Sóng gió và sức đề kháng của ASEAN

Thứ Hai, 25/03/2019, 16:42
Khu vực ASEAN và thế giới đang có những biến số bất định, khó lường, thách thức vai trò và sự phát triển của ASEAN. Muốn vững vàng tiến về phía trước với những thành quả to lớn trên mọi mặt trận, rõ ràng, ASEAN phải tự tạo ra “sức đề kháng” cho riêng mình.

Cạnh tranh nước lớn thách thức vai trò trung tâm

ASEAN đã có vai trò trung tâm trong khu vực, điều đó không thể phủ nhận, tuy nhiên, vai trò đó đang gặp phải thách thức khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Nếu như trước đây là hai cực Liên Xô - Mỹ thì nay là sự đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc mà “nóng” nhất là cuộc chiến tranh thương mại, sẽ phần nào tác động trực tiếp tới ASEAN và vai trò trung tâm của Hiệp hội.

Nhìn vào những cơ chế thượng tầng của khu vực do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, ADMM+,... rõ ràng, các cơ chế này cũng đang gặp phải thách thức trước các sáng kiến như “Một vành đai, Một con đường” hay vấn đề Biển Đông. Trước nhiều thách thức, ASEAN có nhiều điểm cho thấy sự chia rẽ, kể cả giữa các nước thành viên nội khối với nhau, từ đó làm suy giảm bản sắc của Hiệp hội và vai trò trung tâm của ASEAN. Nếu mọi chuyện đi theo hướng tiêu cực, vai trò trung tâm của ASEAN có thể bị che mờ bởi các cường quốc.

Việc ASEAN chịu tác động từ nước lớn là khó tránh khỏi. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS, Singapore, có 45,4% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là cường quốc sẽ thay đổi trật tự khu vực, tác động kinh tế lên ASEAN và đưa ASEAN nằm trong môi trường ảnh hưởng của mình. Đối với Mỹ, khi uy tín toàn cầu của Mỹ có sự suy giảm, chỉ khoảng 26,9% người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ có vai trò lớn tại khu vực, đảm bảo hòa bình và an ninh.

Nhưng nếu nhìn ở mặt khác của đồng xu, lạc quan mà nói, có lẽ môi trường an ninh của ASEAN hiện nay tốt hơn rất nhiều so với môi trường an ninh của ASEAN trước đây. Các nước ASEAN cùng đi trên một “con thuyền” cùng là những “người anh em”.

Chuyện các nước lớn can thiệp vào ASEAN cũng không phải là mới nhưng bây giờ thế của ASEAN so với các nước đã khác rất nhiều. Mỹ coi trọng ASEAN, Trung Quốc cũng như vậy. Không phải ngẫu nhiên cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lại diễn ra ở ASEAN.

Diễn đàn ASEAN - Australia lần thứ 30.

Đối với Biển Đông, với thái độ tích cực của mình, ASEAN cũng có thể đóng góp được rất nhiều vào hòa bình, ổn định trên Biển Đông, ủng hộ Luật Biển và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (COC). Khả năng phát huy vai trò dẫn dắt của ASEAN rất lớn. Nhìn chung, có thể khẳng định, hiện tại, cơ hội đối với ASEAN nhiều hơn thách thức.

Tháo gỡ khó khăn định vị kinh tế

Về kinh tế, có thể nói, ASEAN đang đặt ra cho mình những mục tiêu tham vọng, đặc biệt là với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Những gì mà Hiệp hội đạt được trong thời gian qua cũng khiến ASEAN có thể tương đối lạc quan về những mục tiêu của mình.

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước ASEAN vào năm 2017 đã đạt gần 2,8 nghìn tỷ USD, đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 3 châu Á. Trong các năm từ 2015 - 2018, các nước ASEAN luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 4,8 - 5,3%/năm; so với mức trung bình của thế giới trong cùng kỳ là 3,1% thì đây là một con số rất khả quan.

Dự kiến đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các số liệu về giáo dục, y tế cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao ở hầu hết các nước ASEAN. Lịch sử hơn 5 thập niên hợp tác cùng phát triển, cùng hành động vì lợi ích chung và triển khai tầm nhìn cộng đồng tập trung vào kết nối, đặc biệt là kết nối con người, đã giúp tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa các nước thành viên, củng cố "we-feeling" - cảm nhận cộng đồng giữa nhân dân các nước, từ đó hướng tới tạo dựng một bản sắc chung của ASEAN.

Trong nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng suy giảm, kinh tế ASEAN là một “ốc đảo” tương đối thuận lợi cho ASEAN và từ đó, ASEAN trở thành lực hấp dẫn cho các đối tác bên ngoài. ASEAN và các nước thành viên đang tận dụng được những cơ hội này. Bên cạnh đó, khi chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại bị thách thức thì ASEAN lại là nơi mà xu thế tự do hóa thương mại có nền tảng vững chắc với việc ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế hội nhập nội bộ sâu, là đối tác trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn của thế giới.

Sự phát triển của kinh tế thế giới đang chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nước ASEAN, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao như Singapore, đã nắm bắt và có những chủ trương, chính sách phù hợp. Chủ đề sáng tạo của nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 (Singapore) cũng cho thấy ASEAN đã nắm bắt được xu hướng này và tiếp cận được phần nào.

Tuy nhiên, trước bức tranh nhiều gam màu “sáng” đó, kinh tế ASEAN cũng có nhiều thách thức. Đầu tiên cần phải đề cập đến trình độ phát triển về chất trong ASEAN còn hạn chế so với các nước phát triển, đây là thách thức mang tính lâu dài. Tiếp đó là tính không ổn định của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng trong những năm tới vẫn không thể loại trừ khả năng này.

Lịch sử cho thấy cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng, những năm 1970 là cuộc khủng hoảng dầu lửa, năm 1987 lại có cuộc khủng hoảng do thị trường chứng khoán của Mỹ rung lắc, các nước đều phải chịu tác động; năm 1997, bản thân ASEAN có cuộc khủng hoảng khu vực; năm 2008 cũng có cuộc khủng hoảng toàn cầu. Câu hỏi 10 năm tới có khủng hoảng hay không cũng là điều mà các nước phải lưu ý.

Thách thức còn lại chính là chủ nghĩa bảo hộ đang bùng phát và chiến tranh thương mại diễn ra khó lường. Đây đang và sẽ là thách thức rất lớn đòi hỏi có một cách tiếp cận linh hoạt của ASEAN.

Có lẽ, khi bên ngoài “sóng gió” như vậy thì nơi “cư trú” của ASEAN chính là bản thân nội khối ASEAN với một cộng đồng 600 triệu dân.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.