Thái Lan thời hậu Thaksin vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng chính trị?

Thứ Hai, 08/05/2006, 08:00

Bầu không khí tại thủ đô Băng Cốc đã trở nên yên bình hơn sau những ngày tháng nóng bỏng vì các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập và cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng việc hàn gắn lại sự thống nhất của Thái Lan sẽ không phải là việc dễ dàng, nhất là chỉ bằng hành động rút lui của ông Thaksin.

Cuộc bầu cử Quốc hội đột xuất thực chất là một “canh bạc” giữa phe của Thaksin và nhóm đảng phái đối lập. Khi kêu gọi bầu cử sớm trước 3 năm, Thaksin đã hy vọng một thắng lợi thuyết phục cho đảng TRT sẽ đủ để chứng minh, phần lớn người dân vẫn đứng sau lưng ủng hộ cho ông. Các đảng phái đối lập chính như Dân chủ, Chart Thai và Mahachon đã quyết định tẩy chay cuộc bầu cử và kêu gọi những người ủng hộ họ bỏ lá phiếu trắng. Thaksin đã thắng trên danh nghĩa trước khi chấp nhận... thua. Các ứng cử viên TRT cho dù nhận được 51% số phiếu bầu, nhưng Quốc hội vẫn còn trống tới hàng chục ghế do không hội đủ tỉ lệ 20% cần thiết.

Tình trạng bế tắc về hiến pháp

Tia hy vọng mới đã ló dạng khi Ủy ban bầu cử quốc gia ấn định thời điểm 23/4 là ngày bầu cử bổ sung cho số ghế còn trống tại Quốc hội. Nhưng mọi việc trên thực tế lại không đơn giản như vậy. Dù ông Thaksin đã ra đi, đảng Dân chủ đối lập chính vẫn không đăng ký ứng cử viên của mình. Với sự bất hợp tác từ phe đối lập, cuộc bầu cử bổ sung ngày 23/4 vừa qua cũng chỉ giúp thêm cho TRT được 15 ghế nữa, trong khi không thể đạt được mục đích chính - đó là lấp đầy 500 ghế nghị sĩ trong Quốc hội. Cơ quan lập pháp Thái Lan vẫn còn tới 14 chỗ trống do các ứng cử viên TRT không giành đủ 20% số phiếu tại khu vực phía Nam. Kết quả là có thêm một đợt bầu cử bổ sung được tổ chức vào ngày 29/4 tại các tỉnh phía Nam.

Theo các nhà quan sát, nếu phe đối lập vẫn tiếp tục không hợp tác, dù Thái Lan có tổ chức thêm bao nhiêu cuộc bầu cử bổ sung đi nữa, Quốc hội mới vẫn sẽ không có đủ số đại biểu theo như quy định. Điều này đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng hiến pháp thực sự tại Thái Lan, do Quốc hội mới sẽ không thể nhóm họp để bầu ra một thủ tướng và thành lập chính phủ mới. Trước thực trạng này, đã có không ít giải pháp được đề xuất. Một trong số đó là Đức vua có thể chỉ định một chính phủ lâm thời, điều mà một thủ lĩnh phe đối lập là Sondhi Limthongkul đã thúc giục từ vài tháng nay. Giải pháp khác là một ủy ban độc lập cần đề xuất việc thay đổi hiến pháp - một bước đi cần phải thăm dò ý kiến của công luận và sau đó được các nghị sĩ phê chuẩn. Tuy nhiên theo TRT, tiến trình này phải mất từ 12 đến 15 tháng, trước khi có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Nhưng ngay cả việc thành lập một Ủy ban độc lập như trên đã là vấn đề gây tranh cãi. Phe đối lập cho rằng, các cơ quan độc lập trên danh nghĩa (như Ủy ban bầu cử) lại có khuynh hướng ủng hộ cho Thaksin. Ngay cả tiến trình thực hiện giải pháp trên cũng khó có thể coi là “độc lập”, do mọi thay đổi nào về hiến pháp đều phải thông qua Quốc hội do TRT nắm đa số - một thực tế mà phe chống Thaksin không thể chấp thuận.

Một khía cạnh khác mà phe đối lập vẫn còn dè chừng. Đó là liệu Thaksin có thực sự rút lui khỏi chính trường hay không? Cho dù từ chức Thủ tướng, nhưng Thaksin vẫn là một nghị sĩ Quốc hội và là thủ lĩnh của TRT. Thủ tướng tạm quyền Chidchai Vanasatidya được phe đối lập đánh giá chỉ là “người trông nom nhà cửa khi chủ vắng nhà”, khiến cho các thủ lĩnh TRT có thể thao túng chính quyền từ hậu trường. Chính vì lo ngại nguy cơ Thaksin sẽ quay trở lại, phe đối lập còn đưa ra yêu sách đòi Thaksin phải từ chức Chủ tịch đảng TRT, một điều mà đảng phái này cũng như cựu Thủ tướng đánh giá là “không thể chấp nhận được”.

Những bất ổn tiềm ẩn

Khi khủng hoảng chính trị đã tạm yên, nền kinh tế Thái Lan lại đang rơi vào tình trạng bất ổn thực sự. Thị trường chứng khoán nước này đã sụt giảm mạnh kể từ thời điểm những cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng 2/2006 (dù đã tăng lên một chút kể từ khi ông Thaksin tuyên bố từ chức). Đó là chưa kể đến sự sụt giảm về doanh thu trong du lịch cũng bởi nguyên nhân bất ổn chính trị. Chính sách kinh tế trước đó dưới thời Thaksin (còn gọi là “Thaksinomics”) đã giúp đưa chỉ số tăng trưởng ổn định hàng năm lên 5%, nhờ đó giúp ông Thaksin thắng cử giòn giã ở nhiệm kỳ 2.

“Thaksinomics” tập trung vào việc đầu tư những khoản tiền lớn cho các chương trình cơ sở hạ tầng mang tính thúc đẩy chung nền kinh tế, bảo hộ các doanh nghiệp lớn địa phương trước nguy cơ phá sản, đẩy mạnh chương trình chăm sóc y tế quốc gia giá rẻ, cũng như các khoản vay hấp dẫn dành cho nông dân và tiểu thương. Những chính sách này đã giúp thúc cầu trong thị trường nội địa, giành được sự ủng hộ rộng rãi của người dân nghèo tại những vùng nông thôn. Nhưng mặt trái của nó là làm khánh kiệt ngân sách quốc gia, và dù không cố ý đã khiến nhiều người dân Thái Lan lâm vào cảnh nợ nần.

Nếu như “Thaksinomics” đã tạm có thể đánh giá là thành công, thì chính sách “nặng tay” của ông Thaksin đối với nhóm Hồi giáo ly khai ở miền Nam lại được coi là “một thảm họa”. Những hành động trấn áp của Chính phủ Thái Lan chỉ làm cho tình hình tại đây càng thêm căng thẳng. Những cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát và các tín đồ đạo Phật đã lên tới đỉnh điểm vào tháng 1/2004. Thực trạng này khiến 5 tỉnh đa số dân Hồi giáo ở miền Nam (từng bỏ phiếu cho TRT vào năm 2001) đã chuyển hướng chống lại Thaksin. Đây sẽ là một vấn đề khó khăn mà chính quyền thời hậu Thaksin sẽ còn phải đau đầu để giải quyết.

Thái Lan sẽ phát triển theo xu hướng nào trong thời kỳ “hậu Thaksin”, trong khi “cái bóng” của ông Thaksin vẫn đang có ảnh hưởng rất lớn đến chính trường nước này? Tương lai chính trị của quốc gia này rõ ràng vẫn còn chứa đựng nhiều bất ổn khó lường mà cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần 2 vào ngày 29/4 chắc chắn sẽ chưa thể giải quyết. Trong khi nhà Vua Thái Lan lại tuyên bố không chỉ định chính phủ lâm thời, mọi việc phải tuân theo hiến pháp và ông chuyển giao cho Tòa án Tối cao Thái Lan quyết định

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.