Thế khó của ông Boris Johnson

Thứ Năm, 13/08/2020, 18:05
Đã tròn 1 năm kể từ khi ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh thay bà Theresa May. Mặc dù đã triển khai một số sáng kiến đáng khen ngợi, song theo nhiều đánh giá và phân tích trên tổng thể, nước Anh, trong giai đoạn điều hành của Thủ tướng Boris Johnson hiện nay đang bị rơi vào tình trạng khó khăn.

Chính phủ của ông Johnson được cho là có một số sáng kiến táo bạo, chẳng hạn như việc hỗ trợ tới 80% cho lao động thất nghiệp, thực hiện chiến dịch y tế cộng đồng quy mô lớn chống lại bệnh béo phì và triển khai những động thái mới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại gây chia rẽ sâu sắc. Tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm mạnh so với thời điểm nhậm chức. Liên hiệp Anh cũng rơi vào cảnh khó xử khi nguy cơ đang xuất hiện ở Scotland và Bắc Ireland.

Kết quả của cuộc họp mới đây nhất tại London về việc Mỹ và Anh sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới đã như một gáo nước lạnh dội vào hy vọng về lời tuyên bố của ông Johnson về một thỏa thuận thương mại tự do mang tính đột phá với Mỹ. Nhập khẩu thực phẩm và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là một vấn đề khác gây tranh cãi giữa 2 nước. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho rằng nước Anh sẽ linh hoạt đối với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, trong khi ông Johnson thì có quan điểm ngược lại.

Ông Johnson từng được đánh giá là có nhiều ý tưởng táo bạo.

Về nội bộ, có vẻ như, tuyên bố chính trị mà ông Johnson đã ký vào tháng 10-2019 như một phần của thỏa thuận Brexit dường như đã bị phá vỡ. Nghị viện Anh đã kiên quyết chống lại việc không có một thỏa thuận nào về Brexit, trong khi ông Johnson nhấn mạnh rằng ông muốn có một thỏa thuận thương mại với Brussels với vai trò là tâm điểm của quan hệ Anh - EU hậu Brexit. Đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Anh và EU.

Trong khi đó, tuy tỏ ra ít quan tâm đến các cuộc đàm phán nhưng ông Johnson đã 2 lần thẳng thừng từ chối yêu cầu của EU về việc gia hạn thời gian chuyển tiếp so với thỏa thuận ban đầu với lý do cần thêm thời gian để giải quyết các vấn đề phức tạp. Ông đã từ bỏ một số điều khoản chi tiết trong Tuyên bố chính trị và gần đây đã chỉ đạo các bộ trưởng chuẩn bị cho một kịch bản không có thỏa thuận mới nào sau Brexit.

Động thái này khiến hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp Anh viết thư cho Thủ tướng Johnson để khẳng định rằng việc Anh rời khỏi thị trường và liên minh hải quan châu Âu mà không đạt được thỏa thuận nào sẽ gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế nước này, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp đang gia tăng đến mức khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh giảm khoảng 25%.

Được biết, sau khi EU thông qua khoản 750 tỷ euro quỹ hỗ trợ phục hồi sau dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo EU đã tỏ ý ưu tiên xây dựng một FTA với Anh. Trưởng đoàn đàm phán của EU đã phát tín hiệu cho thấy khả năng sẵn sàng linh hoạt về các tiêu chuẩn để có thể mang lại một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp 2 bên. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có dấu hiệu đáp lại nào từ London.

Hiện tại, mối đe dọa lớn nhất đối với Anh là viễn cảnh độc lập của Scotland. Lần đầu tiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người dân Scotland ủng hộ việc chấm dứt liên minh với Anh và đảng Quốc gia Scotland đang hướng tới đa số phiếu cần thiết trong cuộc bầu cử vào tháng 5-2021 tại Scotland. Nếu đảng này có đủ số phiếu cần thiết, thì ông Johnson sẽ rất có khả năng phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra, số người ủng hộ đảng Bảo thủ cao hơn 25% so với Công đảng. Tuy nhiên, sự kém hiệu quả của chính quyền hiện tại trong công tác xử lý dịch bệnh đã khiến tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm tới mức ngang bằng với Công đảng. Người dân Anh tỏ thái độ tức giận khi hàng chục triệu người được phép bay vào Anh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mà không qua kiểm tra. Đội ngũ bác sĩ, y tá và điều dưỡng tuyến đầu không được cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân trong nhiều tuần.

Tin nhắn của chính phủ gây nhầm lẫn, quá trình xét nghiệm diễn ra chậm chạp và có nhiều sai sót, trong khi đó việc truy vết gần như không được thực hiện... Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông Johnson thừa nhận những sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng lại đổ lỗi cho những khuyến cáo của giới khoa học.

Vấn đề Scotland sẽ là một thách thức lớn đối với ông Johnson.

Vị trí cố vấn trưởng của ông Johnson, ông Dominic Cummings cũng gây lo ngại. Ông Commings được biết là đã vi phạm quy định phong tỏa của chính phủ trong đại dịch nhưng ông Johnson đã từ chối yêu cầu của các nghị sĩ lưỡng đảng về việc sa thải ông này. Việc ông Cummings thường xuyên vi phạm lệnh giãn cách xã hội đã khiến người dân tức giận đến mức cho rằng cần phải có một đạo luật riêng dành cho ông.

Quyết định mới đây của ông Johnson về việc tăng số lượng nghị sĩ trong Thượng viện mà không thông qua bầu cử, lên 830 người, cũng vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ. Câu chuyện nằm ở chỗ, trong thời kỳ trước, sau khi có tin 130 nghị sĩ không đóng góp vào bất cứ cuộc tranh luận nào tại Thượng viện, chính quyền của bà Theresa May đã cam kết giảm số lượng nghị sĩ và nhận được nhiều ủng hộ. Giờ thì ngược lại.

Những nghị sĩ mới, một vài trong số đó từng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Johnson trong chiến dịch Brexit, bao gồm Philip May - chồng của bà Theresa May; Evgeny Lebedev, tỷ phú người Nga và là chủ tờ báo Evening Standard. Quyết định này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ủy ban An ninh Hạ viện công bố báo cáo về sự gia tăng ảnh hưởng của Nga đối với nền chính trị Anh.

Vũ Dũng (Tổng hợp)
.
.