Thái Lan: Những bất ổn đã sớm ló dạng

Thứ Hai, 01/04/2019, 18:12
Chiều 28-3, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) bất ngờ công bố kết quả kiểm phiếu của cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3 vừa qua. Hai đảng giành được nhiều phiếu nhất là đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) giành được 8.433.060 phiếu, đảng Pheu Thai giành được 7.920.561 phiếu.

Theo EC, kết quả cuộc bầu cử chỉ được phê chuẩn trước ngày 9-5. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, các đảng lớn đã "tập hợp" lực lượng lập chính phủ. Những dấu hiệu bất ổn đang dần ló dạng.

Tám lạng và nửa cân

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 8 năm của Vương quốc Thái Lan đã diễn ra khá êm ả, dù có những tố cáo về vi phạm luật bầu cử. Theo giới quan sát, dù kết quả bỏ phiếu chính thức phải đợi một tháng nữa mới được công bố, cuộc bầu cử lần này có thể sẽ mở ra một chương mới trong chính trị của Vương quốc Thái Lan. Và đây có thể sẽ chỉ là khởi đầu của một vòng đấu nữa để thiết lập các khuôn khổ của trật tự chính trị mới ở nước này.

Việc Ủy ban Bầu cử (EC) hoãn công bố kết quả bầu cử trong bối cảnh xuất hiện nhiều khiếu nại về lỗi trong công tác kiểm phiếu và nguy cơ xảy ra các trường hợp vi phạm quy định trong tiến trình bầu cử tại các địa điểm bỏ phiếu. Cũng theo EC, đã phát hiện tin tặc tìm cách xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Bầu cử, đồng thời cho biết đã phát hiện tới 1,9 triệu phiếu bầu không hợp lệ.

EC thông báo đến 14 giờ chiều 25/3, 95% số phiếu đã được kiểm. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử không thể được xác nhận trước ngày 9/5.

Kết quả không chính thức do EC công bố cho thấy những nỗ lực của cả Palang Pracharat và Pheu Thai nhằm thành lập chính phủ liên minh sau bầu cử có thể sẽ kéo dài và đầy rắc rối. Cả hai phía sẽ phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, nỗ lực lôi kéo các đảng nhỏ hơn về phía họ để có thể thành lập chính phủ mới.

Pheu Thai dường như nhanh chân hơn. Đảng này đã tiếp cận đảng Dân chủ vốn trước kia từng là đối thủ. Bất chấp việc bị "mất điểm" trong cuộc bầu cử vừa qua và thủ lĩnh Abhisit Vejjajiva phải từ chức vì kết quả không như mong đợi, đảng Dân chủ đang nổi lên là một thế lực chi phối đầy tiềm năng vì cả Palang Pracharat lẫn Pheu Thai đều không đủ số phiếu cần thiết để có được một đa số tuyệt đối và thành lập một chính phủ ổn định. Lý do chính để đảng Dân chủ bị bẽ mặt sau bầu cử vì lập trường được cho là chống đảng Palang Pracharat.

Tuy nhiên, việc đứng về phe với Pheu Thai bây giờ cũng chẳng khác gì một thùng thuốc súng, điều sẽ khiến cho những người đã và đang ủng hộ đảng này càng thêm xa lánh. Một số nhà phân tích nói rằng quyết định từ chức của ông Abhisit có thể “mở ra” cánh cửa hướng tới Palang Pracharat.

Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha cảm ơn cử tri. Ảnh: bdnews24.com.

Trong khi đó, Palang Pracharat cũng hy vọng những rắc rối xung quanh Pheu Thai cuối cùng sẽ khiến các đảng nhỏ và trung bình quyết định không đứng về phe của ông Thaksin Shinawatra. Một thực tế là đảng Palang Pracharat giành được nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc hơn Pheu Thai, điều khiến cho đảng này có lý do về mặt chính trị để tập hợp một đa số đáng thuyết phục tại Hạ viện vì một đa số “nhỏ” sẽ gây rủi ro và làm dấy lên một số câu hỏi về “tính hợp pháp”.

Vấn đề cũ trong hoàn cảnh mới

Dù do đảng nào thành lập, chính phủ mới ở Thái Lan được dự báo sẽ phải đối mặt với những vấn đề gây ra bởi nguy cơ bất ổn chính trị và sẽ phải vật lộn để theo đuổi chương trình kinh tế. Trả lời phỏng vấn của tờ The Nation, Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul chỉ ra rằng nguy cơ bất ổn chính trị đang gây lo lắng cho cả giới kinh doanh trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Liên đoàn Các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (Fetco) đồng tình với quan điểm trên, đồng thời nói rằng sự đối kháng sít sao giữa Phalang Pracharat và Pheu Thai có thể sẽ dẫn đến sự bất ổn chính trị cho chính phủ sắp tới.

Thái Lan vừa đi qua một “thập niên mất mát” với kinh tế trì trệ, cùng các hệ quả tiêu cực đến chính sách kinh tế và xã hội. Năm 2017, chính quyền đương nhiệm đã chi 2 tỷ USD cho các khoản trợ cấp nông nghiệp và gần đây đã chi khoản tiền mặt đến 2,7 tỷ USD cho những người có thu nhập thấp, với thông điệp “chúng tôi cũng có thể làm điều này”.

Nguyện vọng của người dân Thái Lan về một xã hội ổn định về chính trị để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế đã được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử này, với việc họ bỏ phiếu cho Palang Pracharat, đảng luôn đề cao việc giữ gìn ổn định trật tự, xem đó là thành công của giới cầm quyền hiện nay. Kết quả sơ bộ cho thấy, cử tri vẫn đánh giá cao những gì mà chính quyền quân sự đã làm được trong 5 năm qua, đó là ổn định lại tình hình chính trị sau nhiều năm bất ổn.

Chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử này được dự báo là vẫn tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. Viễn cảnh phải tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng một hoặc hai năm tới, các cuộc biểu tình trên đường phố hoặc thậm chí một cuộc đảo chính quân sự khác cũng đã “lấp ló” phía chân trời.

Việc thành lập một chính phủ mới có thể sẽ phải chờ đến sau lễ đăng quang của nhà vua Vajiralongkorn vào đầu tháng 5. Những dấu hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện khi đồng baht của Thái Lan tăng giá do giới đầu tư nhận định đảng Palang Pracharath của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha có thể giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và đảng này có thể sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách kinh tế gần đây.

Theo các nhà phân tích, triển vọng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tiếp tục nắm quyền tại Thái Lan là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, khuyến khích nguồn vốn nước ngoài đổ vào.

Tuy nhiên, theo ông Piyanat Soikham, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ubon Ratchathani, do thiếu một đa số rõ ràng, nguy cơ bất ổn chính trị sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ mới. Thậm chí, ngay cả khi cả hai đảng Phalang Pracharat và Pheu Thai đều đề xuất những chính sách tương tự thì khó có thể chứng kiến sự hợp tác giữa hai đảng trên chính trường Thái Lan, khiến cho những chính sách mới khó mà vận hành một cách trơn tru.

Hoa Vinh
.
.