Tân Tổng thống Nam Phi với nhiệm vụ chống tham nhũng

Thứ Ba, 06/03/2018, 14:25
Ngày 26-2, tức 11 ngày sau khi nhậm chức Tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa đã công bố danh sách thành viên nội các mới của chính phủ, trong đó ông giữ lại một số người từng làm việc dưới thời người tiền nhiệm, đồng thời bổ sung những nhân tố mới.

Điều người dân Nam Phi trông đợi nhất, cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Ramaphosa, chính là những thay đổi, kể cả công cuộc chống tham nhũng mà ông đã từng tuyên bố khi ông vận động tranh chức lãnh đạo đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC).

Nội các mới: Nỗ lực cân bằng quyền lực giữa các phe phái

Danh sách nội các mà Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố hôm 26-2 được cho là một nỗ lực cân bằng quyền lực giữa các phe phái kình chống nhau trong nội bộ đảng ANC. Nhìn vào danh sách nội các này, người ta thấy ảnh hưởng của cựu Tổng thống Jacob Zuma vẫn còn hiện hữu, mặc dù ông đã buộc phải từ chức hôm 14-2.

Giới phân tích đã chỉ ra, có rất đông thành viên nội các mới là người ủng hộ ông Zuma, chỉ một số vị trí quan trọng được bố trí người không thuộc phái Zuma mà thôi. Điều này khiến cho ban lãnh đạo ANC cũng như nhiều người dân Nam Phi không mấy hào hứng.

Một trong những cái tên nổi bật được nêu trong danh sách nội các chính là cựu Bộ trưởng Tài chính Nhlanhla Nene, một biểu tượng được nhiều người mến mộ bị ông Zuma cách chức năm 2015 vì không cùng phe cánh. Nene được Ramaphosa bổ nhiệm vào vị trí cũ là một tín hiệu của sự chỉnh đốn lại những bước đi sai lầm thời Zuma.

Bên cạnh đó, một cái tên khác cũng được nhiều người hâm mộ là Pravin Gordhan, người thường xuyên bất đồng quan điểm với ông Zuma nên đã bị ông cách chức hồi tháng 4-2017. Gordhan được ông Ramaphosa giao trọng trách ở Bộ Doanh nghiệp công, một vị trí hết sức nhạy cảm, là khởi nguồn của tham nhũng trong Chính phủ Nam Phi bấy lâu nay.

Bằng cách đưa vào nội các những người từng bị ông Zuma sa thải bên cạnh những người cũ của Zuma, Ramaphosa muốn nhấn mạnh quan điểm của mình là tạo sự ổn định và tính liên tục trong chính phủ mới.

Tuy nhiên, việc giữ lại những người cũ, nhất là những người từng dính líu đến tham nhũng trong nội các cũ đang gây ra những phản ứng tiêu cực trong ban lãnh đạo ANC cũng như trong xã hội. Một điển hình là việc bổ nhiệm ông David Mabuza vào chức Phó Tổng thống.

Từng là đồng minh lâu năm của ông Zuma, trong cuộc bầu cử lãnh đạo ANC tháng 12-2017, Mabuza đột nhiên “đổi cánh”, quay sang ủng hộ Ramaphosa khiến cho cán cân phiếu bầu nghiêng về Ramaphosa, giúp ông giành chiến thắng. Cho nên, giới phân tích cho rằng “Ramaphosa không thể làm Tổng thống Nam Phi nếu không nhờ Mabuza”, và việc ông Ramaphosa cho Mabuza làm phó tướng của mình được xem là để “thưởng công” ông này.

Tân Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi nhậm chức.

Nhưng Mabuza cũng mang tai tiếng khi còn làm tỉnh trưởng tỉnh Mpumalanga. Ông ta có tiếng lãnh đạo bằng “nắm đấm sắt”, đồng thời cũng bị cáo buộc tham nhũng triền miên. Tỉnh Mpumalanga do ông ta lãnh đạo trong nhiều năm là tâm điểm của tình trạng giết người mang động cơ chính trị. Từ chỗ đó, giới phân tích nhận xét việc bổ nhiệm Mabuza làm Phó Tổng thống có thể làm hỏng cam kết chống tham nhũng của ông Ramaphosa.

Hy vọng một bình minh mới sẽ hé rạng

Năm nay 66 tuổi, Ramaphosa không là cái tên lạ trên chính trường Nam Phi. Từng tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid bên cạnh lãnh tụ giải phóng dân tộc Nelson Mandela, Ramaphosa được tung hô như một trong những người hùng của dân tộc Nam Phi.

Là người có tài tổ chức, Ramaphosa được ông Mandela tin cậy giao cho vai trò nhà đàm phán chủ chốt trong tiến trình đàm phán dẫn đến thỏa thuận chấm dứt chủ nghĩa Apartheid một cách hòa bình, giúp cuộc chiến giải phóng dân tộc ở Nam Phi thành công không tiếng súng.

Khi thoái vị vào năm 1999, ông Mandela đã thúc đẩy việc đề cử Ramaphosa làm người kế thừa trên cương vị lãnh đạo đảng ANC và Tổng thống Nam Phi. Tuy nhiên, do Ramaphosa khi đó còn khá trẻ, trong khi vẫn còn nhiều thành viên kỳ cựu của đảng ANC, những người cũng từng vào sinh ra tử cùng ông Mandela, đang chờ đến lượt mình lên lãnh đạo đất nước. Vì thế Ramaphosa đã không được chọn, thay vào đó là ông Thabo Mbeki được chọn lãnh đạo ANC và đất nước Nam Phi.

Sau Thabo Mbeki, đến lượt ông Jacob Zuma giành quyền lãnh đạo đất nước. Ramaphosa tiếp tục kiên nhẫn chờ thời cơ. Thời cơ ấy bắt đầu xuất hiện khi ông được ông Zuma bổ nhiệm làm Phó Tổng thống vào năm 2014, nhưng Ramaphosa tiếp tục thể hiện thái độ kiên nhẫn tuyệt đối, hoàn toàn không thể hiện bất cứ thái độ nào, kể cả việc hé môi nói nửa lời về những việc làm của ông Zuma. Việc này không phải ai cũng làm được.

Tháng 12-2017, Ramaphosa được bầu làm lãnh đạo đảng ANC, đánh bại ứng viên do ông Zuma đề cử. Mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông Zuma còn hơn một năm nữa mới kết thúc, nhưng quá nhiều bê bối, tai tiếng đã làm cho ông Zuma không còn hiệu lực lãnh đạo đất nước. Vì vậy, Ramaphosa quyết định đẩy ông Zuma ra đi sớm.

Trong bài phát biểu “thông điệp quốc gia” hôm 16-2, một ngày sau khi nhậm chức (15-2), Tổng thống Ramaphosa nói đến “một bình minh mới” đang hé rạng trên đất nước Nam Phi, ám chỉ một sự khởi đầu mới với việc ông lên làm tổng thống và những thay đổi mà ông cam kết sẽ thực hiện. Trong những nhiệm vụ mà ông cam kết thực hiện trước khi lên lãnh đạo đất nước, nhiệm vụ chống tham nhũng được đặt làm ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là vấn nạn được không chỉ giới chính trị mà cả người dân Nam Phi đều rất quan tâm.

Nhưng chống tham nhũng như thế nào, và liệu ông có thực hiện triệt để hay không là những câu hỏi mà các chính khách đối lập và người dân Nam Phi đang đặt ra với Ramaphosa. Sự im lặng khó hiểu của ông trước tình trạng tham nhũng trong giai đoạn 4 năm làm phó tướng cho ông Zuma là một trong những vấn đề nhiều người muốn chất vấn ông.

Đó là chưa kể việc bổ nhiệm một người bị cáo buộc tham nhũng dai dẳng như Mabuza làm Phó Tổng thống cũng là một hành động làm giảm sự tin cậy của người dân Nam Phi đối với quyết tâm chống tham nhũng của ông.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.