đã bỏ rơi mình, Marcos cùng gia đình leo lên 4 chiếc trực thăng trốn khỏi Cung điện Malacanang, bỏ lại ghế tổng thống cho Corazon Aquino, goá phụ của Thượng nghị sĩ Benigno Aquino.

Cung điện Malacanang.

Cái tên biểu tượng cho sự tham lam và suy đồi

Khi còn là Đệ nhất phu nhân, Imelda Marcos khéo léo ra sức bòn rút ngân quỹ quốc gia để mua những viên kim cương khổng lồ, những căn hộ sang trọng trong các tòa nhà chọc trời ở khu Manhattan thành phố New York nước Mỹ, những tuyệt tác hội họa của Van Gogh cũng như của các bậc thầy nghệ thuật khác trên thế giới.

Khi những người tham gia đảo chính tràn vào cung điện Malacanang (dinh Tổng thống), người ta đã phát hiện ra 1.220 đôi giày cùng với 508 chiếc váy dài chấm gót, 888 túi xách, 65 chiếc ô và 15 chiếc áo lông thú đắt tiền của vợ ông Imelda Marcos Ngoài ra, chính phủ còn tịch thu 2 bộ sưu tập trang sức trị giá 310 triệu USD.

Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos từng nổi danh với các trò tiêu hoang lãng phí, đi mua sắm tại các cửa hiệu sang trọng bậc nhất trên thế giới như đi chợ và thường gây sốc công luận với các "dự án" làm đẹp. Cái tên Imelda Marcos biến thành từ ngữ ám chỉ sự tham lam, suy đồi và nhẫn tâm đối nghịch với cuộc sống người dân Philippines nghèo khổ. Số của cải có được do tham nhũng của Imelda khổng lồ đến mức 30 năm sau, chính quyền Philippines vẫn chưa thể thu hồi hết được.

Viên kim cương màu hồng 25 carat được đấu giá.

Thậm chí, giới chức chính quyền Philippines đã cho thành lập một trang web huy động nguồn lực cộng đồng để thu thập mọi bằng chứng về bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu của hai vợ chồng Marcos hiện vẫn còn chưa được khám phá hết. Số của cải mà chính quyền Manila hiện nay có thể thu hồi được - cổ phiếu, bất động sản và 683 triệu USD gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ cũng như số nữ trang - được dành một phần để lập quỹ bồi thường cho những nạn nhân bị tra tấn và hành hình dưới chế độ Ferdinand Marcos.

Cesar Sarino, Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước PostBank của Philippines và thành viên một ủy ban có trách nhiệm duy trì tư tưởng cách mạng năm 1986 của nước này tuyên bố: bất cứ ai tham gia mua đấu giá số nữ trang của Imelda đều sẽ được xem là hành động giúp đỡ một cách hiệu quả cho 75.000 nạn nhân của chế độ độc tài. Số tiền thu được từ phiên đấu giá của cải Imelda cũng được đưa vào ngân khố quốc gia hiện vẫn còn nghèo nàn do những món nợ khổng lồ mà hai vợ chồng Marcos tạo ra. Theo một số đánh giá, chính quyền Philippines còn phải miệt mài trả nợ cho cặp đôi Marcos cho đến năm 2025.

Philippines là quốc gia trẻ năng động với hơn một nửa dân số chào đời sau khi chế độ cầm quyền của Marcos chấm dứt. Do không sống dưới chế độ Marcos cho nên lớp người trẻ tuổi này dễ tha thứ cho tổng thống độc tài. Cesar Sarino nhận định: "Lớp trẻ tuy không là những người tích cực ủng hộ gia đình Marcos song lại là những người hết sức trung lập.

Imelda và con trai Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr., tháng 10-2015.

Gia đình Marcos bị người dân Philippines lật đổ năm 1986, buộc họ phải bay sang Hawaii, bây giờ con cái của cặp đôi này, thậm chí cả bà cựu đệ nhất phu nhân còn đầy khao khát quay trở lại tham gia chính trường, trước hết họ nỗ lực thu hút tầng lớp trẻ với chủ trương "hãy quên đi quá khứ và dung thứ". Walden Bello, học giả và cựu nghị sĩ Hạ viện Philippines, cho biết trong số các chính khách nổi tiếng hiện nay ở nước này có một vài người là thành viên gia đình Marcos.

Ferdinand Marcos mất ở Honolulu năm 1989, còn bà Imelda đã quay trở về Philippines đắc cử hai lần vào Quốc hội Philippines và hiện đang tranh thủ nhiệm kỳ thứ 3! Người con gái Imee giữ chức thống đốc và con trai Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. hiện là đối thủ đáng gờm cho chức vụ phó tổng thống. Người phát ngôn cho Tổng thống Philippines chỉ trích Bongbong là chính khách trơ tráo, không biết hổ thẹn là gì, bởi vì mặc dù bị buộc tội tham nhũng, song Imelda vẫn không bị giam giữ mà còn tiếp tục tranh giành quyền lực trên chính trường Philippines!

Bộ sưu tập giày khổng lồ nổi tiếng của Imelda Marcos.

Phiên đấu giá số của cải bất minh của Imelda Marcos dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6-2016. Hiện nay, một phần trong bộ sưu tập giày khổng lồ của Imelda Marcos nằm ở Bảo tàng Quốc gia Philippines và một phần khác trong Bảo tàng giày ở thành phố Marikina.

Bộ sưu tập nghệ thuật của Imelda gồm khoảng 175 tác phẩm của những danh họa thế giới như: Michelangelo, Botticelli, Canaletto, Raphael, Monet và Albert Marquet. Bộ sưu tập nữ trang của Imelda - bao gồm viên kim cương màu hồng to như quả nho trị giá 5 triệu USD - đang được chuẩn bị mang ra trưng bày với công chúng nhằm mục đích dạy cho lớp trẻ Philippines phần nào hiểu được tội tham nhũng của Imelda thời còn địa vị.

D.S. - Đ.L. (tổng hợp)
.
.