Thế hệ nữ chính trị gia mới của nước Đức

Thứ Ba, 22/02/2011, 12:05
Khi Angela Merkel nắm giữ cương vị Thủ tướng nước Đức vào năm 2005, bà có lẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo chính quyền liên bang, trong khi đó tất cả 16 thống đốc bang nhiều quyền lực vẫn là nam giới. Tuy nhiên, hiện nay những gương mặt nắm quyền ở các địa phương của nước Đức đang dần thay đổi.

Đầu tiên là bang miền Đông Thuringia và kế đến là bang miền Tây North Rhine-Westphalia với quyền lực lãnh đạo nằm trong tay phụ nữ. Và bây giờ người phụ nữ thứ 3 đang chuẩn bị nắm quyền lãnh đạo bang. Cuối tháng 1/2011, Annegret Kramp-Karrenbauer - thành viên đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo bảo thủ (CDU) của bà Merkel, được bổ nhiệm làm người kế thừa Peter Muller, Thống đốc đương nhiệm bang miền Tây nước Đức Saarland. Liệu có phải nước Đức đang dần trao quyền lãnh đạo đất nước cho phụ nữ?

Có lẽ hãy còn quá sớm để đưa ra kết luận, song chắc chắn rằng vai trò thống trị của nam giới ở Đức đang dần suy yếu đi. Kramp-Karrenbauer, 48 tuổi và là mẹ của 3 đứa con, thuộc thế hệ mới những nữ chính khách bảo thủ làm chính trị thành công trong khi vừa nuôi dạy con cái, một điều không phù hợp với một nước Đức theo chủ nghĩa truyền thống. Một ví dụ khác là nữ Bộ trưởng Lao động nổi tiếng Ursula von der Leyen, mẹ của 7 người con.

Kramp-Karrenbauer, chính khách được lòng dân nhất ở Saarland theo cuộc thăm dò dư luận, nói rằng: "Những khó khăn do sự kết hợp giữa công việc và gia đình đã giúp cho tôi có được thành đạt trong sự nghiệp". Betina Munimus, nhà khoa học chính trị ở Berlin, nói: "Bà là nữ chính khách CDU nuôi dưỡng hình ảnh người phụ nữ hiện đại biết dung hòa giữa gia đình và nghề nghiệp. Điều đáng quan tâm là có những phụ nữ như thế trong đảng CDU bảo thủ. Chính điều đó đang tạo ra phần nào sự thay đổi".

Doris Pack, nữ thành viên CDU của Nghị viện châu Âu và cựu lãnh đạo hội phụ nữ của đảng nói, những thực tế đó đã giúp thay đổi bộ mặt của CDU. Bà nói, đây là "một cách suy nghĩ mới" trong CDU, một đảng chấp nhận những phụ nữ muốn làm việc và có gia đình. Ở nước Đức, phụ nữ không chiếm giữ vị trí cao trong kinh tế doanh nghiệp, nhưng trên lĩnh vực chính trị thì ngược lại - họ đứng hàng thứ 18 trên thế giới về số người tham gia nghị viện. Để so sánh, không một doanh nghiệp nào trong số 100 công ty hàng đầu của Đức có nữ giám đốc điều hành, và chỉ có 2,2% số thành viên trong ban lãnh đạo là phụ nữ.

Kramp-Karrenbauer trở thành nữ Bộ trưởng Nội vụ bang đầu tiên của nước Đức vào năm 2000 và từng là phó lãnh đạo CDU ở Saarland từ năm 2003. Và vào mùa hè năm nay, bà sẽ chính thức thay thế ông Muller để trở thành Thống đốc bang. Cả Kramp-Karrenbauer lẫn Christine Lieberknetcht, nữ Thống đốc bang Thuringia (thuộc CDU), đều không trải qua một cuộc bầu cử để chiếm giữ vị trí lãnh đạo bang. Bà Lieberknechct nhậm chức sau sự ra đi của Thống đốc Dieter Althaus năm 2009 và trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của CDU sau sự hình thành một liên minh với đảng Dân chủ xã hội.

Nữ chính khách Hannelore Kraft (phải).

Theo Munimus, có một đặc tính trên chính trường nước Đức là phụ nữ thường được ông chủ khích lệ làm chính trị. Munimus cũng cho biết phụ nữ thường nắm giữ quyền lực sau khi cánh nam giới gặp phải khó khăn. Như là Thủ tướng Merkel nắm quyền lãnh đạo đảng năm 2000 sau sự ra đi của Wolfgang Schauble, Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm. Cuối cùng, bà Merkel giữ chức Thủ tướng nước Đức sau sự thất bại của ứng cử viên nam Edmund Stoiber, cựu Thống đốc bang Bavaria, khi đối đầu với Thủ tướng (đảng Dân chủ xã hội Đức SPD) Gerhard Schroder trong cuộc bầu cử năm 2002. Và bà Heide Simonis của đảng SPD chỉ tiếp nhận vị trí lãnh đạo bang miền Nam nước Đức Schleswig-Holstein sau khi người tiền nhiệm là ông Bjorn Engholm phải từ chức sau một scandal năm 1993. Sau khi nắm quyền lực, bà Heide Simonis giữ vững chiếc ghế của mình trong suốt 12 năm.

Munimus, người từng viết một cuốn sách về nghề nghiệp của bà Simonis, nói: "Sau khi nhậm chức, phụ nữ thường rất được lòng người dân và họ sánh ngang với nam giới trong cung cách làm việc. Tuy nhiên, theo Munimus, phụ nữ vẫn tiếp tục nhận được sự trợ giúp của những "bạn bè và đồng nghiệp nam giới, những người mà họ làm việc chung trong suốt nhiều năm và nhận thức được sức mạnh của họ để ủng hộ họ thăng tiến trên chính trường". Tuy nhiên, những nữ chính khách thành công ở nước Đức không chỉ dựa vào sự trợ giúp của người chủ nam giới.

Ví dụ như trường hợp của bà Hannelore Kraft, lãnh đạo SPD của bang North Rhine-Westphalia, đã rất vất vả trong cuộc bầu cử năm 2010 và sau đó dẫn đầu những cuộc thương lượng đầy khó khăn để hình thành một liên minh thiểu số với đảng Xanh.

Không lâu nữa các phụ nữ khác cũng sẽ gia nhập vào hàng ngũ của những thống đốc bang ở Đức. Ở Berlin, Renate Kunast sẽ gặp đối thủ Klaus Wowereit của SPD trong cuộc bầu cử bang sẽ diễn ra trong tháng 9 năm nay. Bất kể con đường đi đến quyền lực của phụ nữ như thế nào, nhưng có vẻ gần như chắc chắn rằng con số những phụ nữ bước vào chính trường Đức ngày một tăng đã cho thấy một diện mạo chính trị mới của nước này. Sự thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong nội các nước Đức hay trong chính trường địa phương sẽ khích lệ nhiều phụ nữ trẻ nữa dũng cảm vào chính trường nước này.

Theo Munimus, trường hợp của bà Merkel cũng như nhiều nữ chính khách khác đã cho thấy một điều là phụ nữ vẫn có được thành công trong chính trị và có thể thay thế nam giới để nắm quyền lãnh đạo cao nhất

Diên San (tổng hợp)
.
.