Tham vọng quyền lực của Thủ tướng Italia Matteo Renzi ở châu Âu

Thứ Hai, 22/02/2016, 13:40
Trong các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Italia vốn có vai trò quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng có thể tạo được ảnh hưởng trong liên minh, do thường xuyên phải chịu lép vế trước hai thế lực dẫn đầu liên minh là Pháp và Đức. Thủ tướng Italia Matteo Renzi muốn thay đổi điều này, và ông đang làm cho châu Âu dậy sóng.

"Tôi là một nhà lãnh đạo của một quốc gia lớn" - Matteo Renzi phát biểu như thế trước báo chí Đức nhân chuyến thăm Đức vào ngày 29-1 vừa qua. Ông Renzi cho rằng, Italia giờ đây phải được lắng nghe và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Renzi đã chọn giải pháp đối đầu thay vì thuyết phục để tạo ảnh hưởng. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 12-2015, Renzi đã bất ngờ chỉ trích các quan chức Đức, và sau đó là Brussels, ông cãi vã với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khi ông này nhắc nhở lãnh đạo Italia nên kiềm chế. Renzi cho rằng Italia "đã lấy lại vai trò lãnh đạo", và các quốc gia khác phải thỏa thuận với Italia.

Bản thân EU và các cường quốc hàng đầu trong khối đang cho thấy họ không hoàn toàn làm chủ được những vấn đề đang gây khủng hoảng trong khối, đặc biệt là cuộc khủng hoảng người nhập cư. Giới quan sát cho rằng, phản ứng quá chậm chạp và thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán đang đe dọa dẫn đến việc khối này buộc phải từ bỏ chính sách "biên giới mở", đồng thời bị xem là một khối ngày càng kém hiệu quả và chuyên can thiệp vào nội bộ các quốc gia thành viên. Ông Renzi cho rằng các định chế của EU quá quan liêu hành chính và bị thống trị bởi một nhóm quốc gia ưu tú và được ưa chuộng quá đáng, đặc biệt là Đức.

Gần 2 năm nắm quyền lãnh đạo nước Italia, Renzi tự tin là mình đã tạo ra được một số thành tựu nhất định. Các chính sách cải cách lao động của ông đã giúp tăng gần 600.000 việc làm cố định lâu dài, đồng thời các cải cách về kinh tế, chính trị cũng đạt một số thành quả tích cực, đã cắt giảm đáng kể mức thâm hụt ngân sách, khôi phục lại niềm tin nơi các nhà đầu tư, các tập đoàn, công ty lớn như Apple, Cisco, từ đó cải thiện tình hình đầu tư, sản xuất. Những kết quả tích cực đó đã giúp Italia lấy lại tư thế của một quốc gia kinh tế phát triển ở châu Âu. Và giờ là lúc ông bắt đầu cất tiếng nói để "đòi lại công bằng cho Italia".

Renzi cho rằng, Italia đóng góp cho EU nhiều hơn những gì nhận được từ khối, vì thế ông cho rằng việc xem Italia là một "vấn đề" của EU là không công bằng, và yêu cầu Italia cũng được trao cho một ghế ở "bàn tròn quyền lực" EU, và bản thân ông cũng phải có được vai vế tương đương với Thủ tướng Angela Merkel của Đức và Francois Hollande của Pháp.

Renzi bắt đầu lên tiếng tranh luận với các cường quốc châu lục về những chính sách chung của EU, như chính sách đối với vấn đề người nhập cư, chính sách đối với nước Nga, về đường ống dẫn khí ở Đức, và việc "thỏa thuận" với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu. Đối với vấn đề người nhập cư, ông Renzi cho rằng cách thức làm việc kiểu bà Merkel nói chuyện với ông Hollande trước, rồi sau đó gọi điện cho Chủ tịch EC Juncker, còn bản thân ông thì chỉ được biết đến sự việc trên báo chí là không thể chấp nhận được.

"Nếu chúng ta muốn tìm một giải pháp cho vấn đề người di cư, thì không thể làm theo kiểu ấy được" - Renzi phát biểu trên tờ Frankfurter Allgermeine Zeitung hôm 28-1. Rồi Renzi đã buộc các lãnh đạo EU phải hoãn một cuộc họp thượng đỉnh của khối về việc mở rộng cấm vận Nga - một hành động được xem là để thể hiện uy quyền, vì Italia vốn ủng hộ chính sách cấm vận Nga. Ông cũng đặt vấn đề đối với đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức, và đã triệu hồi Đại sứ Italia tại EU về nước để phản đối - một hành động thể hiện quan đểm cứng rắn của Renzi.

Ông Matteo Renzi phát biểu trước Quốc hội Italia hôm 27-1, trước khi lên đường đi Berlin.

Đáng chú ý hơn cả, ông Renzi đã ngăn chặn việc EU chi trả số tiền 3 tỉ euro (3,35 tỉ USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ để "giúp" Ankara ngăn chặn dòng người tị nạn đổ sang châu Âu. Renzi đặt vấn đề "đồng tiền sẽ được sử dụng như thế nào, nó sẽ được lấy từ đâu để chi, và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách quốc gia". Vấn đề thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đã được ông Renzi đặt ra trong cuộc gặp riêng với bà Merkel tại Berlin hôm 29-1, với cái giá cho cái gật đầu của ông là bà Merkel phải linh hoạt hơn trong vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công còn khá cao của Italia.

Giới phân tích ở Rome cho rằng, cách dùng biện pháp đối đầu của ông Renzi phản ánh, một phần cũng vì sự tức giận bởi cách đối xử bấy lâu nay EU dành cho Italia. Trong vài năm qua, Italia cần sự trợ giúp tài chính của EU để giải quyết vấn đề người nhập cư từ châu Phi nhưng chả nhận được bao nhiêu sự giúp đỡ. Cho nên, theo nghị sĩ Gian Luigi Gigli của Italia, ông Renzi có phần đúng.

Tuy nhiên, việc ông Renzi bất ngờ thể hiện quan điểm cứng rắn và đòi có vai trò lớn hơn ở châu Âu như trên có thể khiến ông trở thành mục tiêu công kích từ chính các đối tác "kèo trên" ở châu Âu; ông có thể bị xem là "kẻ cản đường", hay kẻ cố làm to chuyện bên ngoài nhằm ghi điểm chính trị trong nước. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, ông Renzi đang chịu áp lực chính trị lớn từ trong nước, khi nền kinh tế mà ông có nhiệm vụ khôi phục đang cải thiện nhưng vẫn chậm chạp và các cải cách của ông không có đủ thời gian để mang lại những thay đổi lớn như đòi hỏi của người dân.

Việc đưa ra quan điểm cứng rắn với Brussels có thể giúp ông chặn được các thách thức từ các nhà chính trị dân túy, mặt khác tạo thế cho Italia trong thương thảo với Italia trong vấn đề thâm hụt ngân sách linh hoạt. Theo nghị sĩ Gigli, đây đồng thời cũng là một nước cờ mạo hiểm của ông Renzi. Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có chịu đi theo hướng áp đặt của Renzi hay không?

An Châu (tổng hợp)
.
.