Saudi Arabia vẫy vùng trong khủng hoảng

Thứ Ba, 16/06/2020, 20:25
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do sự sụp đổ giá dầu gây ra và các cuộc đọ sức địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19, những thay đổi lớn đang diễn ra trên toàn khu vực Tây Á. Nổi lên là Saudi Arabia, vai trò lãnh đạo thực tế của OPEC và là quốc gia Arab duy nhất nằm trong nhóm 20 cường quốc về kinh tế.

Những gì xảy ra ở Saudi Arabia và các nước láng giềng đều quan trọng đối với phần còn lại của châu Á vì nhiều lý do, chứ không chỉ vì nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Một trong những lý do đó là thu nhập từ lao động nhập cư ở Vùng Vịnh mà kiều hối gửi về có tầm quan trọng then chốt đối với hàng triệu hộ gia đình ở Philippines, Indonesia, Myanmar và tiểu lục địa Ấn Độ. Mạng lưới liên kết kết nối các nhóm dân quân ở Tây Á với các vùng khác trong khu vực cũng gây quan ngại.

Liên minh Mỹ - Saudi Arabia kéo dài 7 thập niên đã căng thẳng kể từ tháng 3-2020, khi Thái tử Saudi Arabia đặt cược mối quan hệ đặc biệt của mình với Nhà Trắng bằng cách âm thầm tăng sản lượng dầu mỏ, buộc Nga phải cắt giảm sản lượng, do đó giúp định ra một mức sản lượng trong tình trạng giá dầu giảm. Động thái này đã chọc giận nước Mỹ. Những ảnh hưởng nổi bật được người Mỹ nhắc đến bao gồm sự sa thải quy mô lớn trong ngành năng lượng khi các nhà sản xuất dầu đá phiến phải chịu áp lực từ giá dầu thấp kỷ lục.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Phản ứng này được cho là khá nghiêm trọng khi xem xét tới sự thân mật của mối quan hệ mà Thái tử Mohammed bin Salman đã vun đắp với Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đe dọa sẽ rút lại tên lửa Patriot của Mỹ được bố trí tại Saudi Arabia vào năm 2019 sau các đợt tấn công bằng máy bay không người lái của Iran vào một cơ  sở dầu mỏ chủ chốt. Thái tử Mohammed đã nhanh chóng nhượng bộ để không khiến Tổng thống Trump tức giận hơn và đồng ý cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia từ ngày 1-6 xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Việc Thái tử Mohammed chủ động trong nhiều vấn đề hệ trọng của Saudi Arabia cũng được cho là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Cuộc chiến ở Yemen năm 2015 và nỗ lực cô lập Qatar năm 2017 dẫn tới việc chia rẽ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã gây tốn kém cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Saudi Arabia. Dự trữ ngoại tệ của vương quốc giàu dầu mỏ này đã giảm từ 732 tỷ USD vào cuối năm 2014 xuống còn khoảng 500 tỷ USD vào năm 2019.

Cũng trong giai đoạn này, nợ nước ngoài tăng vọt từ 12 tỷ USD lên khoảng 185 tỷ USD. Bị giảm thu nhập sau khi giá dầu sụp đổ, Riyadh đã điều chỉnh lại Chương trình Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Cách làm này cũng có nguy cơ không được lòng dân do tuyên bố tăng gấp 3 thuế hàng hóa và dịch vụ lên tới 15%.

Do sở hữu 2 địa điểm linh thiêng nhất của thế giới Hồi giáo và là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Arabia có ảnh hưởng toàn cầu lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Kể từ năm 1979, khi Cách mạng Iran được coi như một sự thức tỉnh trong thế giới Hồi giáo, các nhà cầm quyền Saudi Arabia chịu ngày càng nhiều sức ép buộc phải làm hài lòng các giáo sĩ vì lo sợ bị buộc tội suy đồi đạo đức.

Vì lý do này, ngay cả những bước tiến rất nhỏ như tháng 10-2019, Riyadh quyết định cho phép đàn ông và phụ nữ nước ngoài ở chung phòng khách sạn, ngay cả khi hai người không phải là vợ chồng đã trở thành tiêu điểm của thế giới lúc đó.

Một chiến binh trung thành với STC ở tỉnh Abyan, Yemen.

Tuy được đánh giá cao vì đã nới lỏng một số điều luật như trên, mà phần lớn là định hướng cách nhìn nhận của phương Tây về mình, Thái tử Mohammed lại bị cho là người không khoan nhượng với sự bất đồng chính kiến. Cuộc chiến Qatar về cơ bản liên quan đến việc Doha được cho là quá mềm mỏng với Iran và kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar thường có cái nhìn khắt khe về các nhà nước Arab. Đặc biệt là vụ ám sát nhà báo đồng thời là nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây sốc.

Vụ ám sát đã là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thái độ với Thái tử Mohammed, nhất là khi Ankara đang xây dựng liên minh chiến lược với Doha. Mới đây, Qatar đã tăng hạn mức hoán đổi tiền tệ với Thổ Nhĩ Kỳ từ 5 tỷ USD lên 15 tỷ USD, báo hiệu thêm một quốc gia giàu có ở khu vực lân cận.

Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác có mối quan hệ phức tạp với các nhóm thiểu số Hồi giáo cũng coi trọng mối bang giao của họ với Thái tử Mohammed, không chỉ vì sự quảng bá trong thế giới Hồi giáo mà còn vì các thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương có lợi cho họ. Tuy nhiên, điều này có thể là một rủi ro nếu Thái tử Mohammed và chế độ hiện tại của Saudi Arabia bị suy yếu.

Trên mặt trận tôn giáo, những người có tư tưởng bảo thủ mà ông chọc tức đang tìm kiếm một cơ hội để tái lập nhóm. Về chính trị, có những dấu hiệu cho thấy không phải các nhà lãnh đạo trong thế giới Arab đều đồng tình để mặc Saudi Arabia hoàn toàn điều khiển.

Trong một tài liệu tình báo mới rò rỉ, phe ly khai ở miền Nam Yemen dưới ngọn cờ Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sắc lệnh tự quản, vi phạm một cách trắng trợn hiệp định hòa bình được ký vào tháng 11-2019 ở Riyadh.

Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn gọi tuyên bố này là "nguy hiểm và thảm họa" và thậm chí cả UAE, nơi dừng chân của các nhà lãnh đạo STC, cũng bày tỏ sự phản đối. "Nhưng ít ai tin rằng STC sẽ có một động thái khiêu khích đến vậy mà không có ít nhất là sự chấp thuận ngầm của Abu Dhabi".

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.