"Quỹ Chirac" - sự nghiệp mới của cựu Tổng thống Pháp

Thứ Ba, 17/06/2008, 10:00
Ngày 9/6, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố bắt đầu một sự nghiệp hoàn toàn mới. Giống như nhiều cựu nguyên thủ khác như cựu Tổng thống mỹ Bill Clinton với Quỹ Clinton, ông chủ điện Élysée một thời tuyên bố thành lập Quỹ Chirac và thông qua Quỹ này ông muốn "đánh thức lương tri của người dân trên toàn thế giới vì công bằng, hòa bình, đoàn kết, phát triển bền vững và hòa hợp văn hóa toàn cầu".

Sau 40 năm hoạt động chính trị, sống trong những tòa nhà tráng lệ của các bộ, từ Tòa thị chính Paris cho tới điện Éysée, cựu Tổng thống Chirac giờ đây đã chọn một tòa nhà khiêm tốn ở phố Anjou, Paris, để khởi đầu một trang mới.

Rút lui khỏi chính trường, ông Jacques Chirac, năm nay 75 tuổi, có một nguyên tắc bất di bất dịch là không “làm phiền” người kế nhiệm. Gần như không có phát biểu gì liên quan tới chính trường Pháp, nhưng vị chủ nhân điện Élysée ngày nào, Jacques Chirac, cho biết ông dự định sẽ phục vụ tổ quốc theo cách khác cũng với sự kiên định và nhiệt huyết ngày nào còn ở cương vị tổng thống.

Một số người từng quen biết và làm việc với ông Chirac cho rằng, ông không phải là người “khóc vì đã làm đổ bình sữa”. “Cựu Tổng thống Chirac không phải là người bị chôn chặt bởi quá khứ. Ông có những dự định riêng và sẽ lại lên các mặt báo trong thời gian tới bất chấp việc ông  vừa phải đặt một thiết bị hỗ trợ tim, tai có vẻ kém nhạy bén hơn trước và thân hình có gầy đi đôi chút” - cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin cho biết.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt quỹ mang tên mình, cựu Tổng thống Jacques Chirac cho biết: “Tôi luôn mong muốn theo đuổi sự nghiệp đấu tranh cả đời vì công bằng, hòa bình, đoàn kết, phát triển bền vững và sự hòa hợp các nền văn hóa trên toàn thế giới”.

Hiện nay, Quỹ Chirac do Michel Camdessus, cựu Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) điều hành và có một ủy ban danh dự gồm toàn những nhân vật nổi tiếng như Kofi Annan, cựu Tổng thư ký LHQ, Rajendra Kumar Pachauri, người đoạt giải Nobel vì hòa bình năm 2007, Fernando Henrique Cardoso, cựu Tổng thống Brazil, Abdou Diouf, Tổng thư ký Tổ chức Pháp ngữ, Joaquim Alberto Chissano, cựu Tổng thống Mozambique, Jean Chrétien, cựu Thủ tướng Canada, Federico Mayor, cựu Giám đốc Unesco và ca sĩ nổi tiếng Youssou N'Dour.

Ngày 20/5 vừa qua, Quỹ Chirac đã họp hội đồng quản trị phiên đầu tiên và bầu ra ban lãnh đạo. “Mục tiêu trước mắt của Quỹ này là những dự án mang tính chiến lược”- Valérie Terranova, Tổng thư ký Quỹ Chirac cho biết.

Quỹ sẽ làm việc với các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới, các quỹ quốc tế khác, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Tại buổi lễ ra mắt, ông Chirac cho biết những ưu tiên hành động của Quỹ là đấu tranh chống nạn phá rừng, bảo tồn những ngôn ngữ và các nền văn hóa đang trên đà bị diệt vong, giúp người dân nghèo trên toàn thế giới có được nước sạch và thuốc men.

Những hành động đầu tiên của Quỹ Chiac sẽ được thực hiện tại châu Phi, nơi đang rất cần viện trợ về nhiều mặt và đây cũng là nơi cựu Tổng thống Jacques Chirac gắn bó bấy lâu. Cụ thể là Quỹ Chirac sẽ hỗ trợ tài chính và thiết bị kỹ thuật cho Ngân hàng Phát triển châu Phi để giúp người dân ở Sénégal và Mali có được nước sạch để sinh hoạt, và cùng với Quỹ Pierre Fabre giúp Bénin trong lĩnh vực cung cấp thuốc men có chất lượng, giá rẻ. Ngoài ra, Quỹ Chirac cũng đã khởi động dự án bảo vệ rừng Congo, lá phổi xanh rộng thứ hai thế giới sau Amazon.

Nguồn tài chính của Quỹ Chirac sẽ đến từ các quỹ tư nhân. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Pháp như Veolia Environnement, Sanofi-Aventis, Schneider, Fimalac... cũng đã hứa sẽ hỗ trợ tài chính cho quỹ hoạt động. Những nhân vật có tiếng khác nhưng Liliane Bettencourt và François Pinault tuyên bố hết mực ủng hộ bất cứ khi nào Quỹ này cần. Những khoản đóng góp khác sẽ tới từ các tổ chức nước ngoài.

Cũng trùng hợp với dịp thành lập Quỹ Chirac, một tổ chức khác của những người ủng hộ và theo lý tưởng Chirac cũng được ra đời. Với tên gọi Tổ chức Hợp tác với cựu Tổng thống Chirac và những người bạn, tổ chức này đặt dưới sự điều hành của những người trung thành với ông Chirac như Henri Cuq, cựu Bộ trưởng Nelly Olin và Henri Lachmann, Chủ tịch Hội đồng giám sát Schneider.

Hoạt động chính của tổ chức này là tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa những người ủng hộ cựu Tổng thống Chirac, nghiên cứu về hành động và những giá trị mà vị cựu chủ nhân điện Élysée từng bảo vệ và phát triển trong suốt sự nghiệp chính trị của ông.

Những người trung thành của cựu Tổng thống Chirac có lý khi tiếp tục ủng hộ lý tưởng của ông khi mà cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 5 vừa qua cho thấy hiện ông Chirac đang nhận được 68% người Pháp ủng hộ và đứng vị trí số 3 trên toàn chính trường Pháp.

Ngày 12/6 tới, cựu Tổng thống Chirac sẽ sang Nga để nhận Giải thưởng Nhà nước vì những đóng góp trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo do chính Tổng thống Dmitri Medvedev trao với sự chứng kiến của cựu Tổng thống Vladimir Putin. Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng cao quý nhất tại Nga, năm 2007 đã được trao cho nhà văn Alexandre Soljenitsyne.

“Cựu Tổng thống Chirac, rất nổi tiếng trên thế giới, là một tấm gương sáng vì sự hòa hợp giữa chính trị và văn hóa”- Giám đốc Bảo tàng Ermitage ở Saint-Pétersbourg, Mikhail Piotrovski, cho biết.

Ông Chirac đã đóng vai trò rất lớn trong việc đưa nền văn hóa Nga đến với toàn thế giới. Bản thân ông Chirac đã dịch một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga của nhà văn Alexandre Pouchkine sang tiếng Pháp. Và chính ông là người đã từng được một giáo sư người Nga giảng dạy và nhờ đó ông biết được tiếng Nga, cũng như tiếp cận được văn học Nga

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.