Tân Thủ tướng Narendra mở ra một kỷ nguyên mới cho Ấn Độ?

Thứ Hai, 16/06/2014, 17:15

Vài ngày trước lễ nhậm chức (26/5), Thủ tướng mới đắc cử Narendra Modi đã có bài phát biểu đầu tiên trước toàn thể Lok Sabha (Quốc hội) mới được bầu. Bài phát biểu được đánh giá là rất cảm động khi ông Modi ràn rụa nước mắt kể lại xuất thân thấp hèn và con đường phấn đấu đi lên của mình suốt mấy chục năm qua. Trước đó, ông đã khiến mọi người sững sờ bằng hành động quỳ xuống sụp lạy ngay trước tiền sảnh hội trường Quốc hội - một hành động đầy xúc cảm của một người từ tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ bước lên đỉnh cao quyền lực, với vinh quang rực rỡ nhất trong 30 năm qua.

Năm nay 64 tuổi, Narendra Modi sinh trưởng tại bang Bombay (cũ), nay là bang Gujarat, là con một người bán chè. Tuổi thơ nghèo khó không ngăn được Modi theo đuổi con đường học hành, vừa bán nước chè, vừa theo học môn khoa học chính trị tại Trường đại học Delhi. Ông lần lượt lấy bằng cử nhân, rồi sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học chính trị Đại học Gujarat.

Tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong Modi được khởi nguồn từ khi ông lên 10 tuổi, bắt đầu tham gia các cuộc họp mặt của Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) - phong trào tình nguyện quốc gia lớn nhất và ảnh hưởng mạnh nhất, bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa, từng bị cấm hoạt động 3 lần ở Ấn Độ. Khi gia nhập RSS, Modi làm việc phục vụ quét dọn phòng cho các quan chức cao cấp của tổ chức này.

Năm 1987, khi được giới thiệu gia nhập đảng Bharatya Janata (BJP), Modi bắt đầu vạch cho mình con đường đi riêng, lần lượt qua mặt từng đối thủ một trên con đường thăng tiến của mình. Năm 2001, ông được bầu làm Thủ hiến bang Gujarat và liên tiếp giành chiến thắng trong 3 lần tái ứng cử, chủ yếu nhờ vào thành tích ấn tượng của ông là lèo lái kinh tế Gujarat tăng trưởng tốt trong nhiều năm liền.

Narendra Modi, gương mặt mới sẽ mang lại sự thay đổi cho Ấn Độ?

"Làn sóng Modi" bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, khi Ấn Độ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội. Từ các cuộc bầu cử địa phương đã cho thấy sự trỗi dậy của Modi và thành viên đảng BJP không chỉ tại các bang "nhà" của đảng này, mà còn cả ở thủ đô New Delhi.

Sau 10 năm sống dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc đại, kinh tế đang ngày càng khó khăn (tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đã giảm mạnh, từ 10% vào năm 2009 xuống chỉ còn khoảng 4% trong năm nay), cộng với các chính sách thuế và cải cách kinh tế của cựu Thủ tướng Manmohan Singh đã làm chậm đà phát triển của kinh tế, gây khó khăn cho đời sống, khiến các tầng lớp dân thành thị cho đến dân nghèo ở nông thôn đều mong muốn một sự thay đổi.

Trên phương diện đối ngoại, sự kiện Modi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ có ý nghĩa vừa là cơ hội vừa là thách thức cho quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ với Mỹ và Pakistan. Giọng điệu gay gắt nhắm vào Pakistan và Bangladesh trong quá trình vận động tranh cử của Modi đã khiến cho nhiều người lo ngại việc ông lên nắm quyền sẽ càng khiến cho quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong khu vực càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, trong những ngày chuẩn bị cho lễ nhậm chức, chính Modi đã làm mọi người ngạc nhiên bằng cử chỉ mời Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cùng tất cả nguyên thủ của các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Nam Á vì hợp tác và phát triển (SAARC) đến dự lễ. Nawaz Sharif đã đáp lại bằng sự hiện diện trong lễ nhậm chức và chúc mừng tân Thủ tướng Modi hôm 26/5. Đáng chú ý là hai bên đã có một cuộc trao đổi dài 50 phút xung quanh nhiều vấn đề chung.

Giới phân tích đánh giá đây là một dấu hiệu lạc quan cho mối quan hệ của 2 nước láng giềng vốn đã lạnh nhạt từ sau vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Mumbai năm 2008 đến nay. Và kết quả của cuộc nói chuyện đó là tạo ra một cơ hội cải thiện quan hệ song phương khi ngoại trưởng hai nước sẽ có những cuộc tiếp xúc trong thời gian tới.

Tân Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan "tay bắt mặt mừng" tại lễ nhậm chức.

Ở một phương trời khác, việc Modi lên nhậm chức cũng đang tạo ra cơ hội "hâm nóng" quan hệ Mỹ - Ấn vốn đã "lình xình" trong vài năm gần đây. Năm 1998, Mỹ cấm vận kinh tế Ấn Độ vì nước này thử bom hạt nhân. Nhưng dưới thời Tổng thống George W. Bush, quan hệ hai nước đã được hâm nóng lại với việc Tổng thống W.Bush bất ngờ ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự lẫn quân sự. Năm 2010, Tổng thống Barack Obama tiếp tục khẳng định mối quan hệ Mỹ - Ấn là "một trong những đối tác quan trọng trong thế kỷ XXI".

Đó là những gì diễn ra trong giai đoạn 10 năm đảng Quốc đại cầm quyền, với Manmohan làm Thủ tướng. Nhưng với Modi, tình hình có vẻ không phải thế. Quá khứ dân tộc chủ nghĩa của Modi là thứ mà giới chính khách Mỹ e ngại nhất.

Quả thật thế, ngay sau khi đảng Modi dẫn đắt BJP giành chiến thắng vang dội hôm 16/5, chỉ có Tổng thống Obama gọi điện chúc mừng và Ngoại trưởng John Kerry gửi lời chúc trên mạng xã hội Twitter với tư cách xã giao. Báo chí Mỹ rất quan tâm đến thái độ của ông Modi đối với những tín hiệu được phát đi từ Washington, và hiện nay chưa thấy Modi có cử chỉ nào để gọi là "hồi đáp".

Cho đến nay, Modi vẫn chưa quên việc mình bị Mỹ đối xử thô bạo như thế nào. Vào năm 2005, Thủ hiến Gujarat Nanrendra Modi đã bị nước Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh với cáo buộc ông vi phạm "tự do tôn giáo" do trách nhiệm của ông trong vụ bạo loạn năm 2002 tại bang Gujarat làm chết 1.000 người Hồi giáo và 59 người Hindu. Sự mất mặt đó thật khó có thể xóa đi trong thời gian ngắn

An Châu (tổng hợp)
.
.