“Sóng ngầm” giữa hai thủ tướng Đức và Anh

Thứ Năm, 17/09/2015, 17:15
"Cameron at 10" (Ông Cameron ở số 10) - một cuốn tiểu sử về Thủ tướng Anh David Cameron mới ra mắt đã tiết lộ những cuộc gặp, câu chuyện nhiều tình tiết giữa ông và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel mà hầu như chưa từng xuất hiện trên mặt báo. Cuốn sách cũng hé lộ nhiều chi tiết thú vị về ông Cameron với tư cách là Thủ tướng nước Anh.

Những lần đối đầu

Trong một cuộc gặp, ông Cameron nói với bà Merkel rằng ông sẵn sàng cắt đứt quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu (EU) nếu đảng của ông không thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Ông Cameron thẳng thừng: "Nếu không có thỏa thuận nào và nếu đó không phải là tận cùng của thế giới, tôi sẽ rời bỏ EU".

Bà Merkel "vặc" lại trong một cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu, nói rằng nước Anh là "đứa con rắc rối của châu Âu". Bà cáo buộc ông Cameron hành động như "kẻ phá hoại" và điều đó sẽ khiến ông ta bị căm ghét. Nữ Thủ tướng còn giễu cợt tầm nhìn thành kiến với châu Âu của ông Cameron: "Người có tầm nhìn như ông ta nên gặp bác sĩ".

Lời đe dọa quay lưng lại với EU được đưa ra trong một bữa ăn tối tại Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing năm 2012. Bà Merkel rất ấn tượng với vị thủ tướng thượng lưu có sức hấp dẫn này và ngưỡng mộ phong thái tự tin cũng như phong cách của ông. Tuy nhiên, không khí giữa hai người vẫn luôn phảng phất sự căng thẳng. Bà không còn giận dữ như lúc đầu nhưng vẫn lo ngại khi ông Cameron quyết định rút đảng Bảo thủ khỏi EPP - nhóm Nghị viện châu Âu trung hữu chính thống - để chiều lòng những người có thành kiến với châu Âu trong đảng Bảo thủ.

Bà Merkel và ông Cameron.

Khi cơn giận qua đi, bà Merkel cho rằng vị thủ tướng Anh là người dễ đưa ra quyết định quá nhanh và cho rằng ông chưa nghĩ thấu đáo về vị trí của Anh với tư cách là nước không dùng đồng tiền chung.

Trong suốt năm 2012, ông Cameron chịu ngày càng nhiều áp lực về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU. Bà Merkel chính là chìa khóa của vấn đề. Để tìm kiếm sự ủng hộ của người phụ nữ này, ông Cameron đã mời bà tới ăn tối ở văn phòng vào ngày 7/11. Chủ nhà chào khách tại cửa trước và dẫn vào phòng uống rượu.

Rồi họ vào phòng ăn tối. Ông Cameron đã cho bà Merkel xem một phần trình diễn PowerPoint có một số phần bằng tiếng Đức và có ảnh hai ông bà ôm nhau. Mục đích là để tạo không khí thân mật, hài hước, dọn đường cho cuộc nói chuyện.

Tuy nhiên, cuộc nói chuyện diễn ra rất căng thẳng và không thể thỏa hiệp. Đó là cuộc nói chuyện thẳng thắn nhất giữa ông Cameron và bà Merkel. Bà cảnh báo ông nên cư xử đúng mực tại các cuộc họp của EU, không nên để bị coi là một kẻ phá hoại, là một người theo kiểu nước Anh đối đầu với những thành viên EU còn lại?

Sau khi ông Cameron kêu gọi bà Merkel ủng hộ đề nghị cải cách của mình, bà Merkel nói rằng EU sẽ lạc lối nếu không có nước Anh. Bà cho rằng ông Cameron nên "nghe lời khuyên của một phụ nữ có tuổi" và bớt hiếu chiến hơn. Bà nói: "Anh cứ biến anh thành kẻ đối lập rồi thì chúng tôi ai cũng ghét anh và cô lập anh".

Không chỉ cãi vã về vấn đề đi hay ở lại trong EU của Anh, hai nhà lãnh đạo còn đối đầu trong một loạt vấn đề liên quan tới vai trò của Anh ở châu Âu. Hai ông bà lại "hục hặc" với nhau năm 2014 quanh chuyện ông Jean-Claude Juncker được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Ông Cameron cáo buộc bà Merkel vì đã để ông thất vọng.

Sự tình là bà Merkel hứa tác động để ngăn cản việc ông Jean-Claude Juncker được bầu làm Chủ tịch EC nhưng lại "quên" thực hiện. Sau khi mọi quốc gia EU, trừ Anh và Hungary, đều ủng hộ ông Juncker, ông Cameron đã giễu cợt khi so sánh cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Ủy ban châu Âu với bộ phim về đấu sĩ La Mã Spartacus - người bị đóng đinh vào cây thập ác vì dẫn đầu một cuộc nổi dậy. Sau khi bị bắt, binh sĩ của Spartacus nhất quyết không phản bội ông mà đều tuyên bố "Tôi là Spartacus".

Ông Cameron làm việc vào lúc mọi người còn chưa dậy.

Với ông Cameron, ông đã nói với các phụ tá rằng cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch EC diễn ra kiểu như lãnh đạo nào cũng nhao nhao "Tôi ủng hộ ông Juncker, tôi cũng ủng hộ ông Juncker".

Trước đó, chủ đề chính trong mỗi cuộc thảo luận của ông Cameron và bà Merkel là cuộc khủng hoảng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hai lãnh đạo cũng mâu thuẫn khi Đức cân nhắc thay đổi Hiệp ước Lisbon để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng Eurozone. Ông Cameron nghĩ rằng mình đã thuyết phục được bà Merkel đồng ý bảo vệ ngành tài chính ở Anh.

Đối với ông Cameron, chiến lược của Anh phụ thuộc vào bà Merkel. Tuy nhiên, bà Merkel kết luận rằng bàn về lo ngại của Anh sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn - điều khiến ông Cameron rất tức giận.

Thời khắc căng thẳng

Ngoài mâu thuẫn giữa bộ đôi Cameron - Merkel, cuốn sách "Cameron at 10" cũng khắc họa quan điểm chính trị của ông Cameron cũng như cuộc sống riêng của ông. Theo cuốn sách, ông Cameron luôn quyết tâm thúc đẩy hai trong số những chính sách bị những người ủng hộ đảng Bảo thủ ghét nhất: hôn nhân đồng tính và tăng chi tiêu viện trợ nước ngoài.

Về hôn nhân đồng tính, Thủ tướng Cameron cho rằng ngăn cản người đồng tính có quyền bình đẳng là hành động nguyên thủy. Sự ủng hộ của ông Cameron về hôn nhân đồng tính đã khiến ông tranh luận tới đêm khuya với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi họ họp ở thành phố St. Petersburg (Nga). Ông Putin phàn nàn rằng chính sách hôn nhân đồng tính sẽ khiến người Nga không sinh đẻ cho nước Nga nữa?!

Về viện trợ nước ngoài, một lý do khiến ông Cameron cam kết tăng viện trợ nước ngoài là để "tránh chiến tranh với những nhân vật nổi tiếng" như Bob Geldof - một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng, đồng thời cũng là nhà hoạt động chính trị và là người thủ vai "Pink" trong bộ phim âm nhạc nổi tiếng "The Wall" của nhóm nhạc lừng danh Pink Floyd.

Một phụ tá của ông Cameron cho biết, ông thường mất bình tĩnh nếu bị chất vấn về vấn đề chi tiêu cho phát triển. Tại hội nghị G8 hồi tháng 7/2005, G8 đã cam kết chi một khoản tiền tương đương 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho công tác phát triển ở nước ngoài. Ông Cameron là một trong số ít người tích cực ủng hộ cam kết 0,7%. Trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng, ông Cameron thường xuyên chịu áp lực về vấn đề này. Đảng đối lập cho rằng nước Anh sẽ dư dả hơn nếu không phải chi khoản tiền trên.

Còn đối với ông Cameron, chi tiêu 0,7% cho phát triển ở nước ngoài là một cách để duy trì "quyền lực mềm" của Anh. Ông không muốn thất hứa, không muốn gây chiến tranh với các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có các nhân vật nổi tiếng như Bob Geldof.

Người viết bài phát biểu Clare Foges và ông David Cameron.

Một trong những quãng thời gian căng thẳng với ông Cameron là thời gian chờ đợi kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Lúc 15 giờ ngày 7/5/2015 - ngày bầu cử, người chuyên viết diễn văn cho ông Cameron là cô Clare Foges đã có mặt tại nhà của ông Cameron ở Dean, Oxfordshire. Ông Cameron yêu cầu cô viết ba bài diễn văn khác nhau.

Bài diễn văn đầu tiên sẽ được đọc trong trường hợp tốt nhất xảy ra là đảng Bảo thủ của ông có đủ ghế để thành lập liên minh với đảng Dân chủ Tự do hoặc đảng Hợp nhất Dân chủ. Bài thứ hai dành cho trường hợp Công đảng đứng sau đảng Bảo thủ nhưng tìm cách thành lập một phe đa số với đảng Dân tộc Scotland. Còn bài phát biểu thứ ba là ảm đạm nhất. Cô Foges nhanh chóng ghi lại những gì ông Cameron nói và biến thành một bài phát biểu.

Cuối buổi chiều hôm đó, ông Cameron cùng vợ và các quan chức khác đi dạo trong khu rừng gần nhà ông Cameron. Họ tiếp tục bàn về kết quả bầu cử và liên tục nhận tin nhắn, có tin thì báo cáo tình hình khả quan, tin thì bi quan khi nói Công đảng có vẻ giành được nhiều ghế. Có lúc, ông Cameron hỏi: "Các anh có chắc rằng chúng ta không cần một bài phát biểu số 0 chứ?". Ông Cameron muốn nói tới trường hợp đảng Bảo thủ giành thắng lợi với đa số tuyệt đối. Hỏi vậy nhưng ông Cameron luôn biết trong trường hợp xảy ra điều bất ngờ nhất, ông sẽ tự biết mình phải nói gì.

Sau đó, tất cả quay lại nhà ông Cameron và vào vườn ngồi uống rượu. Rồi ông Cameron nói: "Tôi sẽ đọc cho mọi người nghe bài phát biểu". Mọi người chợt im lặng. Họ đều biết rằng ông Cameron sẽ đọc bài phát biểu "nếu chúng ta thất bại".

Ông Cameron bắt đầu: "Rõ ràng là chúng tôi đã không thắng và tôi sẽ phải ra đi. Tôi sẽ gặp Nữ hoàng vào cuối buổi sáng nay. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ nói tôi đã thực hiện nhiệm vụ của tôi. Là Thủ tướng của đất nước này là công việc tốt nhất mà một người có thể có. Tôi chúc ông Ed Miliband và Justine thành công trong công việc đó. Cám ơn vì đã cho tôi cơ hội phục vụ. Tôi sẽ là lãnh đạo đảng cho đến tháng 7 nhưng sẽ không bình luận gì về người kế vị của tôi".

Trong lúc ông Cameron tập dượt bài phát biểu, mọi người ai nấy đều rất xúc động. Vài phụ tá còn ngân ngấn nước mắt. Ông Cameron tự bắt mình tin rằng ông sẽ không còn là thủ tướng trong 24 giờ tới. May mắn là ông Cameron đã không phải đọc bài phát biểu đó một lần nữa. Đảng của ông đã bất ngờ giành chiến thắng, trái ngược với kết quả điều tra trước bầu cử. Ông Cameron là Thủ tướng đầu tiên của đảng Bảo thủ chiến thắng nhiệm kỳ 2 kể từ sau thời bà Margaret Thatcher.

Cuốn sách cũng đề cập tới thói quen làm việc lạ lùng của ông Cameron - người có giờ giấc làm việc không giống ai. Mọi công việc của chính phủ cơ bản được ông Cameron giải quyết trong khoảng thời gian từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30 phút hàng ngày trên chiếc ghế dài trong căn hộ ở số 10, khi mà mọi người còn đang ngủ. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, ông Cameron chủ yếu dành để giải thích các quyết định mà ông đã đưa ra trước giờ ăn sáng.

Theo ông Anthony Seldon, tác giả cuốn tiểu sử và cũng là nhà viết tiểu sử chính trị lỗi lạc nhất ở Anh, ông Cameron rất điềm tĩnh, siêu thông minh, có đạo đức và chu đáo. Một lý do khiến ông Cameron luôn thoải mái và đúng mực là nhờ vợ ông, bà Samantha. Bà luôn tạo bình yên trong căn hộ ở số 10, một hòn đảo mà ông có thể ở cạnh gia đình. Ông thích cùng vợ ăn trưa và ăn tối. Đối với ông Cameron, ông khó mà che giấu được sự thật khi vợ có mặt.

Tuy nhiên, tác giả Seldon cũng không ngại vạch ra những sai lầm của vị thủ tướng này. Ông chỉ trích mạnh về chính sách đối ngoại của ông Cameron, đánh tơi bời cải cách hệ thống y tế của Anh. Dù vậy, ông Seldon cho rằng tình hình nước Anh ở thời điểm ông Cameron lên làm thủ tướng khó khăn hơn. Tựu trung, cuốn tiểu sử đánh giá rằng khi mới bước vào nhiệm kỳ thứ hai, ông Cameron đã thể hiện xuất sắc hơn vài người tiền nhiệm.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.