Quê nội chào đón Tổng thống Obama

Thứ Năm, 30/07/2015, 14:15
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thực hiện chuyến công du Đông Phi 4 ngày, bắt đầu từ ngày 24/7 thăm Kenya, và kết thúc vào ngày 27/7 sau chuyến thăm Ethiopia và trụ sở Liên minh châu Phi tại Addis Ababa, Ethiopia. Tại Kenya cũng như Ethiopia, ông Obama kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh, thảo luận những vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Nam Sudan, chống buôn lậu ngà voi châu Phi.

Bên cạnh việc công, Obama cũng dành cho quê nội những khoảnh khắc riêng, về thăm lại nơi cha mình sinh ra.

Chuyến công du châu Phi của ông Obama được dư luận báo chí quan tâm theo dõi không chỉ vì mục đích công vụ là tăng cường sự hợp tác an ninh giữa Mỹ với các quốc gia châu Phi, mà còn bởi đây là chuyến về thăm quê nội của ông Obama. Kenya là quê cha của ông Obama, và người dân Kenya vẫn luôn tự hào xem ông là người con của quê hương.

Đặc biệt, kể từ khi ông lên làm Tổng thống Mỹ vào năm 2009, nhiều đứa trẻ sinh ra ở Kenya được đặt theo tên ông; trong tiếng bản xứ Swahili, tên riêng "Barack" có nghĩa là "sự phù hộ"; và nhãn hiệu bia Senator khá phổ biến ở Kenya cũng dần được gọi bằng cái tên "Obama".

Sau khi từ sân bay về đến khách sạn, ông Obama được chào đón bằng một bữa tiệc truyền thống của người Kenya với hàng chục người bà con, họ hàng trong đại gia đình họ Obama.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (phải) ra tận sân bay đón Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sự ngưỡng mộ của người Kenya dành cho ông được thể hiện qua thái độ chào đón ông rất hào hứng, tưng bừng bằng những việc làm cụ thể. Dọc tuyến đường từ sân bay quốc tế Nairobi dẫn vào trung tâm thành phố, một rừng cờ Kenya xen lẫn cờ Mỹ bay rợp trời; những tấm pa-nô cỡ lớn được đặt dọc theo tuyến đường ghi những dòng chữ hoan nghênh chuyến thăm của ông Obama.

Gần trung tâm thành phố Nairobi, một tấm bảng khổng lồ in hình ảnh Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta chào đón Tổng thống Obama tại sân bay. Rồi cụm từ “Obama returns” (Obama trở về) cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng Twitter ở Nairobi.

Sự chú ý đặc biệt của dư luận báo chí dành cho chuyến "về quê nội" của ông Obama là bởi đây là chuyến về quê đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trước đây, ông cũng từng 3 lần về thăm quê nội. Chuyến đầu tiên là vào năm 1987 để tìm hiểu về thân thế của cha mình và để tiếp xúc với những người trong họ hàng. Năm năm sau, năm 1992, Obama lại trở về quê nội, lần này đi cùng bà Michelle Obama, đưa bà về thăm ngôi làng K'Ogelo, nơi cha ông sinh ra và mất đi.

Vợ chồng Obama quay trở lại Kenya lần thứ ba vào năm 2006, khi đó ông đang là Thượng nghị sĩ Mỹ, được chào đón tại sân bay Nairobi như một huyền thoại thể thao hay một ngôi sao nhạc rock, với hàng ngàn người tràn xuống các đường phố ông đi qua chỉ để được nhìn thấy ông một lần thôi.

Chuyến về thăm quê nội lần thứ tư này, tuy rằng ông Obama vẫn được họ hàng chào đón, nhưng sự tiếp đón đó hầu như không giống những lần trước. Có một sự dè dặt, kiềm chế trong cách mọi người chào đón ông, vì những lý do an ninh, chính trị và cả một số vấn đề nhỏ hơn, như việc xác định ông sinh ra ở đâu.

Tổng thống Obama và em gái Auma Obama.

Trên cương vị Tổng thống Mỹ, chuyến về quê của ông Obama lần này hoàn toàn khác với những chuyến trở về trước đây. Người đứng đầu Nhà Trắng về quê nội trên chiếc chuyên cơ Air Force One vượt trội so với những vị khách khác đến Kenya.

Chuyến bay hạ cánh lúc 8 giờ tối, và toàn bộ ga nội địa của sân bay Nairobi đã phải đóng cửa để phục vụ an ninh cho ông. Khắp nhà ga sân bay, điệp viên CIA, nhân viên mật vụ và cả lính thủy quân lục chiến đứng dày đặc để đảm bảo an ninh cho Tổng thống. Hàng trăm nhân viên an ninh của Mỹ đã đổ bộ đến Kenya từ cách đây 3 tuần để lo dọn đường cho chuyến thăm, và 3 khách sạn đã được mật vụ Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng.

Bầu trời Kenya cũng phải đóng cửa khoảng 50 phút khi ông Obama hạ cánh và 40 phút khi cất cánh. Ông di chuyển từ sân bay về nơi nghỉ trên chiếc Limousine trị giá 1,5 triệu USD, được thiết kế chống cả bom với thành xe bằng lá thép dày 20cm và kính xe dày 13cm, vỏ xe cũng chống đạn, chống bom.

Chính nước chủ nhà cũng hồi hộp lo lắng khi chào đón ông Obama. Chủ nhà Kenya đã phải huy động đến 10.000 nhân viên cảnh sát, bằng 1/3 lực lượng cảnh sát nước này để bảo đảm an ninh cho thủ đô Nairobi, và một số tuyến phố đã phải cấm qua lại hoàn toàn. Tình trạng siết chặt an ninh khiến nhiều người dân phải ở lại trong nhà và một số trường học phải đóng cửa vào ngày thứ Sáu 24/7.

Sự lo lắng và biện pháp siết chặt an ninh của chính quyền Kenya là hoàn toàn hợp lý, trong bối cảnh nước này vừa trải qua một số vụ khủng bố lớn. Vụ thảm sát 148 người bởi các tay súng Hồi giáo cực đoan tại một trường đại học ở Garissa cách đây 3 tháng, và vụ giết 67 người tại siêu thị Westgate trước đó 2 năm khiến cho Kenya trở thành một điểm nóng đáng chú ý về mặt an ninh. Nairobi không muốn lại có thêm một vụ khủng bố lớn xảy ra nữa, nhất là nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, vì nếu để xảy ra một vụ khủng bố nữa, Kenya sẽ chính thức trở thành vùng đất của khủng bố, một trong những đất nước mất an ninh nhất trên thế giới. Và như thế sẽ hoàn toàn bất lợi cho Nairobi trong cuộc vận động đăng cai một giải Olympic hay World Cup.

Tổng thống Obama dùng bữa tối tại khách sạn cùng với những người họ hàng.

Đặc biệt, nhân chuyến thăm này, ông Obama đã tham dự Hội nghị cấp cao Giới chủ doanh nghiệp toàn cầu (GES) tại Nairobi, vào ngày 25/7, một sáng kiến của Nhà Trắng nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của giới chủ doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Chính phủ Kenya, vấn đề lớn nhất là việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) theo đuổi việc buộc tội Tổng thống Kenyatta tội chống lại loài người do phát biểu của ông trong cuộc tranh cử năm 2007 bị cho là đã khơi mào cho bạo lực.

Tuy nhiên, ông Kenyatta đã thăm Nhà Trắng vào tháng 8/2014, và tháng 12/2014, ICC đã rút lại các cáo buộc đối với ông. Giờ chỉ còn Phó Tổng thống William Ruto vẫn phải đối mặt với cáo buộc trên, nhưng Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Obama "không có kế hoạch can thiệp thêm" với ông này.

Có một điều khiến cho những người họ hàng cảm thấy chạnh lòng và chính họ cũng không muốn ông về thăm ngôi làng K'Ogelo chính là cuộc tranh cãi quanh các giả thuyết về nơi sinh của ông. Một số người ở Kenya tin rằng Obama sinh ra ở Kenya chứ không phải ở Hawaii, trong khi đa số thừa nhận nơi sinh của ông là Hawaii, và ngay chính Obama cũng đã đưa giấy chứng sinh ra để khẳng định rằng ông không sinh ra ở Kenya.

An Châu (tổng hợp)
.
.