Cựu Thủ tướng Pháp De Villepin tuyên bố tranh cử Tổng thống:

Quyết tâm “chọc gậy bánh xe”

Thứ Sáu, 13/01/2012, 22:30

Đối thủ chính trị không khoan nhượng của Nicolas Sarkozy - cựu Thủ tướng Dominique de Villepin - mới đây đã bày tỏ quyết tâm ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Với sự xuất hiện của Villepin trên cương vị một ứng cử viên độc lập, cuộc đua vào điện Elysee đã tập hợp được một đội ngũ các chính trị gia có máu mặt và chắc chắn sẽ hứa hẹn không ít bất ngờ.

Cựu Thủ tướng Dominique de Villepin (58 tuổi) chính thức tuyên bố về tham vọng trở thành Tổng thống của mình trên kênh truyền hình Pháp (TF1):  "Tôi muốn bảo vệ một quan niệm rõ ràng về nước Pháp. Tôi tin rằng, cuộc gặp gỡ trong năm 2012 giữa các ứng cử viên sẽ là một cuộc gặp của sự thật, lòng can đảm và ý chí".

Theo lời cựu Thủ tướng, ông luôn mong muốn làm sao để có thể bảo vệ những quyền lợi của nước Pháp, và mục tiêu này đòi hỏi phải có "lòng dũng cảm và sự tận tụy". Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn đầu tiên của ông Villepin để có thể tham gia tranh cử với tư cách một ứng cử viên độc lập là phải thu thập được ít nhất 500 chữ ký ủng hộ của các thị trưởng và các quan chức đảm trách về công tác bầu cử.

Còn nhớ trong cuộc bầu cử tổng thống trước đây vào năm 2007, Villepin - khi đó là một chiến hữu cùng đảng với ông Nicolas Sarkozy trong thành phần Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) trung hữu - đã từng là đối thủ chính của ông này trong cuộc đấu quyết liệt giành quyền trở thành ứng cử viên vào điện Elysee, và đã thất bại trước đương kim Tổng thống. Bài học trong quá khứ đã không thể làm cho Villepin nhụt chí. Tuy chưa thể nói gì nhiều về triển vọng của cá nhân, nhưng cựu Thủ tướng Pháp vẫn đánh giá cuộc bầu cử lần này sẽ ẩn chứa nhiều kịch tính. 

Trong con mắt của giới quan sát, Villepin chưa bao giờ được nhìn nhận là một chính trị gia thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Pháp. Ông thậm chí còn được coi là người đã thăng tiến chủ yếu nhờ vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cựu Tổng thống Jacques Chirac. Dưới thời Chirac, Villepin từng đứng đầu Chính phủ Pháp trong giai đoạn 2005-2007. Tuy nhiên trong thời gian làm Thủ tướng, Villepin đã không thể thực thi các kế hoạch cải cách lao động đã vạch ra trước đó vì hàng loạt những cuộc biểu tình và bãi công rầm rộ của người dân.

Sự nghiệp chính trị của nhà ngoại giao chuyên nghiệp này đã bị tụt dốc từ vụ bê bối Clearstream, bắt đầu từ hàng loạt những đơn kiện trong cuộc đối đầu không khoan nhượng Villepin-Sarkozy. Theo cáo trạng ban đầu của Viện Kiểm sát, Villepin vào mùa xuân năm 2004 đã giả mạo nhiều danh sách các cá nhân, được cho là đã sử dụng Ngân hàng Clearstream International (Luxemburg) để rửa số tiền "lại quả" hậu hĩnh từ thương vụ bán các tàu chiến của Pháp cho Đài Loan. Những danh sách này có tên tuổi của nhiều chính trị gia nổi tiếng, trong đó có cả Sarkozy, khi đó mới đang đảm trách một chiếc ghế bộ trưởng trong chính phủ.

Luật sư của Sarkozy tuyên bố, Villepin đã bày ra trò gian lận trên nhằm mục đích ngăn cản thân chủ của ông lên lãnh đạo liên minh UMP cầm quyền. Với cáo buộc trên, bên công tố đã đề xuất dành cho Villepin bản án một năm rưỡi tù cùng khoản tiền nộp phạt 45.000 euro. 

Nhưng cuối cùng, Villepin đã được xử trắng án trong năm vừa rồi. Còn mới cách đây không lâu, Viện Kiểm sát Paris đã chính thức tuyên bố ngừng điều tra và từ chối khởi tố vụ án hối lộ 20 triệu đôla mà Chirac và Villepin được cho là đã nhận từ các nhà lãnh đạo tại châu Phi trong giai đoạn 1997-2005. Việc điều tra đã được bắt đầu từ tháng 9-2011 trên cơ sở những tiết lộ của luật sư Robert Bourgi, cựu cố vấn của điện Elysee. Viện Kiểm sát đã không tìm ra bằng chứng về những tuyên bố của Bourgi. Nhưng ngay cả khi hành động phi pháp trên được chứng minh, hồ sơ vẫn bị đóng lại do quá thời hạn truy tố theo quy định. 

Dù đã tránh khỏi nguy cơ bị truy tố, nhưng tất cả những vụ lùm xùm trên đã khiến cho Villepin phải trả giá đắt. Chẳng hạn như để có tiền trả luật sư, ông ta đã phải bán cả thư viện tuyệt vời của mình, hay nhận lời thuyết giảng về lịch sử các mối quan hệ quốc tế ở nước ngoài. Nhưng thiệt hại lớn hơn nhiều có lẽ là những vụ kiện tụng đã khiến cho uy tín của Villepin bị giảm sút đáng kể trong con mắt của người dân Pháp.

Nhiều nguồn tin thân cận khẳng định, mối ác cảm giữa Sarkozy và Villepin đã nảy sinh từ 20 năm trước để rồi phát triển đến mức hằn thù không thể che giấu. Cả hai đều đi lên từ sự giúp đỡ của Chirac, nhưng Sarkozy thường xuyên vượt qua Villepin về mọi mặt. Sau thất bại trước Sarkozy trên đường đua vào điện Elysee, cựu Thủ tướng đã thành lập ra cái gọi là "Câu lạc bộ Villepin" tập hợp một số nghị sĩ từ UMP, gia tăng tình trạng chia rẽ trong liên minh cầm quyền, rồi tiến tới thành lập ra đảng riêng có tên "Cộng hòa đoàn kết".

Theo các kết quả thăm dò ý kiến gần nhất, Villepin hiện không có nhiều cơ hội để hy vọng trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, nếu chính thức tham gia tranh cử, cựu Thủ tướng có thể thu hút bớt một số lượng đáng kể những cử tri dự định ủng hộ cho Sarkozy trong vòng bầu cử đầu tiên. "Việc phấn đấu thành ứng cử viên tổng thống đối với Villepin nói đúng ra chủ yếu mang ý nghĩa về mặt tinh thần - Đánh giá của một nhà phân tích về động thái mới này - Dù sao, ông ấy vẫn sẽ trở thành một tay chơi đúng nghĩa trong cuộc sống chính trị của nước Pháp".

Không loại trừ khả năng với hành động chẳng khác gì "chọc gậy bánh xe" này, Villepin không những chỉ loại bỏ bản thân mình, Sarkozy, mà còn cả những cơ hội tái thắng cử của UMP. Khi đó, chiến thắng rất có thể lại rơi vào tay của phe Xã hội hay phe cực hữu

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.