Samantha Power - Người có vai trò quan trọng trong việc Mỹ can thiệp vào Libya

Thứ Ba, 26/04/2011, 08:53

Sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya nếu không có Mỹ nhúng tay vào thì "đại sự bất thành". Trong những ngày đầy căng thẳng trước khi quyết định "can thiệp hay không can thiệp" đó, nội bộ Nhà Trắng đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và phần thắng cuối cùng đã thuộc về "người phụ nữ dữ dằn" sau lưng Tổng thống Barack Obama. Người đó chính là Samantha Power - cố vấn đặc biệt của ông.

Giới báo chí và phân tích chính trị ở Mỹ gọi bà là một chiến binh thập tự chinh không biết mệt, là một kho tàng dữ liệu về những thảm kịch diệt chủng trên khắp thế giới trong vòng vài thập niên trở lại đây. Riêng tờ báo Daily Beast ở Mỹ thì không ngần ngại gọi bà là "hồ ly tinh" trong thế giới hiện đại. Vào đêm 28/3 vừa qua, ngay sau khi ông Obama kết thúc bài phát biểu trước toàn dân Mỹ về cuộc can thiệp quân sự vào Libya, Power là người thứ 2 sau ông Obama hết lòng hết sức biện minh cho sự can thiệp đó khi bà phát biểu trước hàng ngàn sinh viên Đại học Columbia, nhưng với một giọng điệu thậm chí còn gay gắt hơn, dữ dằn hơn cả ông Obama.

Năm nay 41 tuổi (sinh tháng 9/1970), gốc người Ailen di cư, Power từng theo học cả 2 trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ (và cả thế giới) là Đại học Yale và Đại học Harvard, nhưng cuối cùng lấy bằng cử nhân luật Đại học Yale và tiến sĩ luật học Đại học Harvard. Điều lạ và cũng là một biểu hiện cá tính năng động, hoạt bát của Power, là ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bà không theo ngành luật hay chạy theo tham vọng chính trị như một số người mà đi làm báo, một nữ phóng viên rất chịu khó, lăn lộn tận các chiến trường dầu sôi lửa bỏng ở Balkans và châu Phi.

Năm 1992, khi mới 22 tuổi, Power đã thể hiện "sức mạnh" (Power có nghĩa là “sức mạnh”) của mình bằng việc lặn lội đến tận chiến trường Bosnia để viết tin tức gửi đăng trên các tờ báo U.S. News & World Report, Boston Globe, New Republic (Mỹ) và The Economist (Anh). Báo giới quốc tế lúc đó gọi đùa bà là "cô bé tóc hung, mặt đầy tàn nhang mà gan dạ", còn giới chức ngoại giao Mỹ và châu Âu thì vô cùng thán phục trí thông minh và lòng nhiệt huyết của "cô bé tóc hung" khi cô dám hô hào các quan chức Mỹ tại Balkans "hãy hành động vì Bosnia"!

Chưa thôi, năm 2004, Power là một trong những người đầu tiên ghi lại cuộc tàn sát sắc tộc đẫm máu ở Rwanda; và với tư cách là phóng viên tờ New Yorker, Power đã lặn lội đến tận các trại tị nạn ở Chad và chui tọt vào tận sào huyệt của phiến quân ở Darfur, Sudan để thu thập nhân chứng.

Ông Obama từng biết đến "cô bé tóc hung" gan dạ, chịu lăn xả đó, nhưng mãi đến năm 2005, khi đã là Thượng nghị sĩ đại diện bang Illinois, ông mới thật sự ấn tượng khi tình cờ đọc được quyển sách do bà viết với nhan đề "Một vấn đề từ địa ngục" (A Problem from Hell) về vấn đề diệt chủng trên toàn cầu (được trao Giải Pulitzer năm 2002). Thế là Obama tìm gặp cho được tác giả quyển sách và mời bà một bữa ăn tối kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ, hai người tỏ ra rất đồng điệu, rất hợp ý nhau, và kết quả là Power bỏ công việc giảng dạy tại Đại học Harvard để về làm việc cho ông Obama.

Ngay khi tình hình bất ổn bắt đầu lan rộng tại Libya, thành phần hiếu chiến ở châu Âu và Mỹ đã rất sốt ruột trước thái độ "ỡm ờ", không sốt sắng lắm của Mỹ, trong khi các đồng minh châu Âu rất háo hức "can thiệp". Điều này được giải thích là do có cuộc tranh luận dữ dội bên trong bộ sậu cố vấn của Tổng thống Obama. Ngay lúc đó, Peter W. Galbraith, cựu Đại sứ Mỹ tại Croatia giai đoạn 1993-1998, một người từng quen biết Power từ thời bà làm phóng viên chiến trường Bosnia, đã gửi e-mail cho Power và "nhắc nhở" bà không nên để ông Obama "phạm sai lầm như Bill Clinton ở Rwanda" (ý nói đến việc ông Clinton đã không chịu can thiệp vào Rwanda - nơi đã xảy ra thảm họa diệt chủng vào năm 1994).

Bà Power đã không phản hồi thư ông Galbraith, nhưng những động thái mạnh mẽ, "hung dữ" (từ dùng của báo giới Mỹ) của Power trong các cuộc họp và thảo luận sau đó tại Nhà Trắng và đặc biệt là những lời "thổi lỗ tai" ông Obama đã cho người ta thấy một Power tràn đầy nhiệt huyết và cái đầu vẫn "nóng" như ngày nào. Power dường như vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng, tại các cuộc xung đột mang màu sắc "nội chiến", nếu Mỹ không can thiệp thì "hầu như chắc chắn sẽ xảy ra họa diệt chủng".

Power đã viện dẫn các thảm họa diệt chủng lớn trong lịch sử nhân loại (như Armenia, Đức Quốc xã, Campuchia, Rwanda) để làm cơ sở cho rằng "Libya có nguy cơ biến thành một Rwanda thứ hai"!? Đó chính là động cơ mạnh mẽ để Power chiến thắng đa số cố vấn Nhà Trắng trong cuộc tranh luận "can thiệp hay không can thiệp".

Tại một cuộc họp ở Phòng Bầu dục, trong khi mọi người thi nhau can ngăn Tổng thống "không nên can thiệp vào Libya" để tránh một cuộc sa lầy tương tự như tại Iraq và Afghanistan, thì Power xuất hiện và "phát pháo": "Thưa Tổng thống, tôi đến đây để khuyên ông rằng lịch sử đang mong muốn ông thực hiện hành động can thiệp này". Và kết quả là Tổng thống đã nghe theo lời Power.

Dư luận báo chí Mỹ từng ví von rằng, việc ông Obama quyết định can thiệp vào Libya là do "3 người đàn bà dữ dằn" xung quanh ông. Người thứ nhất là Ngoại trưởng Hillary Clinton, kế đến là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice và người còn lại chính là Power. Tuy nhiên, hỏi ai là người có thể khiến Tổng thống Obama quyết định ngay vấn đề thì người đó chính là Power.

Bây giờ thì tình hình xung quanh cuộc chiến tại Libya đã xoay chuyển. Sau khi phát hiện thành phần Al-Qaeda trong hàng ngũ phiến quân chống Tổng thống Moammar Gaddafi, Washington đã thay đổi hẳn thái độ, đã quyết định không (công khai) cung cấp vũ khí cho quân phiến loạn, và mới đây nhất (ngày 31/3) đã quyết định trao quyền chỉ huy chiến dịch cho các đồng minh NATO đồng thời rút toàn bộ máy bay chiến đấu ra khỏi chiến dịch, chỉ hỗ trợ máy bay do thám.

Đã có nhiều tiếng xầm xì về một thất bại của bà Power trong nỗ lực thúc đẩy cỗ máy chiến tranh của nước Mỹ, bởi vì bên cạnh ông Obama không chỉ có các cố vấn bên trong Nhà Trắng mà còn có cả những thành phần hoạch định chính sách trong Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao

An Châu (tổng hợp)
.
.