Sau Angela Merkel sẽ là Emmanuel Macron?

Thứ Hai, 12/11/2018, 16:12
Sau cuộc bầu cử tại bang Hessen, Đức hôm 28-10-2018, với kết quả cho thấy đại liên minh cầm quyền bị suy yếu thêm, ngày 29-10, bà Merkel đã tuyên bố nhiệm kỳ thủ tướng của bà sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng, đồng thời thông báo bà sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ - Thiên Chúa Giáo (CDU).

Ngoài việc sẽ dần dần rút lui khỏi sân khấu chính trị nước Đức, Thủ tướng Merkel còn nói rõ là bà sẽ không tranh bất cứ chức vụ nào trong các định chế của Liên minh châu Âu (EU).

Là một nhân vật đã có ảnh hưởng rất lớn lên chính sách của châu Âu, bà Merkel chuẩn bị ra đi vào lúc EU gặp khó khăn chồng chất. EU mất đi một trong hai lãnh đạo chủ chốt (người còn lại là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron), trong khi các nền móng của ngôi nhà châu Âu đang rung chuyển, do sự trỗi dậy của các đảng dân túy, chống hợp nhất châu Âu, cùng lúc với việc Nga, Mỹ tung ra các đòn tới tấp và Anh thì chuẩn bị rời khỏi con tàu chung. Như thổ lộ của đại diện một quốc gia thành viên với hãng tin AFP, hiện nay ở châu Âu, rất ít người có đủ tầm cỡ lãnh đạo.

Tình hình hiện nay trái ngược với tháng 5-2017, khi Tổng thống Emmanuel Macron vừa đắc cử. Nhiều người hy vọng châu Âu sẽ tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế, với sự cộng tác khăng khít của cặp Pháp - Đức, bởi tân Tổng thống Pháp đã coi việc tái khởi động châu Âu là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Trong những tháng tới, cuộc chiến nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo mới trong nội bộ đảng CDU của bà Merkel chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các phối hợp giữa Đức với Pháp, đặc biệt trong các cam kết về tài chính.

Theo tờ Le Figaro, quan hệ Pháp - Đức kể từ khi Tổng thống Macron đắc cử thật ra cũng không hề suôn sẻ. Từ nhiều tháng nay, hợp tác Paris - Berlin đã giảm tốc, do các vấn đề nội bộ của Đức, nhất là các hậu quả do chính sách mở cửa cho người nhập cư và quá trình thành lập chính phủ liên minh, kéo dài trong nhiều tháng.

Theo đánh giá của ông Jean-Dominique Giuliani, Chủ tịch Tổ chức Schuman, sau khi thông báo sẽ rút lui, thế lực của bà Merkel sẽ giảm đi. Về phần mình, ông Sébastien Maillard cũng cho rằng kể từ nay ở châu Âu sẽ chẳng nhiều người nghe bà Merkel nữa vì bà đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Theo ông Maillard, đây là một vố đau đối với châu Âu.

Việc Thủ tướng Đức rút dần khỏi sân khấu chính trị sẽ ảnh hưởng đến các cuộc họp quan trọng sắp tới của EU, nhất là cuộc họp thượng đỉnh tháng 12 tới bàn về vấn đề di dân và cải tổ khu vực đồng euro, 2 vấn đề đang gây chia rẽ các quốc gia thành viên EU. Nhà phân tích Julian Rappolt của European Policy Center (Trung tâm Chính sách Châu Âu) cảnh báo là có nguy cơ EU bị tê liệt và rất có thể là từ đây đến bầu cử Nghị viện châu Âu, sẽ chẳng có gì xảy ra.

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu lại không đồng ý với những dự báo bi quan nói trên. Một quan chức, xin được giấu tên, nói với hãng tin AFP rằng, quyết định của bà Merkel đã được chờ đợi từ lâu và sẽ chẳng có gì thay đổi. Một lãnh đạo của trung tâm tư vấn German Marshall Fund (Đức), bà Sudha David-Wilp, cũng không nghĩ rằng EU sẽ gặp hỗn loạn và bất ổn, vì sự rút lui của Thủ tướng Merkel sẽ diễn ra chậm, từng bước.

Ông Jean-Dominique Giuliani cho rằng, nếu bà Annegret Kramp-Karrenbauer, một người có quan điểm thân châu Âu, kế nhiệm chức Chủ tịch CDU của bà Merkel, thì việc hợp tác với Pháp có thể sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bên cạnh đó, không còn bị ràng buộc vào các áp lực bầu cử, Thủ tướng Đức có thể sẽ được rảnh tay để cải cách EU.

Việc bà Merkel rút lui sẽ tạo cơ hội cho nước Pháp của Tổng thống Marcon lãnh đạo EU? Với các nước châu Âu khác, sau khi nước Anh rời khỏi EU, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU và cũng là nước duy nhất của EU là Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây là lợi thế rất lớn cho Pháp, song Đức đang là đầu tàu kinh tế của EU vì vậy vị thế của Pháp trên bàn cờ chính trị thế giới sẽ không thể thay đổi, nếu không thể biến lợi thế “2 duy nhất” của mình thành ưu thế. Để làm được điều đó, Paris phải có đột phá.

Khi bỏ cái áo khoác EU, Anh sẽ chủ động hơn trong khai thác mọi nguồn lực để hiện thực hóa giá trị của Brexit. Hiệu ứng tích cực từ xứ sở xương mù sẽ gây bất lợi cho lục địa già và nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong khi tại hướng Tây, rào cản “nước Mỹ là trước tiên” không dễ phá, Paris chọn “hướng đông”.

Ukraine và Syria là nơi Pháp có thể tạo ra đột phá trong quan hệ với Nga, bởi Moscow đang đóng vai trò quan trọng trong cả hai ván cờ này. Tuy nhiên, mục tiêu cải thiện bang giao giữa Pháp và Nga vấp phải một thực tế: Paris không thể bắt tay với Nga mà để phương hại đến những mối quan hệ chiến lược của Pháp với các đồng minh phương Tây.

Không thể phủ nhận rằng kể từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Macron đã tạo dấu ấn rất lớn cho Pháp trên trường quốc tế. Ông đã cẩn thận xây dựng hình ảnh một chính trị gia thân thiện khi tạo mối quan hệ thân mật với nhiều lãnh đạo. Ông ôm Thủ tướng Đức Angela Merkel, chụp hình với Thủ tướng Canada Justin Trudeau trên một ban công hướng ra Địa Trung Hải, chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles và nắm tay Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đến Mỹ.

Ông dần trở thành nhà lãnh đạo lên tiếng đại diện cho cả châu Âu và tỏ ra năng nổ trong công cuộc tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên chính trường quốc tế sau một giai đoạn nhạt nhòa dưới thời Tổng thống Francois Hollande. Nhưng, điều đáng buồn là uy tín trong nước của ông ngày càng đi xuống. AFP đưa tin tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ, theo kết quả cuộc thăm dò lớn được công bố hôm 23-9, với chỉ 29% người được hỏi cho biết hài lòng với sự lãnh đạo của ông.

Thay cho lời kết ai sẽ lãnh đạo châu Âu, báo Le Figaro lưu ý là dự án châu Âu không thể do một người, hay một quốc gia duy nhất dẫn dắt. Câu trả lời cho vấn đề này chắc chắn sẽ được quyết định với kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới, cử tri sẽ ra phán quyết về số phận của các đảng phái chính trị truyền thống.

M.T. (tổng hợp)
.
.