RIMPAC 2020: Nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải

Thứ Sáu, 22/05/2020, 16:31
Hải quân Mỹ thông báo cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2020 chỉ diễn ra trên biển nhằm tránh dịch COVID-19. RIMPAC 2020 là sự gặp lại của nhiều đối tác từng tham gia RIMPAC 2018 với mục tiêu đảm bảo tự do hàng hải trong thời điểm khó khăn mới.

“Khả năng, thích ứng và đối tác”

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 được thông báo sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 31-8 tại vùng biển gần quần đảo Hawaii với chủ đề “Khả năng, thích ứng và đối tác”. RIMPAC 2020 sẽ được chỉ huy bởi Phó Đô đốc Scott D. Conn, tư lệnh Hạm đội 3, Hải quân Mỹ.

Để ngăn ngừa COVID-19 lây lan, RIMPAC 2020 sẽ không bao gồm các hoạt động xã hội trên bờ. Căn cứ tại Trân Châu Cảng được sử dụng để hỗ trợ về mặt hậu cần nhưng sẽ hạn chế tối đa cho binh lính lên bờ.

RIMPAC 2018 quy tụ dàn tàu chiến hùng hậu.

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương đã xây dựng kế hoạch tập trận sửa đổi như một cách để tiến hành cuộc tập trận có ý nghĩa lớn về mặt huấn luyện và giảm thiểu tối đa rủi ro cho các lực lượng tham gia, đồng minh, đối tác và người dân ở Hawaii.

Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ phát biểu trong thông cáo hôm 30.4: “Trong thời điểm khó khăn này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là lực lượng hàng hải của chúng ta hợp sức để bảo vệ tuyến đường biển quan trọng và đảm bảo tự do hàng hải tại những vùng biển quốc tế. Chúng tôi sẽ hoạt động an toàn, cẩn trọng áp dụng các biện pháp giảm thiểu nguy cơ”.

Năm 2018, có 25 quốc gia cử lực lượng tham gia với 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh lính. Trong RIMPAC 2018, bên cạnh những nội dung thường thấy như cứu hộ thiên tai, tấn công đổ bộ, an ninh biển, chống hải tặc, chiến tranh chống ngầm, phòng không, dọn thủy lôi, một loạt cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng được tổ chức. RIMPAC được cho là mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới.

Tổ chức 2 năm/lần, RIMPAC được thiết kế để thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường biển và an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do, cởi mở”. Mỹ từng mời Trung Quốc tham dự tập trận RIMPAC 2018 nhưng đã hủy vào cuối tháng 5 năm đó, khi Bắc Kinh gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận này. Lần đầu tiên Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC là vào năm 2014, tiếp đó là năm 2016.

Hiện, Mỹ cũng đang tăng cường áp lực quân sự với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông và Bắc Kinh bị tố cáo là lợi dụng dịch COVID-19 để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Trong vài tuần qua, các tàu chiến hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đã triển khai các hoạt động trong khu vực để phát đi một thông điệp rõ ràng rằng quân đội Mỹ quyết tâm duy trì sự hiện diện tại Biển Đông và trấn an các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.

Một ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc là đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, từng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong thủy thủ đoàn, trở lại hoạt động trên biển trước cuối tháng này.

Việt Nam được mời tham dự

Năm nay, cùng với 24 thành viên tham gia RIMPAC 2018, Việt Nam được Mỹ mời tham dự RIMPAC 2020.

Năm 2018, Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham gia tập trận RIMPAC. Các nước khác được mời tham gia RIMPAC 2018 gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga và Anh.

Việc hải quân Việt Nam tham gia RIMPAC 2018 được tiến hành theo kế hoạch xác định từ trước, nhằm tăng cường giao lưu, nâng cao khả năng hợp tác, phối hợp giải quyết các vấn đề về hỗ trợ nhân đạo - giảm nhẹ thiên tai và cứu hộ cứu nạn trên biển, thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Đây cũng là dịp để hải quân Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và phát triển năng lực, tiến tới đăng cai tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc phòng khi Việt Nam đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020. Trước đó, Việt Nam từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế, GS Carl Thayer (Australia), dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các tài liệu chính sách chính như Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ, Chiến lược An ninh quốc phòng Mỹ và Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều chỉ ra rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng của Mỹ.

Đó là lý do tại sao Việt Nam được mời tham gia tập trận chung vào năm 2018 và vào năm nay. Chính Mỹ là nước muốn Việt Nam tham gia vào một mạng lưới thỏa thuận an ninh khu vực.

Theo ông Carl Thayer, Trung Quốc đã bị đưa ra khỏi cuộc chơi RIMPAC từ năm 2018 do đó việc loại Trung Quốc năm nay không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Việc loại bỏ Trung Quốc ra khỏi cuộc diễn tập là một sản phẩm cuộc cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với việc Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19. Các mối quan hệ song phương Mỹ-Trung đều ở vào vị thế thấp nhất chưa từng có dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Việt Nam và Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ đối tác toàn diện. Hai nước không chính thức nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Việc gửi lời mời Việt Nam tham gia RIMPAC 2020 cho thấy Mỹ nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia đóng góp tiềm năng cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong hàng hải.

Hồi tháng 3-2020, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc John Aquilino và Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong khi bàn về việc tổ chức RIMPAC 2020 và kế hoạch thăm cảng Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác của Mỹ với Việt Nam.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.