Tân nội các Iran: Cân bằng lực lượng giữa các phe phái

Thứ Sáu, 28/08/2009, 13:45
Tuyên bố hôm 16/8 vừa qua  của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thực sự khiến chính trường Tehran sôi động hẳn lên bởi lần đầu tiên trong lịch sử, nội các mới sẽ có thành viên nữ và điều này chắc chắn tác động không nhỏ tới những biến động hiện nay tại Iran.

Những thay đổi chưa từng có

Theo tuyên bố của ông Mahmoud Ahmadinejad, tân nội các sẽ có ít nhất 3 "bóng hồng". Đây là điều chưa từng diễn ra trong lịch sử 30 năm của Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Với tuyên bố kể trên, bà Fatemeh Ajorlu sẽ là Bộ trưởng An sinh Xã hội, bà Marzieh Vahid Dastgerdi sẽ là Bộ trưởng Y tế. Danh tính của "bóng hồng" thứ 3 được chính thức đề cập trong bản danh sách trình Quốc hội ngày 19/8. Dự kiến, Bộ trưởng Dầu khí sẽ là một phụ nữ.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố, các Bộ trưởng được lựa chọn đều dựa trên cơ sở đạo đức, có năng lực làm việc và tinh thần đoàn kết, hợp tác cao. Giới bình luận coi đây là một nỗ lực tích cực nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trên chính trường Iran của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Dự kiến, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili sẽ trở thành tân Ngoại trưởng, thay thế người tiền nhiệm Manouchehr Mottaki. Bộ trưởng Quốc phòng Mostafa Mohammad Najjar và Bộ trưởng Nội vụ Sadeq Mahsouli sẽ hoán đổi vị trí cho nhau.

Theo truyền hình Nhà nước Iran, ông Hojatoleslam Larijani, em trai Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani đã được Đại giáo chủ Ali Khamenei bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, thay thế người tiền nhiệm Mahmoud Shahrudi. Dư luận rất quan tâm tới bản danh sách nội các mới bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, bị nhiều người phản đối, nhất là những người thủ cựu và từng có thành kiến với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Thứ hai, tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh chính trường bất ổn.

Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 12/6, nhưng phe đối lập vẫn đã và đang chỉ trích Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Việc này đã mở màn cho một loạt cuộc biểu tình diễn ra, dẫn tới khủng hoảng chính trị. Thứ ba, nhiều người bị bắt, xét xử với những tội danh khác nhau.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cam kết, sẽ bổ nhiệm những người trẻ tuổi vào nội các. Tuy nhiên, việc này đã đi ngược lại khuyến nghị của nhiều nghị sĩ. Giới truyền thông cho rằng, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang gặp phải sự phản đối của nhiều giáo sĩ bảo thủ, trong đó đáng chú ý là Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Việc ra đi của Phó tổng thống thứ nhất Esfandiar Rahim Mashai là minh chứng rõ nhất cho nhận định này. Sau khi để ông Mashai đảm trách ghế Chánh văn phòng Tổng thống, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã cách chức Giám đốc Tình báo (Bộ trưởng Tình báo) Gholam Hossein Mohseni Ejeie, thân tín của Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Tạo thế cân bằng cả trong và ngoài nước

Tại lễ nhậm chức hôm 5/8, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã yêu cầu đoàn kết quốc gia, lên án sự can thiệp của nước ngoài và cam kết chống lại bất cứ hành động vi phạm và can thiệp nào.

Nhiều người cho rằng, những rạn nứt hiện nay trên chính trường chính là hình thức của cuộc đấu tranh giữa phe cải cách mà đại diện là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang bị tước bớt đặc quyền, đặc lợi với phe bảo thủ, với đại diện là những giáo sĩ thủ cựu. Do đó, việc thành lập tân chính phủ sẽ gặp khó khăn.

Thậm chí có người còn tính tới khả năng Quốc hội không thông qua thành phần nội các do Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đề xuất. Tuy có một số bất đồng trong nội bộ, nhưng Chính phủ Tehran và phe đối lập đều có tiếng nói chung trong việc đưa Iran trở thành cường quốc trong khu vực, ủng hộ Hezbollah ở Syria, Hamas ở Gaza, người Shiite ở Iraq, Afghanistan.

Tehran không thể bỏ qua những động thái bên ngoài lãnh thổ bởi việc này đang tác động tới chính trường Iran. Việc Thổ Nhĩ Kỳ không những sẵn sàng làm trung gian hòa giải mối quan hệ Israel - Syria, mà còn đang chuẩn bị tập trận chung với Israel, Mỹ tại Địa Trung Hải - diễn ra đúng thời điểm quan hệ giữa Iran và phương Tây căng thẳng vì vấn đề hạt nhân và phiên tòa "xét xử gián điệp" cũng khiến cho Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phải cân nhắc cẩn trọng trước khi công bố danh sách tân nội các. Iran cũng không thể thờ ơ trước động thái xích lại gần nhau giữa Ai Cập và Azerbaijan với Israel. Mỹ cũng luôn giương cao ngọn cờ "tăng cường an ninh, bảo vệ đồng minh trước tham vọng hạt nhân của Iran".

Ngày 11/8, Iran bác bỏ đề nghị của Mỹ trong việc ấn định thời điểm nối lại cuộc thương lượng với "Nhóm P5+1" (5  nước thường trực HĐBA LHQ  gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) về vấn đề hạt nhân của nước này. Đây là câu trả lời đối với đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà kêu gọi Iran nối lại đối thoại trước tháng 9.

Trước đó (ngày 10/8), Tehran chính thức thông báo cho Washington việc bắt giữ 3 người Mỹ xâm nhập lãnh thổ Iran qua biên giới Iraq. Mỹ từng tuyên bố (ngày 3/8), sẽ làm những điều cần thiết để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc Iran thả có bảo lãnh nữ học giả người Pháp Clotilde Reiss, người đang chờ phán quyết trong phiên tòa xét xử "vụ án gián điệp" được coi là động thái làm lành với phương Tây. Anh, Pháp và Liên minh châu Âu từng lên tiếng phản đối ngay sau khi Tòa án Iran khai đình xét xử đối với "vụ án gián điệp" và đây là phiên tòa thứ hai xét xử (lần đầu diễn ra hôm 1/\8) những phần tử phản cách mạng và hoạt động gián điệp.

Để thoát khỏi sự bao vây, cô lập kể trên, Iran đang tìm cách quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Nga và một số nước ở Mỹ Latinh như Nicaragoa, Ecuador, Chile, Urugoay, Venezuela... Tổng giá trị thương mại song phương giữa Iran với những quốc gia này là minh chứng rõ nhất cho nhận định kể trên - liên tục gia tăng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới

Nguyễn Thị Lân(tổng hợp)
.
.