Sự cố hy hữu trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Đức

Thứ Sáu, 09/10/2015, 16:15
Theo lịch trình đã định, ngay sau khi tham dự các sự kiện quan trọng kỷ niệm 1/4 thế kỷ ngày nước Đức tái thống nhất, vào chiều ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel sẽ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Đức thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ.

Nhưng khi ra sân bay quốc tế Tegel ở thủ đô Berlin thì chiếc chuyên cơ đời mới của chính phủ đột nhiên gặp sự cố kỹ thuật, không thể bảo đảm an toàn cho chuyến hành trình xuyên lục địa, buộc phái đoàn chính khách cao cấp phải chuyển sang phương tiện vận tải khác, trở thành sự cố hy hữu chưa từng có trong 10 năm là người đứng đầu nội các qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp của Thủ tướng A. Merkel.

Tượng nữ thần Durga được phía Đức trao trả lại cho Ấn Độ.

Chiếc máy bay thay thế thuộc dạng phi cơ vận tải quân sự, nằm trong biên chế của lực lượng Luftwaffe (Không quân Đức) mang phiên hiệu A10-23, có tên gọi riêng là "Kurt Schumacher" để tưởng nhớ cố Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) K. Schumacher (1895-1952). Đây là chiếc máy bay chuyên vận chuyển binh sĩ Đức sang tham chiến tại chiến trường Afghanistan, nên không được trang bị các tiện nghi phổ biến như với phi cơ chở khách dân dụng, cũng như không có khoang đặc biệt dành cho vị nguyên thủ quốc gia nghỉ ngơi trên suốt chặng đường dài, được truyền thông Đức hài hước đặt cho biệt hiệu là "phi cơ thân gỗ".

Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, phái đoàn Chính phủ Đức còn mang theo một món quà đặc biệt để trao trả lại cho chính quyền Ấn Độ, thể hiện tiêu chí tôn trọng bản sắc văn hóa cội nguồn của các dân tộc. Đó là bức tượng Nữ thần Durga toàn năng trong tín ngưỡng Hindu giáo của người Ấn Độ, làm bằng đá vôi xanh nặng 80kg có niên đại 1.300 năm tuổi, từng bị bọn buôn lậu cổ vật đánh cắp khỏi một đền thờ ở Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ và mang ra nước ngoài.

Phái đoàn Chính phủ Đức lên máy bay quân sự tại sân bay Tegel.

Năm 2007, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện một chiếc container nặng 1,5 tấn, bên trong chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ đại bao gồm tranh, tượng, đồ thờ cúng... nhập lậu vào New York. Đứng tên người nhận là S. Kapoor đã nhanh chân tẩu thoát trước khi bị bắt giữ. Tiến hành khám xét nhà kho do đương sự sở hữu,  FBI đã tìm thấy số lượng khổng lồ các kiệt tác bị đánh cắp từ các nước đang phát triển, với tổng trị giá ước tính lên tới 107,6 triệu USD.

Theo lệnh truy nã đỏ của Tổ chức Hình sự Quốc tế (Interpol), ngày 30/10/2011 Cảnh sát Đức đã bắt được S. Kapoor tại sân bay Frankfurt, khi hắn chuẩn bị nhập cảnh vào nước này bằng hộ chiếu giả. Ngày 14/7/2012, kẻ buôn lậu cộm cán đã bị dẫn độ về Ấn Độ, chờ ngày ra tòa xét xử về các tội danh đánh cắp và tiêu thụ cổ vật phi pháp.

Được biết, ngay trước thềm cuộc hội đàm Liên Chính phủ đầu tiên chuyên về hợp tác kinh tế giữa hai phái đoàn, Thủ tướng  Merkel đã trịnh trọng trao lại bức tượng Nữ thần Durga cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Quang Long (theo Bild)
.
.