Sự “đáng yêu” của Gorbachov trong con mắt các nước phương Tây

Thứ Ba, 27/03/2007, 14:00
Gorbachov còn thiếu kinh nghiệm trong các “trò chơi chính trị” quốc tế nhưng lại quá tự tin về “sứ mệnh thay đổi trật tự thế giới “của mình. Các nước phương Tây đã lợi dụng sự cả tin đó để từng bước lấn dần và cuối cùng làm sụp đổ hoàn toàn Nhà nước Liên Xô…

Trong quan hệ quốc tế, vấn đề tin cậy lẫn nhau bao giờ cũng là một trong những vấn đề cơ bản nhất. Nhưng nếu cả tin quá mức hoặc nhầm vào các đối tác không đáng tin cậy thì lại thật nguy hiểm.

Một trong những tấm gương nhỡn tiền là việc các nước  phương Tây đã lợi dụng sự cả tin đến mức “ngây thơ” của Gorbachov để từng bước lấn dần và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Liên Xô với những hậu quả nặng nề còn tác động tiêu cực đến nước Nga hiện nay.

Quả thật, trong thời kỳ cải tổ và công khai, các nhà lãnh đạo Liên Xô mà trước hết là Gorbachov và tiếp đó là nước Nga thời kỳ hậu Xôviết dưới thời B.Eltsin đã quá tin cậy vào các nước phương Tây, quá tin vào những cam kết của  các nước  phương Tây về tình hữu nghị và tình thân lâu dài giữa Liên Xô và tiếp đó là  giữa nước Nga mới với phương Tây. Tuy nhiên, những lời cam kết đó suy cho cùng cũng là "lời nói gió bay".

Vào năm 1990, Thủ tướng Đức Helmut Kohl sang thăm chính thức Liên Xô. Ông được Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov tiếp tại thành phố Stavrapol. Thủ tướng Đức chuyển đến Gorbachov lời chào mừng nồng nhiệt của các nguyên thủ quốc gia nhóm “G-7”.

Đặc biệt, ông Kohl còn chuyển lời cam kết của đích  thân Tổng thống Mỹ George Bush-cha về việc Mỹ “mong muốn Tổng thống Gorbachov thành công” và cho biết là đến cuối năm Gorbachov sẽ nhận được câu trả lời tích cực về đề nghị của Gorbachov muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế và tài chính giữa Liên Xô với các nước phương Tây (cũng nên biết thêm là trong các hồi ký của mình, nhiều quan chức cao cấp của Mỹ thời đó đã giễu cợt sự cả tin của Gorbachov và khẳng định Mỹ không hề có ý định giúp Liên Xô).

Điều mỉa mai là ngay cả bây giờ Gorbachov vẫn tin rằng, như vậy ông ta đã “củng cố tình hữu nghị chính trị giữa Liên Xô và phương Tây bằng những cam kết cá nhân là phải trung thành với lời đã hứa và đưa yếu tố tình cảm vào chính trị”. Nhưng chỉ ít lâu sau đã có thể thấy rõ “lời đã hứa" và “yếu tố tình cảm”, không được cố định bằng bất kỳ văn bản quốc tế nghiêm túc nào, đã không đem lại điều gì tốt đẹp cho nền an ninh quốc gia của Liên Xô.

Ngày 18/5/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đến Moskva trước ngày Gorbachov lên đường sang thăm Mỹ. Baker cam kết với Gorbachov rằng chính sách của Chính phủ Mỹ “không nhằm tách Đông Âu ra khỏi Liên Xô”.

Như để tăng thêm vẻ tin cậy, Baker còn thấp giọng thừa nhận: “Trước đây, quả thật chúng tôi có chủ trương đó. Nhưng giờ đây, chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng một châu Âu ổn định và dự định thực hiện điều này cùng với Liên Xô”. Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với Gorbachov tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush-cha thực tế chỉ nhắc lại những lời nói đó của Ngoại trưởng Baker.

Tiếp đó, trong cuộc hội đàm với Gorbachov về tương lai của châu Âu sau khi thống nhất hai miền nước Đức, Tổng thống Pháp François Mitterrand cũng tuyên bố đồng ý với việc cả hai khối Hiệp ước Warsawa và NATO – “phải cải tổ theo hướng chính trị hóa, phải thay đổi các học thuyết quân sự của mình và tăng cường tiếp xúc với nhau”.

Tổng thống Pháp thậm chí còn nêu ý kiến rằng “tốt nhất là cùng giải thể” cả hai khối đó. Nhưng kết quả chỉ có khối Hiệp ước Warsawa giải thể, còn khối NATO thì không những không giải thể mà còn lớn mạnh và phát triển hơn nữa.

Lẽ tự nhiên là khi ấy, không một ai đề cập đến việc khối NATO mở rộng về phía đông. Ngược lại, các nhà lãnh đạo phương Tây khẳng định những tình cảm và ý định tốt đẹp nhất với Gorbachov, ra sức phỉnh nịnh tính kiêu hãnh của Gorbachov, ca ngợi ông ta là “nhà cải cách vĩ đại”, là người “thúc đẩy lịch sử thế giới”.

Để tăng thêm lòng tin của Gorbachov, ngày 17/5/1990, Tổng Thư ký NATO hồi ấy còn cam kết (nhưng cũng lại cam kết miệng) là không hề có chuyện NATO sẽ mở rộng về phía đông.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ và khối Hiệp ước Warsawa giải thể, quân đội Nga bắt đầu rút khỏi các quốc gia Đông Âu và nhất là sau cuộc chính biến ở Liên Xô nhằm lật đổ Gorbachov bất thành, ngày 27/9/1991, Tổng thống Bush-cha lớn tiếng tuyên bố Mỹ sẵn sàng cắt giảm và hủy bỏ hoàn toàn một số loại vũ khí chiến thuật, sẵn sàng đưa từ Tây Âu về Mỹ và hủy bỏ tất cả các đầu đạn pháo và đầu đạn tên lửa chiến thuật, sẵn sàng gỡ bỏ mọi vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi các tàu chiến của mình.

Trước thái độ “người lớn" ấy của Mỹ và cũng để khỏi “mắc nợ” Mỹ, ngày 5/10/1991, Gorbachov tuyên bố Liên Xô cũng sẵn sàng cắt giảm phần lớn kho vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Để thể hiện "thiện chí" của mình, Liên Xô đã nhất quán thực hiện mọi cam kết. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, Liên Xô đã rút toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật không những từ các nước Đông Âu mà còn từ Ukraina, KazakhstanBelarus.

Còn các nước phương Tây thì sao? Cho tới nay, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, vẫn còn tàng trữ từ 120 đến 450 quả bom nguyên tử của Mỹ mặc dù đó là sự vi phạm thô bạo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (chẳng thế mà vừa qua, trong hội nghị bàn về an ninh quốc tế tại Munich, Tổng thống Nga Putin đã thách thức tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cam đoan là Mỹ không giấu giếm các đầu đạn hạt nhân lẽ ra đã phải hủy bỏ nhưng lại cất giữ “trong kho, dưới gối và dưới chăn”. Bộ trưởng Gates chỉ còn cách im lặng).

Vào tháng 7/1991, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh nhóm “G-8” họp tại London từ chối giúp đỡ về tài chính cho Liên Xô, Tổng thống Bush-cha đã nói với trợ lý Crowford của mình như sau: “Ông ta (ý muốn nói Gorbachov) cứ như bị tiếng nổ làm điếc tai vậy, có phải thế không nhỉ? Thật hài hước... Tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu ông ta có bị mất cảm giác về hiện thực không?” Có lẽ chẳng cần bình luận gì thêm về nhận xét nói trên của Tổng thống Mỹ.

Hiển nhiên, Gorbachov còn thiếu kinh nghiệm trong các “trò chơi chính trị” quốc tế và nhất là quá tự tin về “sứ mệnh thay đổi trật tự thế giới “của ông ta, về khả năng của ông ta có thể buộc thế giới phải phát triển theo chiều hướng “tư duy mới” do ông ta đề xướng.

Chính vì thế mà vào thời điểm lịch sử đó, ông ta đã không nghĩ đến việc phải soạn thảo những văn bản có giá trị pháp luật để chính thức ràng buộc những lời hứa hẹn miệng của phương Tây.

Tất cả những lời hứa hẹn ấy giờ đây bị các nhà lãnh đạo phương Tây chối bỏ hoặc cho là không có giá trị. Kết quả là khối NATO đã tiến sát đến biên giới phía tây của nước Nga và ngày càng thành nguy cơ chính đe dọa nền an ninh của nước Nga

Vũ Việt (theo Rian.ru)
.
.