Siêu bão Sandy “đổ bộ” vào bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ Tư, 07/11/2012, 01:40

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở lại "đường đua" sau 3 ngày tạm gác chuyện tranh cử để làm tròn vai Tổng thống đương nhiệm đi lo cứu hộ dân chúng vùng bị thiên tai. Hình ảnh vị Tổng thống xắn tay áo sát cánh cùng chính quyền địa phương đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên và vận động cứu hộ, cứu trợ đã gây được thiện cảm của nhiều người. Cho nên, có người đã nói siêu bão Sandy đổ bộ đã mang lại cho ông Obama một cơ hội, một lợi thế không dễ kiếm được trước đối thủ Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa.

Siêu bão Sandy với sức gió 75-95 dặm/giờ (tương đương 120km/giờ đến 150km/giờ) đã quét qua các bang bờ Đông nước Mỹ, biến những đô thị phồn hoa thành chốn "bình địa" như Chiến tranh thế giới lần II, khiến hàng ngàn người Mỹ rơi vào cảnh khó khăn, thiếu lương thực, nước uống.

Trong tình cảnh đó, giới quan sát đánh giá, nếu Tổng thống Obama quyết liệt vận động cùng ứng cử viên Cộng hòa Romney thì chắc chắn ông sẽ mất điểm. Thực tế là ông Obama đã hủy hoàn toàn 3 ngày vận động tại các bang "phân vân" ở miền Đông nước Mỹ để tập trung vào công tác cứu hộ, giải quyết hậu quả của bão. Có ý kiến từ phía đối lập phê phán ông Obama đã "quá nhanh nhạy" trong việc tung ra hành động và phát đi lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân thiên tai, khi cơn bão vẫn chưa tan hẳn, chưa hoàn toàn ra khỏi địa phận nước Mỹ. Thực ra, thời điểm ông Obama tung ra hành động và lời kêu gọi cứu hộ là hợp lý, kịp thời, đáp ứng được lòng mong mỏi của những người đang gặp khó khăn do bão. Do đó, ông đã nhận được sự đồng tình khá cao của nhiều người dân các vùng bị thiên tai.

Phải nhìn nhận rằng, ông Obama hoàn toàn có điều kiện thuận lợi hơn ông Romney trong việc xử lý tình huống bão Sandy. Đó là tư cách và quyền hạn của người đương nhiệm. Ông Obama đã dùng quyền hạn Tổng thống của mình để yêu cầu sơ tán khẩn cấp trước khi bão đổ bộ, và sau khi bão tàn phá, gây ra những hậu quả kinh hoàng, một lần nữa ông Obama đã sử dụng quyền hạn của đương kim Tổng thống để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại những nơi bị thiệt hại nặng nhất ở bang New Jersey.

Trong suốt 3 ngày liền, 29, 30 và 31/10, các phương tiện truyền thông Mỹ và thế giới tràn ngập những bài viết nêu bật những hoạt động của Tổng thống Obama ở bang New Jersey. Những hình ảnh ông Obama trực tiếp ân cần thăm hỏi những người bị ảnh hưởng bão, trực tiếp chỉ huy các toán cứu hộ thuộc Cơ quan Ứng cứu khẩn cấp liên bang (FEMA) để cứu người bị nạn và chuyển hàng cứu trợ đến tận tay các hộ gia đình bị ảnh hưởng bão đã được truyền đi khắp nước Mỹ và thế giới. Những hình ảnh đó đã có công hiệu lấn át hoàn toàn những bài quảng cáo kiểu bôi xấu của ban vận động Romney.

Nhờ siêu bão Sandy, Tổng thống Obama có thêm bạn, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, thuộc đảng Cộng hòa...

Ứng cử viên Romney quả đúng là một chính khách cơ hội, bằng mọi giá lợi dụng tình hình bão Sandy để tung đòn tấn công ông Obama. Không những không trực tiếp cùng ông Obama tham gia công tác cứu hộ nạn nhân bão Sandy, Romney còn lợi dụng tình hình để tiếp tục vận động. Báo chí Mỹ đã nói thẳng ra rằng, Romney tiếp tục "rón rén vận động" trong khi Obama bận lo cứu hộ cho dân chúng. Khi ông Obama kêu gọi, vận động lương thực, nhu yếu phẩm để cứu trợ nạn nhân bão, thì Romney tổ chức mittinh với hơn 2.000 người ủng hộ ở bang Ohio và Florida, lấy danh nghĩa "sự kiện cứu hộ" và hô hào "ủng hộ một chương trình lớn cứu trợ bão".

Chưa thôi, trong khi ông Obama và cả ban vận động của ông tạm ngừng các hoạt động quảng cáo, vận động cử tri để lo cứu hộ thiên tai thì ban vận động của Romney lại ráo riết tận dụng thời gian này để tung ra những mẩu quảng cáo mang tính bôi xấu đối phương - một hành động được giới phân tích đánh giá là "không cao thượng".

Siêu bão Sandy đúng là "thuốc thử" hiệu nghiệm đối với cả hai ứng cử viên trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Sự tương phản của hình ảnh 2 ứng cử viên trong bão Sandy - một lo cứu hộ cho dân, một lo vận động, hô hào và công kích đối phương nhằm mục đích có lợi cho mình - đã cho thấy sự khác biệt trong quan điểm, trong thái độ nhìn nhận vấn đề, và trong "cái tâm" của nhà chính trị, khi mục tiêu chính trị của bản thân được đặt lên quá cao, khiến cho những hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ nhiều lúc không nhất quán, không trùng khớp nhau, thậm chí là không thể tin cậy.

Bởi thế, khi ông Romney "thao thao bất tuyệt" về vấn đề vai trò của chính quyền liên bang trong công tác cứu hộ thiên tai, về việc "ủng hộ hết mình" một chương trình cứu hộ thiên tai toàn liên bang, thì dư luận vẫn không quên và nhắc lại những điều hoàn toàn trái ngược mà ông từng tuyên bố tại cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa cách đây một năm.

Dư luận cũng không đồng tình với việc ban vận động của Romney lợi dụng thời gian ban vận động của Obama tạm ngừng hoạt động để tung các mẩu tin nhắn qua điện thoại di động mang nội dung bôi xấu Obama. Chưa hết, một mẩu quảng cáo của Romney còn tung tin "Obama sẽ đưa hãng xe Chrysler cho người Trung Quốc gia công". Tuy nhiên, thông tin này đụng chạm đến hoạt động và uy tín của hãng xe Chrysler nên đã bị chính các lãnh đạo hãng xe này đính chính trên báo chí toàn quốc.

...còn ứng cử viên Romney thì "tranh thủ" vận động tại các bang quan trọng, như Ohio và Florida.

Với hành động cứu hộ kịp thời, cùng lời động viên, kêu gọi cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân siêu bão Sandy, Tổng thống Obama đã ghi điểm khá nhiều trong lòng cử tri cả nước Mỹ. Ngay sau khi Tổng thống Obama thực hiện chuyến cứu hộ đầu tiên ngày 29/10, đích thân ngài Thống đốc bang New Jersey Chris Christie - một người cho đến trước cơn bão Sandy vẫn được xem là người ủng hộ ứng cử viên Romney hết mình - đã không tiếc lời ca ngợi Tổng thống Obama trước ống kính truyền hình và trên mặt báo.

Sau đó, ngày 30/10, hình ảnh Thống đốc Christie đi cùng Tổng thống Obama thị sát tình hình các khu vực thiệt hại để đánh giá mức độ cứu hộ, cứu trợ cần thiết đã xuất hiện liên tục khiến nhiều người cảm kích. Những hình ảnh đó là những "cú hích" quan trọng giúp Tổng thống Obama ghi điểm. Tuy không nói thẳng ra, nhưng đa phần các phương tiện truyền thông Mỹ, và một số trên thế giới, đều đưa ra những hình ảnh cùng những nhận định, đánh giá theo chiều hướng ủng hộ hành động của ông Obama.

Và như để góp thêm khí thế ủng hộ cho ông Obama, hãng thăm dò dư luận Gallup hôm 31/10 đã tung ra kết quả thăm dò cử tri (thực hiện trước khi bão Sandy đổ bộ) cho thấy 54% người Mỹ dự báo Obama sẽ thắng, trong khi chỉ có 32% dự báo chiến thắng cho Romney. Còn kết quả thăm dò cử tri sau bão Sandy: Obama dẫn lại Romney với tỉ lệ 49% so với 48%.

Một vấn đề đang được đặt ra cho  Ủy ban bầu cử Mỹ là liệu có dời ngày bầu cử 6/11/2012 lại một ngày khác hay không. Lý do được đưa ra cho đề nghị dời ngày bầu cử là hiện tại, nhiều địa phương ở các bang miền Đông vẫn còn ngập chìm trong nước lũ do bão Sandy gây ra, do đó có khả năng không thể tổ chức được các điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, luật bầu cử Mỹ không cho phép dời ngày bầu cử dù vì bất kỳ lý do gì. Hiến pháp Mỹ cho phép Quốc hội có quyền ấn định ngày bầu cử.

Năm 1845, Quốc hội Mỹ đã ban hành một đạo luật về bầu cử, trong đó ấn định ngày bầu cử là ngày thứ ba ngay sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 trong năm bầu cử. Vào ngày này, bầu cử chính thức được tiến hành trên phạm vi toàn nước Mỹ. Nhưng luật cũng tạo một lối thoát, quy định nếu một số địa phương nào đó của các tiểu bang không thể tổ chức được việc bầu cử ngay trong ngày bầu cử do bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì có thể dời lại một ngày khác. Như vậy, với quy định này thì những nơi bị bão Sandy tàn phá ở các bang miền Đông nước Mỹ có thể dời ngày bầu cử lại

An Châu (tổng hợp)
.
.