Tổng Biên tập tờ New York Times từ chức:

Sự ra đi bất ngờ của “đệ nhất phu nhân” làng báo Mỹ

Thứ Ba, 17/06/2014, 23:15

Tờ New York Times (Mỹ) mới đây bất ngờ tuyên bố thay đổi tổng biên tập, kết thúc "triều đại" của bà Jill Abramson - nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo có lịch sử hơn 160 năm này. Chủ tịch Công ty New York Times, Arthur O. Sulzberger Jr., không công bố lý do tại sao có sự thay đổi nhân sự quá đỗi bất ngờ đến vậy.

Trước đó đã có những tin đồn đoán về việc mối quan hệ của Abramson với cơ quan chủ quản của tờ báo nảy sinh nhiều mâu thuẫn vì chế độ đãi ngộ và chiến lược chiêu mộ nhân sự cấp cao. Ngoài ra, các nguồn tin thân cận cho rằng, bà Abramson ra đi là hệ quả từ sự mâu thuẫn âm ỉ kéo dài với chính những người đồng nghiệp.

Kẻ thách thức và thay đổi thời thế

New York Times là một trong những tờ báo lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới. "Quý bà xám" (Gray Lady) - biệt danh của tờ báo - luôn đặt ra chuẩn mực chất lượng cho báo chí thế giới. Tuy nhiên, lịch sử huy hoàng của tờ báo khổng lồ này từng nhuốm vết nhơ là nơi mà vai trò của người phụ nữ luôn bị xem nhẹ. Chính vì thế, khi Chủ tịch Arthur O. Sulzberger Jr. công bố Jill Abramson sẽ đảm nhận vai trò tổng biên tập của tờ báo, không ít nhà báo nữ đã hò reo vui mừng.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, "Quý bà xám" được lãnh đạo bởi một quý bà thực sự: "Đệ nhất phu nhân" Jill Abramson - một nhà báo, biên tập viên kỳ cựu và là một người luôn đấu tranh cho nữ quyền.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố New York, Jill Abramson đam mê theo đuổi nghề báo ngay từ thời còn học tại Đại học Harvard. Nhà báo nữ trẻ tuổi Jill Abramson nổi tiếng với tài năng, những ý tưởng sáng tạo qua các bài viết tuyệt vời và một ý chí vô cùng kiên định, sẵn sàng bảo vệ chính kiến tới cùng. Bà yêu thích loại bài "sâu sắc, điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng, dẫn dắt độc giả đến hậu trường".

Khi Maureen Dowd, một cây bút nổi tiếng của tờ New York Times, hỏi xem có nhà báo nữ nào xuất chúng mà bà có thể mời về làm cho tờ báo này không, bà trả lời: "Có! Tôi!". Thế là Jill Abramson bắt đầu làm việc tại "Quý bà xám", nơi sự nghiệp của bà gặp không ít thăng trầm.

Năm 1997, bà đến New York Times và cùng với đồng nghiệp viết loạt bài về vụ tai tiếng của Tổng thống Clinton với cô thực tập sinh Lewinsky. Mạng lưới bảo thủ bị bà phanh phui với những dẫn chứng giúp Kenneth Starr, người đặc trách điều tra vụ đó, thúc đẩy các thủ tục hạ bệ Clinton.

Lĩnh vực bà ưa thích nhất là mối quan hệ quyền lực, tiền bạc và đôi khi cả với tình dục trong chính trường và ảnh hưởng ngầm của giới luật sư, vận động hành lang. Đồng nghiệp nhận xét điểm mạnh của bà là "biết cách tư duy vòng qua chỗ rẽ". Bà rất giỏi truy tìm động cơ của đối tượng, đào bới để hiểu được cốt lõi sâu xa của một câu chuyện.

Thời gian đầu tại New York Times, Jill Abramson giành được sự nể phục và yêu mến của các đồng nghiệp nhờ sự nhanh nhạy với thông tin, tài lãnh đạo cùng cá tính "rắn như thép". Trước kia, ai muốn leo lên ngai tờ báo đầy quyền lực này phải là đàn ông và từng làm nửa đời người ở đây. Nhưng Abramson làm được điều đó chỉ sau 15 năm.

Con đường phát triển của bà ở New York Times toàn những chữ "đầu tiên": nữ Giám đốc Văn phòng Washington đầu tiên, nữ Trưởng ban Tin tức đầu tiên và nữ Tổng biên tập đầu tiên.

Khi bà mới nhậm chức Tổng biên tập, các nhà báo tại New York Times lo lắng rằng Jill Abramson, một người thường bị cho là rất kiêu hãnh và kiên định, sẽ là một lãnh đạo cứng nhắc. Nhưng ngày đầu tiên nhậm chức, bà đã làm một việc khiến tất cả phải ngạc nhiên: đích thân bước xuống nói chuyện thân mật với từng phòng, ban của tờ báo.

Bà thú nhận về tính cách cứng cỏi, không có vẻ thân thiện với người khác, nhưng hứa sẽ luôn luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới và theo sát từng cá nhân hơn. Điều này trái với cách cầm quyền "chỉ tay năm ngón" độc tài vốn là truyền thống của New York Times. Jill Abramson đã thổi một luồng gió mới vào "Quý bà xám", một không khí được các nhà báo tại đây hưởng ứng.

Chỉ trong một thời gian ngắn lên nắm quyền, Jill Abramson đã thực hiện liên tiếp những cuộc cải cách mà chưa một tổng biên tập nào từng làm. Bà tìm cách chuẩn bị cho một thế hệ lãnh đạo mới trẻ trung hơn. Đáng nể nhất là bà đã thực hiện công cuộc số hóa tờ báo. Bà nhanh chóng hợp nhất hoạt động của ban báo mạng và các ban báo in, giúp cho việc đưa tin giữa website www.nytimes.com và tờ báo giấy được đồng nhất, suôn sẻ.

Tuy không tự coi mình là người xuất sắc, nhưng những hiểu biết của bà vượt trội người khác về các lĩnh vực rất có lợi cho sự nghiệp của bà. Bà luôn sẵn sàng tìm hiểu những lĩnh vực mới, để không bao giờ có cảm giác bị tụt hậu. Jill Abramson muốn tờ New York Times phải sẵn sàng để có thể đưa thêm nhiều thông tin khác bao gồm video, các loại hình ảnh tương tác và có mặt trên nhiều thiết bị khác nhau.

Chính nhờ những nỗ lực của bà, "Quý bà xám" được cứu khỏi cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ khi phải cạnh tranh với truyền thông mạng, không bị rơi vào tình trạng giảm doanh thu nặng nề như nhiều tờ báo in khác. Thành tích này đã đưa Jill Abramson trở thành Tổng biên tập quyền lực nhất thế giới và cũng là người phụ nữ quyền lực nhất ngành truyền thông.

Jill Abramson đã thực hiện liên tiếp những cuộc cải cách, thổi một luồng gió mới vào "Quý bà xám" New York Times và được mọi người hưởng ứng.

Nhiều đồng nghiệp tại Phòng Tin tức của New York Times nhận xét rằng, Abramson là một người có bản năng tuyệt vời với tin tức. Bà đặc biệt nhạy bén với những câu chuyện từ Washington và diễn biến những câu chuyện chính trị. Họ cũng miêu tả bà Abramson như một người sắc sảo và khó đoán, một người vắng mặt ở Phòng Tin tức nhiều hơn mức cho phép. Khác với người tiền nhiệm luôn điềm tĩnh trong các cuộc họp, Abramson không biết sợ và rất thẳng thắn, đưa ra những câu hỏi như một chuyên gia xét hỏi. Nếu không quan tâm đến câu chuyện, bà ngắt lời ngay.

Trong khi các đồng nghiệp nhất trí rằng thật khó khi làm việc cùng với bà, họ cũng thừa nhận một khía cạnh khác. Họ rất ấn tượng về hiểu biết chuyên môn và trí nhớ tuyệt vời của bà, cho rằng Abramson là một người cực kỳ tử tế và đặc biệt khuyến khích các cô gái trẻ trong Phòng Tin tức. Nói cách khác, Abramson là một người phức tạp, có lẽ phù hợp với vai trò một phóng viên điều tra hơn là lãnh đạo một phòng tin tức lớn trong thời hiện đại.

Chấm dứt một triều đại

Jill Abramson nổi danh là một nữ chiến binh lạnh lùng trước hết trong các cuộc đấu tranh nội bộ. Tháng 9/2001, Howell Raines trở thành Tổng biên tập New York Times - một người đàn ông sôi sùng sục và hay cáu bẳn. Raines với bản tính bốc đồng, xông xáo, có vẻ như là một lựa chọn tuyệt vời cho thời kỳ bấn loạn 11/9 tại Mỹ; nhưng tính cách khinh người và vị kỷ của ông đã tạo áp lực nặng nề lên nhân viên của New York Times. Abramson, khác với các đồng nghiệp của mình, không chịu nhượng bộ cách lãnh đạo độc tài của Raines.

Nhiều tin đồn cho rằng Jill Abramson từ chức là do mâu thuẫn cá nhân với đồng nghiệp Dean Baquet (trái) hay phải nhận mức lương thấp hơn người tiền nhiệm Bill Keller (phải).

Ông này cho rằng Abramson quá chậm chạp, còn bà cho rằng Tổng biên tập can thiệp vào công việc hàng ngày của bà. Dĩ nhiên, điều này làm Howell Raines bực mình và càng gây áp lực đối với Abramson. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, bà phải chịu đựng một lãnh đạo không chấp nhận mình. Bà đem sự việc này than phiền với chủ tịch của New York Times, một việc mà ít ai dám làm.

Abramson thẳng thắn ra điều kiện, nếu Howell Raines không chịu nới lỏng "sự kìm kẹp", bà sẽ từ chức. Khi ông chủ Arthur O. Sulzberger Jr. hỏi phải làm gì để bà được hạnh phúc, thì Abramson tuyên bố: "Chỉ cần giữ cho đế giày của Howell Raines không đụng đến mông tôi!".

Không lâu sau đó, Raines vướng phải bê bối về một loạt các tin tức thiếu kiểm chứng, cộng với nhiều than phiền từ các biên tập viên hay phóng viên, và bị buộc phải từ chức. Bill Keller lên làm tổng biên tập mới và chọn Jill Abramson làm quản lý biên tập viên. Jill Abramson được các đồng nghiệp của mình ca tụng là người có dũng khí đứng lên chống lại Howell Raines.

Khi Bill Keller thoái vị để quay về viết báo, Jill Abramson được chọn làm tổng biên tập mới với sự ủng hộ của cả hội đồng quản trị tờ báo và nhân viên. "Triều đại" của "Đệ nhất phu nhân" chính thức bắt đầu từ năm 2011.

Vậy nhưng, 3 năm sau, bà phải đột ngột rời bỏ vị trí cũng bởi một cuộc đấu nội bộ. Có nhiều tin đồn ngay bên trong tờ báo cho rằng việc ra đi của bà Abramson là hệ quả tất yếu từ những rạn nứt không thể hàn gắn với người đồng nghiệp - và cũng là người kế nhiệm vị trí tổng biên tập - Dean Baquet. Ông Baquet từng liên tục đổ lỗi cho phong cách lãnh đạo "yếu ớt, thiếu kiên định" của bà Abramson. Mâu thuẫn lên cao khi Abramson bị cáo buộc bí mật chia bè, kéo phái nhằm củng cố vị trí và "hất cẳng" những đối thủ đang nhăm nhe chiếc ghế cao nhất tờ New York Times.

Dean Baquet dường như nổi khùng khi biết chính Abramson đã mời biên tập viên kỳ cựu của tờ The Guardian, Janine Gibson, cộng tác trong một chuyên mục mà không hỏi ý kiến từ ông. Và sự thật thì, Janine Gibson được Abramson khéo léo chia sẻ công việc quản lý tờ New York Times phiên bản điện tử, khiến Dean Baquet phải đưa vụ việc kiến nghị lên Chủ tịch Arthur O. Sulzberger Jr.

Có lẽ Dean Baquet là cá nhân duy nhất chỉ trích Jill Abramson vì những bất đồng bà từng vô tình gây ra trong tòa soạn, và những lựa chọn nhân sự không tốt. Hầu hết các nhân vật chủ chốt quản lý các chuyên mục đều ra đi chỉ sau vài tháng làm việc, chưa kể tới chất lượng tin bài cũng thiếu ổn định, và cần phải "thêm nhiều gia vị hơn nữa nếu muốn níu kéo độc giả trong bối cảnh thị trường hiện nay".

Quan hệ rạn nứt khi  Dean Baquet biết rằng Chủ tịch Sulzberger đang tác động để thay đổi bà Abramson theo hướng tích cực. Người trong tòa soạn không còn lạ lẫm với thái độ "phản đối công khai" của Dean Baquet khi Abramson được bổ nhiệm chức tổng biên tập. Ông từng đấm vào tường trong một buổi họp báo do bà Abramson làm chủ tọa, hay tỏ ý không phục và lên tiếng cãi cọ nhiều lần trao đổi công việc với "sếp bà".

Một số bài báo khác cho rằng một phần lý do bà Abramson bị sa thải có lẽ bởi bà đã thay thế một cách có hệ thống các biên tập viên nam bằng các biên tập viên nữ. Thời điểm tháng 8/2011 khi bà Abramson nhậm chức tổng biên tập, chỉ có 1 biên tập viên nữ trong tổng số 8 biên tập viên hàng đầu của Phòng Tin tức. Đến tháng 1/2014, số biên tập viên nữ đứng mục đã lên tới 4.

Trong khi đó, có nguồn tin lại khẳng định rằng Jill Abramson bị sa thải sau khi khám phá ra rằng mình được trả lương và phúc lợi thấp hơn người tiền nhiệm, và yêu cầu tờ báo thay đổi. Theo đó, bà phải nhận lương thấp hơn người tiền nhiệm của mình - Bill Keller - hơn 100.000  USD/năm. Khi bắt đầu ngồi vào ghế tổng biên tập, bà chỉ được nhận 475.000 USD/năm trong khi lương của Keller năm đó đã là 559.000 USD. Bà chỉ được tăng lương lên 525.000 USD/năm sau khi "đấu tranh" với cơ quan chủ quản. 

Khi tất cả các thông tin này được công bố, New York Times đã phải đối mặt với vô số lời chỉ trích bất bình đẳng giới trong chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, Chủ tịch Sulzberger đã thẳng thừng phủ nhận tất cả các thông tin trên. Ông nói rằng: "Những báo cáo đó không đúng. Trên thực tế, lương của Abramson cao hơn người tiền nhiệm Keller tới 10% trong năm cuối cùng bà giữ ghế tổng biên tập ở New York Times".

Đồng thời, ông chủ của tờ báo cho biết Jill Abramson đã "đánh mất sự hỗ trợ của các đồng nghiệp và điều đó không thể nào khôi phục lại". Vị Chủ tịch cho biết đã trao đổi với các nhân viên Phòng Tin tức và nhận định: "Thực ra, tất cả mọi người đều hiểu rõ lý do tại sao tôi quyết định sa thải Jill Abramson"…

Anh Doãn - Hồng Hạnh (tổng hợp)
.
.