Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela tái đắc cử:

Thành quả của chính sách vì dân

Thứ Hai, 15/10/2012, 09:00

Lại một lần nữa, người dân Venezuela tín nhiệm ông Hugo Chavez trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/10 giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 liên tiếp. Dù bị bệnh ung thư, đất nước bị bất ổn đe dọa, quyền lực đã bị hao mòn theo năm tháng, nhưng vị chính khách này vẫn được nhiều người dân ủng hộ. Vì sao vậy?

Đem công bằng đến cho quốc dân - đồng bào

Câu trả lời có lẽ thuyết phục nhất nên đến từ chính giới báo chí phương Tây, vốn được cho là không ưa thể chế chính trị Venezuela cũng như cá nhân Tổng thống Hugo Chavez. Sau chiến thắng của ông Hugo Chavez, tuần san Le Nouvel Observateur của Pháp lập tức có bài giải mã thành công này. Theo tạp chí, kết quả này là nhờ vào việc ông Chavez cho thành lập các nhóm công tác gọi là Missión Bolivar với mục đích hỗ trợ người dân chống lại dịch bệnh, nạn mù chữ, tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo khổ, và những tệ nạn xã hội khác. Chính sách này thành công đến mức mà ứng viên đối lập Henrique Capriles Radonski cũng phải cam kết là nếu đắc cử, sẽ duy trì hoạt động của các nhóm công tác này.

Các chuyên gia chính trị ở Pháp còn nhìn vào ông Hugo Chavez dưới góc độ khác: "Ông Chavez nói chuyện như người thuộc tầng lớp bình dân, trao đổi với họ như với người thân. Ông Chavez là người cho họ có tiếng nói". Một nhân tố nữa giúp ông Chavez vẫn được dân chúng ủng hộ đó là nhờ vào sản lượng dầu mỏ đứng thứ nhì thế giới với 3 triệu thùng mỗi ngày. Ông biết tiến hành các chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí đều miễn phí cho dân nghèo, theo đúng tinh thần "xã hội chủ nghĩa".

Trên phương diện đối ngoại, Le Nouvel Observateur có bài tóm lược mang tựa đề "Những quan hệ bạn bè nặng ký của Hugo Chavez". Bài viết cho biết ông Hugo Chavez luôn được xem là biểu tượng của "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" ở vùng Nam Mỹ và vẫn tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của khuynh hướng chính trị này.

Các nguyên thủ từ Evo Morales của Bolivia, Rafael Correa ở Ecuador hay Cristina Kirchner của Argentina, đều là những người ủng hộ tuyệt đối Hugo Chavez. Họ "mắc nợ" ông Chavez trong việc thành lập Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và gần đây là Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). Các nhà quan sát cho rằng, với việc CELAC được thành lập, một liên minh mới trong khu vực, trong đó không có Mỹ và Canada, đã hình thành. Tổ chức này được coi là cơ chế hội nhập mới thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vốn thường bị ông Chavez chỉ trích là chịu sự thao túng của Mỹ.

Tình hình kinh tế xã hội của Venezuela đã được cải thiện đáng kể kể từ khi ông Chavez lên nắm quyền vào năm 1999, chủ yếu nhờ giá dầu mỏ tăng cao. Giá dầu đã tăng vọt từ mức 17 USD/thùng vào thời điểm ông nhậm chức lên tới 120 USD/thùng vào một số thời điểm. GDP của Venezuela là 91 tỉ USD năm 1999, năm cầm quyền đầu tiên của ông, và đã tăng lên 328 tỉ USD vào năm 2011. Tỉ lệ mù chữ, tỉ lệ tử vong ở trẻ em và tỉ lệ thất nghiệp giảm, trong khi tuổi thọ tăng lên dưới thời ông Chavez. Ủy ban Liên hợp kinh tế về Mỹ Latinh (ECLA) cho biết tỉ lệ nghèo đói giảm từ 49,4% năm 1999 xuống 27,8% năm 2010.

Theo Alberto Barrera Tyszka, đồng tác giả cuốn tiểu sử của ông Chavez, công lao của ông Chavez đối với đất nước là không thể đong đếm. Ông đã dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề đã, đang và sẽ là vấn đề lớn nhất ở Mỹ Latinh là bất bình đẳng. Ông đã phân phối nguồn của cải có được từ dầu mỏ một cách công bằng và dân chủ hơn và đã cho những người bị kỳ thị trong xã hội có được tiếng nói của mình. Ông đã dùng tiền thu được từ dầu mỏ để quốc hữu hóa một loạt công ty trong các lĩnh vực dầu mỏ, điện, lương thực và ngân hàng. Nhà sản xuất chai Owens-Illinois của Mỹ và Tập đoàn Ngân hàng Banco Santander của Tây Ban Nha cũng đang nằm trong tầm ngắm quốc hữu hóa.

Tổng thống vừa tái đắc cử Hugo Chavez viết trên Twitter: “Cảm ơn quốc dân yêu mến của tôi! Venezuela muôn năm!”.

Những chướng ngại chưa thể vượt qua

Tuy nhiên, cuộc cách mạng của ông Hugo Chavez vẫn chưa hoàn thành, khi nhiều người vẫn sống trong những căn nhà tồi tàn, tình trạng mất điện vẫn diễn ra thường xuyên và bạo lực tràn lan. Trong cuộc bầu cử năm nay, ông Chavez đứng trước nhiều thách thức. Tỉ lệ lạm phát gần 20% là lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh. Được tiếng là giàu có về tài nguyên, nhất là dầu khí, nhưng Venezuela trong vài năm qua luôn trong tình trạng thiếu lương thực, điện và các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống hạ tầng cơ sở tại Venezuela đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Venezuela đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Năm 2010, ông Chavez đã khởi động chương trình xây dựng 3 triệu căn nhà được hỗ trợ, song kế hoạch này vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, bất kỳ nhà hoạch định đô thị hay chuyên gia về nhà ở nào cũng hiểu rõ rằng, đó không phải là cách để giải quyết vấn đề nhà ở cho bất kỳ nơi nào trên thế giới. Những căn nhà đó được xây dựng vội vàng, một số tòa nhà không có chỗ đỗ xe và không nằm ở các khu vực có dịch vụ.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên, trong đó các vụ giết người đã tăng gấp ba lần, khiến Venezuela trở thành 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ cao nhất về tội phạm bạo lực. Một nhà xã hội học nhận định tình trạng bạo lực tại Venezuela là một trong những thất bại lớn nhất của cuộc cách mạng Bolivar của ông Chavez, vì nạn nhân chính của tình trạng này là tầng lớp bình dân.

Chuyên gia này nhận định: Từ năm 2000, hoạt động tội phạm ở Venezuela ngày càng trở nên chuyên nghiệp và bạo lực hơn. Hiện tại, các nhóm tội phạm sở hữu cả vũ khí nóng, nên xung đột đẫm máu với cảnh sát là thường xuyên, trong khi cảnh sát thường tham nhũng và rất bạo lực. Không chỉ người bình dân lo sợ, mà ngay cả người có tiền có của cũng hãi hùng với nạn bắt cóc.

Ông Chavez phát biểu trước đám đông người ủng hộ sau khi tái đắc cử.

Thách thức lớn nhất đối với ông Chavez là phe đối lập ở Venezuela, được tiếp sức chủ yếu bởi lực lượng thanh niên, đã trở thành một phong trào có tổ chức muốn thúc đẩy Venezuela theo hướng hiện đại hóa như Brazil, Chile và Mexico. Đối thủ của ông Chavez là một chính khách đã từng bị ông sách nhiễu nhiều năm qua, nhưng rất năng động với việc đã lần lượt đi thăm và vận động tại hơn 300 khu dân cư, trong đó có nhiều nơi, do bệnh tật, ông Chavez không thể đến được.

Không chỉ vậy, chính sách quốc hữu hóa đã làm cho nền công nghiệp của Venezuela bị suy yếu, mất khả năng cạnh tranh. Trong các siêu thị quốc doanh, thường xuyên thiếu những nhu yếu phẩm như sữa và đường. Mặt khác, sức khỏe bị suy yếu vì bệnh ung thư cũng là một thách thức với nhiệm kỳ tiếp theo của ông Chavez. Sự kiện ông ít xuất hiện trong đợt vận động tranh cử là một bằng chứng không che giấu được.

Ông Chavez, một cựu lính dù lên làm tổng thống từ năm 1999 và năm 2006 tái cử với 63% số phiếu ủng hộ, nhưng cuộc bầu cử ngày 7/10 vừa qua được coi là bài sát hạch khó khăn nhất trong hơn một thập kỷ cầm quyền vừa qua. Trong cuộc bầu cử này, hai ứng cử viên đại diện cho hai con đường: Xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI của Tổng thống H.Chavez và quay lại nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tự do mới của cựu Thống đốc Henrique Capriles. Tuy nhiên, cuối cùng nhân dân Venezuela, với minh chứng về sự chín muồi trong nhận thức, đã đưa ra một quyết định đúng đắn vì mục tiêu xây dựng đất nước.

Một Tổng thống vô địch bầu cử

Thường bị cho là chuyên quyền hay bình dân chủ nghĩa, nhưng Tổng thống Hugo Chavez lại cho thấy hình ảnh một nhà vô địch bầu cử, từng tổ chức 15 cuộc bỏ phiếu trong vòng 14 năm. Đắc cử Tổng thống năm 1998 với 56% số phiếu, ông lại tái đắc cử năm 2000 với 56,9% số phiếu. Đến năm 2002 ông trải qua một cuộc đảo chính hụt do giới doanh nhân chủ mưu, sau đó ông lại chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2004 do phe đối lập tổ chức. Năm 2006, ông lại đắc cử một cách ngoạn mục trước khi bị thất bại một lần duy nhất trong năm 2007 khi người dân Venezuela phản bác kế hoạch cải cách Hiến pháp. Tuy nhiên, sang năm 2009, ông thuyết phục được người dân Venezuela chấp nhận một tu chính án cho phép Tổng thống tranh cử mãi mãi.

"Hugo Chavez đã làm rất nhiều điều cho chúng tôi. Nhà của tôi bị vùi lấp do lở đất và ông ta đã cho tôi nhà" - anh chàng Isaac Torres, 19 tuổi, vừa bước ra khỏi phòng bỏ phiếu, thổ lộ. Anh ta muốn nhắc tới chương trình nhà ở với mục tiêu xây dựng 2 triệu ngôi nhà và căn hộ từ nay đến năm 2018. Theo Ủy ban Kinh tế vùng châu Mỹ Latinh và Caribe của LHQ, tỉ lệ nghèo đói tại nước này đã giảm 20,8% từ năm 2002 đến 2010. Ngoài ra người dân Venezuela không còn tình trạng mù chữ.

Tuy nhiên có một câu hỏi cấm kị mà giờ đây đã trở nên tất yếu: Ông bị ung thư mà bản chất được giấu kín như "bí mật quốc phòng", đã được phẫu thuật 2 lần, liệu Tổng thống Hugo Chavez có đi hết chặng đường 6 năm sắp tới không? Xét trong quá trình tranh cử, ông đã giảm bớt những cuộc di chuyển và hội họp, vắng mặt nhiều lần. Điều này cho thấy sức lực của ông đã suy yếu nhiều.

M.L. (tổng hợp)

M.T. (tổng hợp)
.
.