Vụ Đại sứ Nhật Bản Hideaki Ueda gây phẫn nộ trong dư luận:

Sẩy miệng một li… đi mấy dặm

Thứ Ba, 25/06/2013, 14:20

Hôm 12/6 vừa qua, tờ Japandailypress đưa tin làn sóng kêu gọi tẩy chay Hideaki Ueda, Đại sứ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đang lên rất cao tại Nhật Bản sau khi chính khách này vô tình "vạ miệng" tại một cuộc họp của LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), gồm đại diện quan chức cấp cao nhiều quốc gia trên thế giới. Một đoạn video ngắn được đăng tải trên mạng cho thấy vị đại sứ đã yêu cầu đồng nghiệp "câm miệng" trong khi đang cố phát biểu. Hình ảnh này với tốc độ lan truyền nhanh chóng qua các mạng xã hội đã khiến cư dân mạng tức giận vì cho rằng ông Hideaki Ueda thiếu ý tứ, đã làm mất mặt nước Nhật và cần phải bị cách chức ngay lập tức.

Phát ngôn… không đúng lúc

Giải thích về vụ việc, luật sư Nhật Bản Shinichiro Koike, người có mặt trong phiên họp tại Genena, cho hay một đại diện từ Mauritius đã chỉ trích hệ thống tư pháp của Nhật Bản, vốn không cho phép các luật sư được hiện diện trong quá trình thẩm vấn. Ông Ueda, người dường như không giỏi tiếng Anh, sau đó đã đứng dậy bảo vệ đất nước bằng phát biểu: "Chắc chắn Nhật Bản không phải là một đất nước già nua. Chúng tôi là một trong những quốc gia tiên tiến nhất trong lĩnh vực này. Đó là niềm tự hào của chúng tôi".

Theo luật sư Koike, bình luận trên của Đại sứ Nhật Bản đã tạo ra một số tiếng cười, khiến ông Ueda nổi giận. Điều này khiến cho đại sứ tức giận hét lên: "Đừng có cười! Tại sao mọi người lại cười? Hãy câm hết miệng lại đi, câm miệng ngay! Quốc gia nào cũng có những thiếu sót, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để cải thiện tình hình".

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Nhật Bản bị chỉ trích vì cách ứng xử trước quốc tế. Tờ Tokyo Shimbun của Nhật Bản gọi đó là một "vụ việc lạ thường" và nhấn mạnh rằng vụ việc này xảy ra sau hàng loạt những lời nói hớ khác của các quan chức cấp cao gần đây, vốn làm chạnh lòng các nước khác.

Giữa tháng 5 vừa qua, Thị trưởng Osaka, Toru Hashimoto, phát biểu rằng nô lệ tình dục thời chiến tranh đóng vai trò "cần thiết" trong đời sống tinh thần của những binh sĩ vốn luôn đối mặt với căng thẳng trên chiến trường. Ngay lập tức, các nghị sĩ và nhóm nhân quyền tại Nhật lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Turo Hashimoto. Còn một quan chức cấp cao chính phủ lên án Hashimoto "thiếu kiến thức lịch sử nghiêm trọng và thiếu tôn trọng nhân quyền".

Phát biểu "vạ miệng" này cũng ngay lập tức thu hút một cơn bão chỉ trích từ những nước từng bị Nhật Bản cai trị vào những năm 30, 40 thế kỷ XX cũng như từ Mỹ. Năm ngoái, ông cũng gây sóng gió khi tuyên bố Nhật Bản cần "một chế độ độc tài", và phải gửi lời xin lỗi đến thế giới Hồi giáo sau khi phát ngôn rằng các nước theo đạo Hồi không có điểm gì chung, ngoại trừ thánh Allah và "đang chống lại nhau".

Còn trong cuộc họp hội đồng quốc gia về cải cách an ninh xã hội, Phó thủ tướng Aso đã gây sốc nặng khi nói rằng những bệnh nhân lớn tuổi nên "đi nhanh chóng" để đỡ tốn nhiều tiền chăm sóc hàng tháng nhằm duy trì sự sống. "Cầu trời cho ai đừng bị buộc phải sống khi mà họ không muốn như vậy. Nếu là tôi thì khi tỉnh dậy sẽ thấy thật tồi tệ khi biết rằng chi phí chữa chạy là tiền nhà nước. Vấn đề này sẽ không được giải quyết trừ khi cứ để họ chết sớm",  tờ Japandailypress trích lời ông Aso.

Sau khi "sẩy miệng", ông Aso vớt vát bằng cách khẳng định rằng ông chỉ muốn nói về nguyện ước cá nhân. Ông Aso sau này đã thừa nhận đây là phát biểu "không phù hợp", thậm chí có thể ảnh hưởng đến chính phủ mới về mặt chính trị do khoảng 25% dân Nhật Bản là người trên 65 tuổi.

Hình ảnh phiên họp tại Genena, nơi Đại sứ Hideaki Ueda bất ngờ… vạ miệng.

Các bộ trưởng ra đi vì… hớ hênh

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa từng đối diện với nguy cơ bị sa thải khỏi nội các sau khi có nhiều tuyên bố sẩy miệng liên quan tới vụ 3 lính Mỹ hiếp dâm tàn bạo một bé gái 12 tuổi hồi năm 1995, khiến dư luận phẫn nộ. Ông Yasuo Ichikawa gây tức giận khi ví sự kiện trên giống như "một cuộc truy hoan tình cờ xảy ra".

Lãnh đạo Cục Phòng vệ Okinawa, Satoshi Tanaka, đã bị sa thải sau khi ví von việc chính quyền chậm chạp trong các kế hoạch tái bố trí một căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh này, giống như việc ai đó cảnh báo trước một người phụ nữ về ý định hiếp dâm nạn nhân. "Liệu anh có tuyên bố rằng "này tôi sẽ hiếp dâm cô đấy", khi anh làm chuyện đó không?", Tanaka tuyên bố thẳng thừng với các phóng viên. Tờ Japandailypress nhận định, trong câu trên Tanaka đã sử dụng từ "okasu", nghĩa là "xâm phạm" trong tiếng Nhật. Tuy nhiên từ này thường được dùng với nghĩa tấn công tình dục một phụ nữ.

Tháng 9/2012, Bộ trưởng Thương mại Yoshio Hachiro đã từ chức khi báo chí nói rằng: ông đùa cợt với các phóng viên về vấn đề phóng xạ ở Nhà máy điện nguyên tử gặp sự cố Fukushima Daiichi và đưa ra bình phẩm thô lỗ về cư dân các vùng gặp thảm họa. Ban đầu, Hachiro đã thoát khỏi các chỉ trích, sau khi xin lỗi vì gọi một khu vực không người ở gần Nhà máy Fukushima Daiichi là "thị trấn chết". Nhưng báo chí tiếp tục loan tin ông đã đưa ống tay áo về phía một phóng viên và đùa rằng ông đang phát tán phóng xạ ra xung quanh. Việc này đã đi quá giới hạn, khiến Thủ tướng Noda phải sa thải Hachiro.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, Nhật Bản phải chia tay với hai bộ trưởng chỉ vì những câu nói bông đùa tưởng chừng vô hại. Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kyuma đã mất ghế do lỡ nói rằng hai cuộc tấn công bằng bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 là không thể tránh khỏi. Đồng nghiệp ở Bộ Y tế là ông Hakuo Yanagisawa đã khiến nhiều người Nhật phẫn nộ khi gọi phụ nữ nước này "là những cái máy đẻ". Và cơn phẫn nộ bùng nổ khi ông tiếp tục phát ngôn không thể sốc hơn, rằng rất nhiều phụ nữ bị hiếp dâm đã "khuyến khích chuyện này xảy ra bằng cách ăn mặc rất khiêu khích"…

Việt Dũng - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.