Về chuyến thăm Iran của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ:

Tham vọng đóng vai trò lớn trong thế giới Hồi giáo

Thứ Ba, 03/11/2009, 15:20
Việc Thổ Nhĩ Kỳ thu hẹp khoảng cách trong quan hệ với Iran là điều các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ và châu Âu, không hề muốn và luôn tìm cách chia rẽ. Tuy nhiên, cuối cùng điều đó đã diễn ra với chuyến thăm Iran hôm 27/10 của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nằm trên cả lục địa Âu - Á và giữa ba biển, nên có vị trí chiến lược địa - chính trị quan trọng đối với các thế lực trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ từng là ngã tư giữa các trung tâm kinh tế, và là nơi phát sinh cũng như nơi xảy ra các trận chiến giữa các nền văn minh lớn. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai cùng với quân Đồng minh ở giai đoạn cuối của cuộc chiến và trở thành một thành viên Liên Hiệp Quốc.

Năm 1947, học thuyết Truman đề ra các mục tiêu của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và tiếp sau đó là viện trợ kinh tế cũng như quân sự ở mức độ lớn của Mỹ cho hai nước. Sau khi tham gia với các lực lượng Liên Hiệp Quốc tại cuộc xung đột Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một loạt những cú sốc kinh tế dẫn tới một cuộc tuyển cử mới năm 2002, khiến đảng Công lý và Phát triển bảo thủ do cựu Thị trưởng Istanbul, Recep Tayyip Erdogan lãnh đạo lên nắm quyền. Tháng 10/2005, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập của Ankara và vì thế Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một ứng cử viên gia nhập EU.

Như vậy có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm thân phương Tây, nhất là Mỹ và châu Âu. Nhưng những động thái gần đây của Ankara khiến nhiều nước bất ngờ, thậm chí hoài nghi, nhất là hai quốc gia láng giềng IranSyria. Hoài nghi là chuyện đương nhiên. Hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel được ký năm 1996 bị Iran và Syria coi là sự phục tùng của Ankara đối với Washington.

Tại Arập Xêút, Ai Cập và Jordani cũng có nhiều người chấp nhận sự đổi hướng của Ankara, nhưng những người hoài nghi thì không ít. Tại diễn đàn kinh tế Davos năm 2009, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan, đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của thế giới Arập Hồi giáo khi tuyên bố ủng hộ hòa bình cho Palestines. Thậm chí, ông này còn chỉ trích Tổng thống Israel Shimon Peres.

Trước khi quay sang Iran, Ankara đã có những hành động thân thiện với Syria. Hôm 13/10, Ngoại trưởng Syria, Walid al-Mouallem, đã tới biên giới Thổ - Syria để ký thỏa thuận miễn visa giữa hai nước. Cùng ngày, một phái đoàn bộ trưởng hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại Alep, phía bắc Syria, để xúc tiến hợp tác kinh tế mà hai quốc gia này đã hứa thực hiện từ hồi tháng 9.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn có một động thái được cho là mạo hiểm khi tuyên bố không cho quân đội Israel tham gia cuộc tập trận không quân chung trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc quân đội Do Thái tấn công Dải Gaza hồi cuối năm ngoái. Hành động này ngay lập tức bị Mỹ phản đối.

Trong chuyến thăm Tehran hôm 27/10, ông Erdogan, mặc dù chưa hoàn toàn chiếm được sự tin tưởng từ chính quyền Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, nhưng đã nhận được những lời đánh giá cao về quan điểm của Ankara trước vấn đề hạt nhân Iran và với Israel. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi thế bị kèm của phương Tây để xích lại gần với Iran. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên gửi lời chúc mừng Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử hồi giữa năm nay, mặc dù luôn phản đối việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng Iran trước mắt đem lại những lợi ích thương mại và năng lượng cho Ankara. Chả thế mà trong cuộc gặp với Tổng thống Ahmadinejad hôm 27/10, ông Erdogan đã mong muốn cùng Iran nâng mức trao đổi thương mại từ 8 lên đến 13,5 tỉ euro vào năm 2011. Nên biết, Iran là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn “vượt tuyến”, xích lại gần hơn với các nước láng giềng và trong khu vực vốn chưa bao giờ coi Ankara là bạn?

Theo các nhà quan sát, sở dĩ Ankara dám mạo hiểm quan hệ của mình với phương Tây để kết giao với các quốc gia thù địch của họ là vì Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ vai trò là quốc gia lớn, cầm chịch hòa bình và ổn định cho khu vực. Tham vọng này của Thổ Nhĩ Kỳ đã bộc lộ khá rõ trong thời gian gần đây.

Từ năm 2007, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa SyriaIsrael dưới thời của Thủ tướng Ehud Olmert. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp ước lịch sử về bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Armenia. Chính phủ của Thủ tướng Erdogan cũng đang cố gắng làm dịu bớt bằng những nỗ lực hòa giải chính trị và cả quân sự trước lực lượng người Kurds giáp biên giới Iraq.

Chuyến thăm Tehran lần này của Thủ tướng Erdogan vào đúng thời điểm nhạy cảm: vấn đề hạt nhân Iran đang trở thành tâm điểm của quốc tế. Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ lần này là muốn giữ vai trò trung gian giữa TehranWashington trong các cuộc tranh luận về hồ sơ hạt nhân của Iran.

Từ lâu chính quyền Shiite tại Iran được coi là mối đe dọa đối với một số quốc gia theo dòng Sunni tại khu vực. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn là người hòa giải giữa Iran với các nước trong khu vực. Ankara thậm chí còn không che giấu ý định trở thành người bắc cầu nối giữa thế giới Hồi giáo với EU. Thủ tướng Erdogan từng nhấn mạnh tới điều này để minh chứng cho việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ là cần thiết.

Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng gặp phải rắc rối về vấn đề người Kurds. Cả Tehran và Ankara vẫn đang rất chú ý tới những gì diễn ra tại khu tự trị Kurdistan ở Iraq. Sự ổn định của Iraq là mối lo chung, một thách đố đối với cả hai nước và khu vực.

Nhận xét về chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lần này, Colville Rupert, phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, cho biết: "Với tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trong thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ chính sách của Iran về vấn đề hạt nhân của nước này"

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.