Quan hệ Mỹ - Israel: Khủng hoảng?

Thứ Năm, 08/04/2010, 17:15
Quan hệ Mỹ và Israel đang trong giai đoạn "khủng hoảng" nghiêm trọng nhất kể từ năm 1975. Nguyên nhân của sự rạn nứt này không chỉ gói gọn trong chính sách của Tổng thống Barack Obama đối với khu vực Trung Đông, mà sâu xa hơn đó còn là sự thay đổi "luật chơi" mà Nhà Trắng của ông Obama đang muốn thực hiện, như một trong nhiều sự thay đổi của "nước Mỹ mới".

Dư luận thế giới trong tuần qua đã theo dõi rất sát chuyến đi Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Lý do, đây là chuyến đi có tầm quan trọng quyết định "giải nhiệt" cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ Mỹ - Israel đang rất căng thẳng.

Theo thông tin chung thì mục đích chuyến đi của ông Netanyahu là vừa dự một hội nghị thường niên của Tổ chức Ủy ban Công tác người Do Thái Mỹ (AIPAC) - tổ chức vận động hành lang vì lợi ích Do Thái lớn nhất và mạnh nhất ở Washington - vừa ghé thăm Nhà Trắng và "nói chuyện" với Tổng thống Obama vào hôm sau, 23/3, và đặc phái viên Tổng thống Mỹ về hòa bình Trung Đông George Mitchell hôm 24/3, để tìm cách thúc đẩy việc nối lại đàm phán hòa bình với người Palestine.

Trong đó, vấn đề Israel xây thêm 1.600 ngôi nhà định cư Do Thái trên phần đất Đông Jerusalem của người Palestine phải được giải quyết rốt ráo, vì đây là trở ngại lớn nhất cho tiến trình hòa đàm. Sau cuộc "nói chuyện" trên, báo giới đã không có nhiều thông tin về các nội dung thảo luận, chung quy là vẫn "không có thỏa thuận nào đạt được".

Có lẽ trong tương lai gần, vấn đề gai góc trên đây cũng khó được giải quyết bởi thái độ cứng rắn của Thủ tướng Israel Netanyahu. Tại Hội nghị AIPAC hôm 22/3, tức một ngày trước khi gặp Tổng thống Obama, ông Netanyahu đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng câu nói "Jerusalem không phải là một khu định cư", ám chỉ Jerusalem là "của người Israel" chứ không phải của người Palestine.

Thái độ và nội dung phát biểu của ông Netanyahu chắc chắn sẽ là tiền đề cho đợt sóng vận động quyết liệt sắp tới của AIPAC nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nữa của những "người bạn" ở Washington đối với các chính sách của Israel ở Trung Đông, kể cả khi các chính sách đó mâu thuẫn với các chính sách của Tổng thống Obama.

Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã đặt vấn đề phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề khi giải quyết các xung đột tại khu vực Trung Đông. Trong đó, ông Obama đã tính đến cả khả năng đối thoại với Iran, Syria, Hamas,...  để tìm kiếm một giải pháp "dung nạp" nhằm dễ bề kiểm soát các lực lượng đối đầu với Israel và các lợi ích khác của Mỹ ở Trung Đông hơn là đối đầu không hiệu quả.

Và cũng không ít lần, Tel-Aviv hoặc công khai hoặc ngấm ngầm chống phá. Chẳng hạn, trong chính sách đối với Iran, trong khi Nhà Trắng theo tung ra giọng điệu "đối thoại" với Tehran để giải quyết vấn đề hạt nhân cũng như quan hệ song phương, thì Israel đã có ý tung ra kế hoạch huấn luyện tình báo và quân sự để chuẩn bị mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Iran (nếu có).

Sự phối hợp kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" này khiến cho những thông điệp của Nhà Trắng không được giới lãnh đạo Iran đón nhận như mong muốn, khiến cho giải pháp "đối thoại" của ông Obama bị phá sản.

Mở đầu bài phát biểu trước 7.000 đại biểu dự Hội nghị AIPAC hôm 22/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định chắc nịch rằng, chính quyền Obama vẫn "sắt đá với việc bảo đảm an ninh và tương lai của Israel". Nhưng ngay sau đó, bà Hillary quay sang đặt thẳng vấn đề rằng, cả Mỹ lẫn Israel "đều phải nhìn thẳng vào thực tế thực trạng tình hình trong thập niên qua đã không mang lại an ninh lâu dài cũng như lợi ích gì cho Israel, cả lợi ích của Mỹ cũng không".

Phát biểu này phản ánh suy nghĩ của tướng David Petraeus và Phó tổng thống Joe Biden rằng việc Israel tiếp tục các hành động như hiện nay sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến chiến lược an ninh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là ở IraqAfghanistan. Ai cũng hiểu rằng, xung đột giữa Israel với người Palestine thường bùng phát thành bạo lực đẫm máu, sẽ dễ châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ của cộng đồng Arập trong khu vực.

Tờ Asia Times hôm 23/3 bình luận, với việc đề cập thẳng vấn đề như trên, bà Hillary đang đánh trực diện vào "thành trì" của những lề lối cũ mà Israel và phái bảo thủ ở Washington không muốn thay đổi. Khi thúc đẩy cuộc thay đổi đó, bà Hillary đã động chạm đến lợi ích Do Thái cho nên sẽ càng khiến cho căng thẳng khó "hạ nhiệt".

Cũng tờ Asia Times hôm 24/3 viết rằng, trong các vấn đề gây nên "khủng hoảng" quan hệ Mỹ - Israel thì vấn đề các khu định cư Do Thái chiếm vị trí trung tâm. Quả thực thế, đây đã từng là mấu chốt gây bất hòa ngấm ngầm giữa Nhà Trắng và Tel-Aviv trong suốt năm qua, đặc biệt là việc Israel phản ứng gay gắt trước yêu cầu của Tổng thống Obama buộc Israel "đóng băng" việc xây mới nhà ở trong các khu định cư hồi cuối năm 2009.

Nó cũng là nguyên nhân chính khiến cho tiến trình đàm phán hòa bình với người Palestine lâm vào bế tắc suốt hơn một năm qua, bất chấp hoạt động không mệt mỏi của các quan chức Mỹ nhằm tìm cách đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán.

Mới đây nhất, trong chuyến thăm Trung Đông của Phó tổng thống Joe Biden để thúc đẩy đàm phán hòa bình Israel - Palestine, ngay sau khi ông Biden tuyên bố về những "tiến bộ" đạt được trong tiến trình tái khởi động hòa đàm, có đề cập vấn đề các khu định cư Do Thái, thì chính quyền Tel-Aviv đã làm bẽ mặt ông Biden - và Nhà Trắng - khi tuyên bố kế hoạch xây mới 1.600 ngôi nhà mới trong khu định cư Ramat Shlomo ở Đông Jerusalem thuộc phần đất của người Palestine!? Chính hành động này ngay sau đó đã châm ngòi cho cuộc "khủng hoảng" hiện nay trong quan hệ hai nước.

Kể cả khi Nhà Trắng yêu cầu Israel rút lại quyết định xây 1.600 ngôi nhà mới, Tel-Aviv vẫn kiên quyết "bất tuân". Điều này cho thấy Israel đang lấn lướt, trong khi chính quyền Obama lại lúng túng, không có đối sách nào hợp lý.

Sau cuộc gặp không kết quả giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu, tiến trình tìm kiếm nền hòa bình để thực hiện giải pháp "hai nhà nước" ở Trung Đông xem ra đã bị đẩy đi xa thêm một bước

An Châu (tổng hợp)
.
.