Sau giải Hòa bình dứt tình đồng đội

Thứ Ba, 16/10/2012, 21:45

Hai người phụ nữ đã cứu một đất nước thoát khỏi cuộc nội chiến và cùng chia nhau giải Nobel Hòa bình năm 2011. Nhưng bây giờ họ cần có kế hoạch hòa bình cho riêng mình.

Đầu tháng 9 vừa qua, nhà hoạt động hòa bình Liberia Leymah Gbowee đã phê bình “đồng chí” lâu năm của mình, Johnson Sirleaf, Tổng thống Liberia, đã không thể chống lại tình trạng tham nhũng của các quan chức chính phủ. Bà Gbowee từ chức Chủ tịch Ủy ban chân lý và hòa giải Liberia với lý do "khác biệt về chính kiến trên con đường chữa lành vết thương chiến tranh và hòa giải dân tộc".

Nguyên nhân khiến bà Gbowee đoạn tình với người đồng chí hướng một thời, Sirleaf, có thể xuất phát từ việc: chính phủ của bà Sirleaf cáo buộc ngược lại Gbowee mới chính là người sử dụng Quỹ hòa giải dân tộc Liberia sai mục đích. Bà Gbowee nói trong trạng thái bị kích động mạnh: "Thật là nhục nhã, trong khi bắt đầu một thời kỳ mới thì một số nhà lãnh đạo chính trị lại xem hòa giải dân tộc là một mối đe dọa đến lợi ích cá nhân của mình"...

Và như lửa đổ thêm dầu, từ câu nói đó của bà Glowee, bà Sirleaf cũng liên tiếp đáp trả lại bằng những lời phê bình kịch liệt dành cho người bạn cũ, đồng thời Chính phủ Liberia trong giới hạn quyền lực của bà  Sirleaf chấp nhận đơn từ chức nhưng bác bỏ các ý kiến của bà Gbowee.

Cho dù việc bà Gbowee chỉ trích bà Sirleaf có là quan điểm cá nhân hay không, thì đây cũng là dấu hiệu công khai đầu tiên về mối bất hòa giữa hai người phụ nữ, đã từng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đạo diễn Abigail Disney kiêm nhà hoạt động nhân đạo, người đã cùng cộng sự của mình thực hiện một bộ phim tư liệu về Gbowee với tựa đề "Lời cầu nguyện từ địa ngục", sau khi biết thông tin đã buồn bã  nói: "Đó là một tình bạn cao đẹp hơn cả tình mẹ với con gái hoặc người cố vấn với tổng thống". Tuy nhiên, không phải vì thế mà Abigail Disney bênh vực cho nguyên mẫu bộ phim "Lời nguyện cầu từ địa ngục" của mình, ông cho rằng những lời nói của Glowee dành cho Sirleaf là non nớt và thiếu chín chắn.

Bà Leymah Gbowee (trái) và tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf.

Bà Gbowee năm nay 40 tuổi, đã cùng với gia đình trải qua 17 năm nội chiến đau thương triền miên. Vào thời gian cuộc chiến xảy ra, cô bé Gbowee đã có ước mơ trở thành bác sĩ, nên đã sớm học các kỹ năng tiêm, chích thuốc chữa bệnh và chịu trách nhiệm tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Bà kể lại quãng đời tuổi thơ sống trong sợ hãi: "Hằng ngày, tôi đi ra ngoài tìm kiếm thức ăn, tôi thấy những xác người bị súng đạn bắn chết, bạn phải tồn tại, bạn đang sống. Không có gì để trông đợi".

Năm 31 tuổi, bà đã tự vận động phụ nữ trên toàn thế giới đấu tranh cho hòa bình. Bà Gbowee được công nhận là đã góp phần giúp chấm dứt cuộc nội chiến Liberia và chế độ độc tài Charles Taylor vào năm 2003, đồng thời mở ra cánh cửa mới để người đồng chí của mình là bà Sirleaf lãnh đạo đất nước.

Bà Sirleaf năm nay 73 tuổi đã tốt nghiệp đại học Liberia, sau khi kết hôn, bà đến Mỹ du học và nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard. Bà đã có nhiều năm làm việc ở trong lẫn ngoài nước, đã từng phục vụ cho chính quyền Liberia cũ, từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, chi nhánh châu Phi và Ngân hàng City Bank ở Mỹ. Vào năm 1997, bà công khai chống lại nhà độc tài Taylor và sau đó phải lưu vong. Sau 14 năm ở nước ngoài, bà Sirleaf trở về quê nhà xây dựng lại các trường học đã bị chiến tranh tàn phá và khuyên nhủ phụ nữ Liberia đưa con, cháu mình trở lại trường học, nhờ đó Sirleaf hấp dẫn được các cử tri nữ bỏ phiếu ủng hộ mình để trở thành tổng thống.

Song, nhiệm kỳ đầu tiên của bà đã không thành công bởi các vụ bê bối tham nhũng. Bà đã nói chi tiết những khó khăn thách thức rất lớn của mình trên tờ Newsweek: "Trước mắt chúng tôi có một nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn, thiếu sự quản lý của pháp luật, thiếu các chính sách, năng suất thấp và hệ thống giá trị bị đảo lộn”. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc của đất nước, bà Sirleaf đã có những việc làm rất thông minh và táo bạo, bà đã thuyết phục được các chủ nợ quốc tế miễn trừ nợ cho Liberia hơn 4 tỉ USD. Ban hành luật pháp mới, lệnh cho cảnh sát trên toàn quốc chiến đấu chống lại các tội ác bạo hành phụ nữ, trẻ em, lập các nhà kiểm soát để phát hiện tham nhũng trong chính phủ và sẵn sàng xử nghiêm những kẻ đó.

Năm 2011, sau khi nhận giải Nobel, bà được tái đắc cử. Bà đã bổ nhiệm 3 người con trai của mình vào chính phủ, vì bà rất tin tưởng các con mình sẽ cùng bà đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho nhân dân. Bà đã thẳng thừng sa thải một số người bạn rất thân, thậm chí mạnh tay đuổi việc nhiều giáo viên từng được xem là ưu tú công tác lâu năm trong ngành giáo dục. Bà là người đầu tiên giải quyết được vấn đề an ninh và công nợ. Bà chu du khắp các nước để xin xóa nợ. Bà đã bắt tay vào việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá. Bà đã yêu cầu tất cả các cán bộ nhà nước phải kê khai đầy đủ tài sản của mình. Nhưng tham nhũng vẫn hiện diện và thẩm thấu sâu vào hầu hết các lĩnh vực xã hội Liberia.

Gbowee nói rằng, các con trai của bà Sirleaf cần phải bị bãi nhiệm và sa thải, Robert Sirleaf đã bị đình chỉ công tác và bãi nhiệm do thống kê gian lận tài sản. Bà Sirleaf đã quyết định sa thải con trai mình, một cố vấn cấp cao đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị nhà máy dầu mỏ quốc gia Liberia.

Nhà làm phim Disney cho biết những lời bình luận có thể gây ra thiệt hại: "Tôi vô cùng lo lắng vì các lời bình luận sẽ gây ra một vết rạn, mặc dù các bình luận không phải là vấn đề để sinh ra nhiều động cơ tiềm ẩn cho những cuộc cãi vã. Leymah thật sự rất thất vọng trong công việc của mình khi thực hiện sáng kiến hòa giải dân tộc. Các nhà hoạt động hòa bình cảm thấy bà đang bị đối xử như là một đối thủ cạnh tranh hơn là một đồng đội"

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.