Tea Party - Phong trào chính trị mới nổi tại Mỹ

Thứ Tư, 16/06/2010, 15:45
Truyền thông Mỹ gần đây liên tục nhắc đến một phong trào chính trị mới được biết dưới tên gọi Tea Party (đảng Trà). Đây được coi là một phong trào tự phát của người dân muốn kiểm soát chính phủ, nhưng nó lại đang nhận được hậu thuẫn rất lớn của đảng Dân chủ, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sắp diễn ra.

Phong trào chính trị mới này trùng với tên của một sự kiện trong lịch sử thời thuộc địa tại Bắc Mỹ khi di dân người Anh khai thác thuộc địa đổ trà từ một con tàu đậu tại cảng Boston xuống biển, phản đối chính sách của mẫu quốc buộc họ đóng thuế mà lại không có đại diện tại Nghị viện Anh để bênh vực quyền lợi cho họ. Phong trào Tea Party cũ, gọi là Boston Tea Party, xuất hiện năm 1773 để chống lại việc Chính phủ Hoàng gia Anh tăng thuế trà nhập khẩu vào Mỹ, khi tàu cập bến Boston, họ nhảy lên tàu đổ trà xuống biển.

Vì vậy, Tea Party biểu hiện cho phong trào tự phát của người dân chống đóng thuế mà họ không được quyền đại diện. Hồi đó, người Mỹ còn là dân thuộc địa của Anh nên không có quyền bỏ phiếu, không có quyền cử người vào Nghị viện nước Anh. Chuyện xuất phát từ đấy. Tea Party bây giờ là mới, được khơi nguồn từ phong trào Boston Tea Party, để chống chính quyền mà họ cho là không vừa lòng dân, sự can thiệp quá lớn của chính quyền vào quyền tự do của họ.

Tea Party khởi sự từ năm 2008, trong cuộc tranh cử, ứng cử viên Ron Paul, một nhân vật bảo thủ về tài chính, không muốn ngân quỹ tăng, nên gọi ngày vận động người ủng hộ đóng tiền gây quỹ là Tea Party. Về sau này, chính quyền Bush biểu quyết cho chuyện dùng tiền thuế của dân đóng để cứu nguy những ngân hàng gặp nguy cơ sụp đổ, thì họ chống đối. Rồi tới thời Tổng thống Obama, đưa ra gói kích cầu để cứu nguy kinh tế, họ cũng chống.

Về phương diện tích cực, trên nguyên tắc, phong trào này chống để có một chính quyền giới hạn, muốn có tự do cá nhân, muốn có kinh tế thị trường, chống lạm phát. Còn nói về chống thì phong trào này chống tăng thuế, chống chính quyền mạnh, phong trào cho là chính quyền kiểm soát nhiều quá là điều không tốt, chống việc dùng tiền của dân để giải cứu giới nhà băng, chống gói kích cầu và chống cả Tổng thống Obama vì một số người cho là ông Obama có khuynh hướng thiên tả.

Những cuộc khảo sát cho thấy phong trào này quy tụ 80% người da trắng, chỉ có 2% là da đen. Nói chung phong trào đó đại diện cho khoảng 18 đến 20% người Mỹ, phần lớn là đàn ông da trắng, thuộc đảng Cộng hòa, đã có vợ, thường là quá 45 tuổi. Về thành phần xã hội, phần lớn những người này có thu nhập hơn mức trung bình và có bằng đại học.

Cho tới nay, phong trào này chưa phải là một chính đảng, nhưng là một lực lượng chính trị khá mạnh, và có nhiều hoạt động. Có những người chẳng hạn như ông Dick Armey, người đưa ra phong trào Tea Party Patriots và những người khác tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Cho nên nó chưa phải là một chính đảng rõ rệt, nhưng trong cuộc tuyển cử tới, nó có thể trở thành một chính đảng thứ 3.

Được coi là một phong trào tự phát của người dân muốn kiểm soát chính phủ, phong trào này nhận được nhiều hậu thuẫn của giới chính trị gia Mỹ, nhất là thuộc đảng Cộng hòa, nếu không ủng hộ thì cũng không chống, thí dụ như Thượng nghị sĩ McCain.

Còn những người ủng hộ rõ rệt như Ron Paul, bà Sarah Palin, rồi cựu dân biểu bang Colorado là ông Tancredo, Thống đốc bang Texas, thành viên đảng Cộng hòa, Rick Perry, và ngay cả cựu Chủ tịch Hạ viện là Newt Gingrich cũng ủng hộ họ. Đó là những khuôn mặt lớn trong đảng Cộng hòa có khuynh hướng bảo thủ.

Tea Party biểu tình tại đại lộ Pennsylvania, Washington D.C, ngày 9/12/2009.

Các nghiệp đoàn ở Mỹ theo đảng Dân chủ, họ có khuynh hướng tự do hơn, nên chống phong trào này. Họ đổ tội cho phong trào này là do giới trùm tư bản tài trợ. Họ khuyến khích nên tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa để chống lại phong trào quá khích này. Theo giới quan sát, thật sự mà nói thì cũng một số người quá khích nhưng không phải tất cả mọi người trong phong trào này.

Bởi vì như Tổng thống Obama nói, số đông những người trong phong trào, một số nòng cốt có những lý do chính đáng để họ phàn nàn, thứ nhất là họ muốn kinh tế thị trường, thứ hai, họ không muốn chính quyền can thiệp quá nhiều vào đời sống của dân chúng. Thứ ba là họ muốn chống lạm phát, thì đây là những lý do rất chính đáng. Nhưng còn những thành phần cực kỳ bảo thủ hay có thể gọi là quá khích cũng có khá nhiều.

Tổng thống Obama tỏ thái độ rất khôn ngoan trước phong trào này. Ông cho rằng phong trào này có một số người nòng cốt, có lý do chính đáng. Ông nói đây cũng chính là những gì mà ông muốn, thành thử ông hy vọng sẽ được phong trào này ủng hộ sau khi họ hiểu chính sách của ông nhiều hơn.

Giới phân tích nhận định, phong trào này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Mỹ. Thứ nhất, những người trong phong trào rất hăng hái, tích cực. Đây là những người sẽ đi bỏ phiếu, trong khi nhiều người Mỹ không đi bỏ phiếu. Thành thử những người chịu đi bỏ phiếu, dù họ có là thiểu số hay không, họ vẫn có ảnh hưởng.

Theo thống kê cho biết, số người Mỹ ủng hộ phong trào này cũng khá nhiều, khoảng 1/3. Còn số người chống họ thì khoảng 26%. Còn qua các cuộc thăm dò dư luận, nếu có một ứng cử viên của đảng Tea Party thì ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ được nhiều phiếu nhất, thứ nhì là đến Tea Party và thứ ba mới đến đảng Cộng hòa.

Còn trong số những cử tri độc lập thì đa số họ ủng hộ cho phong trào Tea Party. Được biết, những người độc lập có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tuyển cử năm 2006, thành thử họ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tuyển cử sắp tới

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.