Thái Lan lại nóng vì phe áo đỏ

Thứ Sáu, 29/06/2012, 17:25

Chính trường Thái Lan lại đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng mới mà suy cho cùng thì nguyên nhân liên quan tới số phận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mặc dù sống lưu vong mấy năm nay nhưng vẫn luôn chi phối gần như hoàn toàn đời sống chính trị tại Thái Lan trong suốt 7 năm qua.

Ngày 24/6, thành phần áo đỏ ở Thái Lan tổ chức biểu tình rầm rộ để biểu dương lực lượng, cảnh cáo rằng họ sẽ không đứng yên nếu một dự luật nhằm thay đổi hiến pháp bị tòa bác bỏ. Những người chống đối cho rằng, luật này chỉ nhằm giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước mà không bị bắt giam.

Thủ tướng hiện nay của Thái Lan là bà Yingluck Shinawatra, em gái út của ông Thaksin. Chính phủ của bà, gồm cả giới lãnh đạo lực lượng áo đỏ, coi các dự luật tu chính hiến pháp và kế hoạch đại xá là một phần của chương trình hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đã 7 năm nay.

Tòa Hiến pháp Thái Lan hiện đang cứu xét các lý luận cho rằng, việc tu chính hiến pháp có thể đe dọa nền quân chủ lập pháp ở quốc gia này. Quyết định của tòa dự trù sẽ được công bố vào tháng 7 tới đây, để chuẩn bị cho việc tranh luận có thể tiến hành tại Quốc hội vào tháng 8. Hiến pháp hiện nay do một chính quyền quân sự đưa ra năm 2007 sau khi ông Thaksin bị quân đội đảo chính năm trước đó.

Theo ước tính của cảnh sát, 35.000 người thuộc phe áo đỏ đã tụ tập tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở trung tâm thủ đô Bangkok vào chiều tối ngày 24/6, nhiều người đến từ các địa phương hậu thuẫn cho ông Thaksin ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Theo phe áo đỏ, phán quyết mới nhất của tòa án cho thấy sự đồng lõa giữa bộ máy tư pháp và một nhóm chóp bu đầy quyền lực xung quanh chế độ bảo hoàng và quân đội. Trong những năm gần đây, một vài lần các tòa án đưa ra quyết định và chính các quyết định đó đã góp phần làm cho các chính phủ thân Thaksin bị sụp đổ.

Thitinan Pongsudhirak, nhà phân tích chính trị của Trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói: "Việc tòa án phản đối sửa đổi hiến pháp càng củng cố quan điểm của phe áo đỏ rằng tòa án đang chống lại họ. Việc phe áo đỏ xuống đường biểu tình lần này phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn".

Phe áo đỏ biểu tình tại Bangkok.

Phe áo đỏ chọn ngày 24/6 để tiến hành cuộc mít tinh mới nhất vì đây là ngày kỷ niệm 80 năm thiết lập nền dân chủ, đề cập cuộc cách mạng chuyển giao quyền lực vào ngày 24/6/1932, theo đó hệ thống chính quyền quân chủ chuyên chế ở Thái Lan chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến. Nhân dịp này, những người thuộc phe áo đỏ (đa số ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin) đã biểu tình kêu gọi ngành tư pháp Thái Lan độc lập với chính trị.

Từ khi ông Thaksin bị lật đổ, Thái Lan liên tục trải qua các biến động chính trị, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, giữa một bên là đông đảo nông dân, dân nghèo mặc áo đỏ khi đi biểu tình và bên kia là tầng lớp trung lưu, trí thức ở thủ đô Bangkok, giới thân cận với Hoàng gia và khi biểu tình mặc áo vàng. Chia rẽ này đã bộc lộ rõ trong cuộc khủng hoảng mùa xuân năm 2010, với các cuộc biểu tình kéo dài của phe áo đỏ. Số người tham gia có lúc lên tới 100.000 người. Các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh đã làm hơn 90 người thiệt mạng và 1.900 người bị thương.

Cựu Thủ tướng Thaksin đã bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu vào tháng 9/2006, với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Sau đó, ông còn bị buộc tội liên quan đến những vụ tham nhũng lớn trong năm 2008 và năm 2010 là tội kích động các cuộc biểu tình của phe áo đỏ nhằm ủng hộ ông. Mặc dù đã rời chính và sống lưu vong tại Montenegro từ năm 2008, cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là nhân vật gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí là sự chia rẽ sâu sắc trong giới chính trị Thái Lan. Trong khi người dân nông thôn và giai cấp công nhân hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách dân túy của Thaksin, coi ông là "vị cứu tinh" cho cuộc sống của họ, thì các tầng lớp trung và thượng lưu ở thành phố lớn lại cáo buộc ông này dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, lạm dụng nhân quyền và quyền lực.

Từ nhiều tháng nay, phe đối lập Thái Lan luôn lên tiếng cảnh báo nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluk vì bàđang tìm mọi cách để giúp người anh trai trở về nước mà không bị thụ án tù về tội tham nhũng do tòa án nước này đã tuyên.

Theo giới quan sát, từ nay đến tháng 7, thời hạn Tòa hiến pháp Thái Lan phải đưa ra quyết định cuối về việc có nên chấp nhận đưa bản hiến pháp sửa đổi lên Quốc hội tranh luận hay không, đời sống chính trị Thái Lan sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng. Nếu tòa chấp thuận, đồng nghĩa với việc bản tu chính hiến pháp sẽ được thông qua vì phe của Thủ tướng Yingluk đang chiếm đa số tại Quốc hội, phe áo vàng sẽ không "để yên" và ngược lại nếu tòa không chấp thuận, phe áo đỏ cũng sẽ chẳng chấp nhận. Khi ấy nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng như năm 2010 là rất cao và như thế vai trò của quân đội sẽ quyết định mọi chuyện.

Tuy nhiên, cũng còn một hướng khác mà theo giới phân tích và có nhiều khả năng diễn ra, đó là việc trì hoãn mãi việc thông qua bản tu chính hiến pháp này. Thứ nhất là vì cuộc khủng hoảng lần này nếu diễn ra sẽ làm khó cho chính phủ của bà Yingluk, vì với tư cách là người đứng đầu hành pháp, bà Yingluk sẽ không để cho "người của mình", tức phe áo đỏ gây rối xã hội. Nguyên nhân thứ hai có lẽ là hệ quả của cái thứ nhất. Cựu Thủ tướng Thaksin nếu nhận thấy thời cơ trở về nước của ông không được thuận lợi và có thể làm hại tới sự nghiệp chính trị của em gái, ông sẽ lựa chọn cách tạm hoãn, chờ thời. Những lời khuyên của ông khi đó sẽ làm dịu làn sóng đỏ tại Thái Lan

M.T. (tổng hợp)
.
.