Số phận hơn 7.000 tù nhân chiến tranh ở Libya

Thứ Sáu, 04/11/2011, 15:25
Libya hậu Gaddafi đang hiện ra với vô vàn khó khăn và hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Trong đó, việc định đoạt số phận của hơn 7.000 tù nhân là những tay súng từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội của ông Gaddafi và cả những thường dân bị "tình nghi" tham gia chiến đấu cho ông Gaddafi đang là một thách thức lớn đối với chính quyền lâm thời.

Bởi vì, tất cả họ đều đang bị giam giữ trong những nhà tù do các lực lượng bán quân sự địa phương quản lý.

Theo các tổ chức nhân đạo quốc tế, hơn 7.000 tù nhân này hiện đang bị giam giữ trong những nhà tù dã chiến, tạm bợ, với điều kiện hết sức tồi tàn, kém vệ sinh và không an toàn. Và thực trạng này đang phổ biến khắp Libya, kể cả ở Tripoli, nơi được xem là có các điều kiện tốt nhất Libya. Người ta có cảm giác, những thực tế ở Libya hiện nay thậm chí còn tệ hơn những gì mà lực lượng chống đối ông Gaddafi từng mô tả là rất tồi tệ dưới thời ông Gaddafi lãnh đạo Libya.

Nhiều tù nhân đã phản ánh với báo chí và các tổ chức nhân đạo rằng họ thường xuyên bị ngược đãi, tra tấn và hành hạ; phụ nữ bị hãm hiếp, còn một số tù nhân cứng đầu, ngoan cố thì bị giết. Tất cả các tù nhân tại các nhà tù Libya hiện nay không biết tương lai mình sẽ ra sao.

Theo nguyên tắc luật pháp quốc tế, tất cả những tù binh trong các cuộc nội chiến, sau khi cuộc chiến kết thúc đều phải được trả tự do, trừ những trường hợp gây ra tội ác đối với dân thường phải bị xét xử theo luật pháp quốc tế về tội ác chiến tranh hoặc luật pháp sở tại. Trong cuộc chiến ở Libya, ngoại trừ những người được xem là tướng tá, thuộc hạ thân cận của ông Gaddafi có tham gia vào việc bắn giết người biểu tình hồi đầu năm nay, còn lại đa số những tay súng tham gia cuộc chiến đều không thuộc diện tội ác chiến tranh. Vậy, nếu không thể xét xử tội ác chiến tranh thì những tù nhân này sẽ phải được xét xử theo luật pháp nào?

Cho đến nay, chính quyền lâm thời tại Libya không biết phải xét xử các tù nhân chiến tranh này theo luật lệ nào, và liệu có nên áp dụng luật pháp do ông Gaddafi để lại để xét xử người của ông? Ali Sweti, một luật sư ở thành phố Misurata, cho biết, ngay cả tòa án còn không có thì lấy gì để xét xử các tù nhân này. Theo luật sư Sweti, hiện các tù nhân đang bị giam giữ để chờ có đủ điều kiện luật pháp và cơ sở vật chất xét xử, đồng thời để thẩm định tư cách của họ, thuộc diện phải thả hay chờ xét xử.

Các tổ chức nhân đạo quốc tế đã lên tiếng cảnh báo, hàng ngàn tù nhân đang bị giam giữ tại Libya có nguy cơ đối mặt tình trạng bị hành hạ thường xuyên, một phần là để trả thù những gì họ từng làm trước đây khi tham gia chính quyền của ông Gaddafi; phần còn lại gồm những người châu Phi da đen và Hạ Sahara thì bị đối xử kỳ thị chủng tộc.

Khi cuộc chiến tại Libya còn chưa kết thúc, báo chí quốc tế cũng đã từng phản ánh tình trạng đối xử vô nhân tính của các tay súng nổi dậy đối với những người châu Phi da đen di cư. Tuy nhiên, vấn đề này hoặc là đã được Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) và đồng minh NATO bao che, hoặc là do các nhóm bán quân sự cát cứ địa phương quá mạnh, vượt ngoài tầm kiểm soát của NTC, mà NATO thì không muốn phá vỡ mối quan hệ đồng minh với thành phần chống Gaddafi đang cố gắng ổn định tình hình tại Libya, vì sợ "bứt dây động rừng", sự hỗn loạn có thể còn tồi tệ hơn ở Iraq và Afghanistan.

Một thực tế hàng ngày tại các nhà tù dã chiến ở Libya, theo lời các nhóm nghiên cứu nhân đạo quốc tế, là các tù nhân bị đối xử bằng các hình thức quái đản, không đâu có được. Họ bị đánh đập, bắt quỳ gối di chuyển,… vì theo những tay súng canh giữ ngục, đây là những kẻ từng thi hành những "hành động rất xấu xa" dưới thời ông Gaddafi, cho nên bây giờ họ phải bị đối xử như thế.

Một tù nhân tên là Abdul Aziz, đến từ thành phố Tawergha, từng là một trong những cứ địa của ông Gaddafi, cho biết anh ta bị bắt giam chỉ vì nhà anh ta có treo lá cờ màu xanh lá cây của Nhà nước Libya do ông Gaddafi lãnh đạo. "Chúng tôi treo lá cờ, vì tất cả mọi người trong thành phố nơi tôi ở đều ủng hộ ông Gaddafi" - Aziz nói. Nhưng chỉ cần như thế thôi đã bị xem là "hành động rất xấu xa" và bị bắt giam, bị ngược đãi

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.