Thổ Nhĩ Kỳ: Bóc trần một âm mưu đảo chính

Thứ Năm, 07/01/2010, 16:55
Cơ chế độc lập của quân đội với các đảng phái chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn được coi là mối đe dọa lớn cho chính thể tại quốc gia Hồi giáo này. Những âm mưu đảo chính của quân đội trong suốt lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ không hiếm nhưng vụ bắt giữ hai sĩ quan quân đội ngày 19/12/2009 gần nhà riêng của Phó thủ tướng nước này vì bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ lại mang những nét rất riêng biệt.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ: trong đêm ngày 25, rạng sáng ngày 26/12/2009, lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành lục soát tổng hành dinh của các lực lượng quân đội đặc biệt, đây được coi là "thánh địa" của Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ lục soát trên, do bộ phận tư pháp dân sự đảm trách, nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra về một âm mưu đảo chính chống lại Phó thủ tướng Bulent Arin.

Ngày 19/12, 2 trong số 8 sĩ quan quân đội bị tạm giữ được cho là đầu sỏ trong vụ bê bối gây rúng động chính trường Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua. Họ được xác định là đang "lảng vảng" quanh nhà riêng của Phó thủ tướng Bulent Arin, một trong những người sáng lập đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền.

Những sĩ quan này tới đây để do thám tình hình, chuẩn bị lên kế hoạch cho một vụ ám sát, hoạt động tình báo hay xung đột giữa các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ?

Sau 4 ngày im lặng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát đi một thông báo chứng minh rằng sự xuất hiện của hai sĩ quan trên gần nhà riêng của Phó thủ tướng Bulent Arin là nhằm mục đích lật tẩy một kẻ nội gián bên trong quân đội và đang trú ngụ gần nhà của ông Bulent Arin.

Một dấu hiệu trước đó cho thấy vụ việc không đơn giản như những lời thanh minh của quân đội. Đó là việc chỉ trong 3 ngày, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và Tổng Tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Basbug, đã gặp nhau 2 lần liên tiếp và đàm thoại trong nhiều giờ liền. Giữa tháng 12/2009, tướng Ilker Basbug từng cảnh báo rằng sẽ có những cuộc xung đột giữa các thể chế nhà nước.

Trước đó hồi tháng 6/2009, tờ nhật báo Taraf Thổ Nhĩ Kỳ công bố tài liệu có tên "Kế hoạch hành động để chống lại trào lưu chính thống tôn giáo", được tìm thấy trong văn phòng luật sư của một quan chức quân sự nghỉ hưu có tham gia mạng lưới Ergenekon - một mạng lưới cực đoan theo đường lối quốc gia chủ nghĩa bị cáo buộc lên kế hoạch cho những vụ bạo động nhằm gây bất ổn cho đảng AKP.

Tài liệu này, còn có cả chữ ký của một quan chức quân sự khác làm việc cho Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng vạch ra một kế hoạch nhằm phá hoại chính phủ của đảng AKP. Điều đáng nói là tài liệu này có thể lại được soạn thảo bởi những quan chức quân sự thân cận nhất của viên Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, kế hoạch đảo chính lần này, có tên gọi "Nhà giam" và do các sĩ quan hải quân tiến hành, dự định sẽ ám sát những chính khách không phải là người Hồi giáo nhằm làm mất uy tín cho chính phủ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. 

"Còn bao lâu nữa thì chúng ta mới được đảm bảo rằng quân đội sẽ không còn dính dáng gì tới các phe phái chính trị trong nước. Điều tồi tệ là những vụ như trên đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua và có nguy cơ làm mất uy tín của quân đội trong lòng dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân lo sợ quân đội rồi đây sẽ không còn đảm bảo được những nhiệm vụ hợp pháp nữa.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Điều này có thể sẽ dẫn tới tình trạng các gia đình sẽ không gửi con em họ vào một lực lượng quân đội mà chức năng chính là chuẩn bị các âm mưu chống lại người dân"- Gulay Gokturk, chủ bút tờ Bugun viết trong bài xã luận ra ngày 26/12/2009.

Nếu tham gia vào chính trị với mục đích là làm suy yếu những người theo đạo Hồi, theo nhà phân tích Derya Sazak, thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn thất bại: "5 năm sau cuộc đảo chính ngày 28/2/1997, đảng AKP đã lên nắm quyền điều hành đất nước. Vào giữa kỳ bầu cử tổng thống năm 2007, trang web của Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công bố một giác thư tố cáo ứng cử viên Abdullah Gul nhưng điều kỳ lạ là đảng AKP vẫn giành chiến thắng. Rõ ràng hiện giờ chúng ta không còn sống trong thời kỳ của các nhóm binh sĩ làm mưa làm gió, lại càng không phải là thời của những cuộc đảo chính!".

Theo truyền thống, các lực lượng vũ trang trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế quyền lực chính trị quan trọng, tự coi mình là người bảo vệ di sản của Ataturk (người sáng lập và là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ).

Họ đã thực hiện 4 cuộc đảo chính từ năm 1960 đến nay. Riêng trong năm 2009, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cáo buộc 4 lần âm mưu đảo chính, đó là những lần vào tháng 2, tháng 6, tháng 11 và vụ việc hôm 26/12 vừa qua.

Thông qua Hội đồng An ninh quốc gia, quân đội gây ảnh hưởng tới chính sách về các vấn đề mà họ coi là mối đe dọa tới đất nước, gồm cả vấn đề liên quan tới cuộc nổi dậy của người Kurd, và chủ nghĩa Hồi giáo.

Trong những năm gần đây, các cuộc cải cách đã được tiến hành để tăng cường sự hiện diện dân sự trong Hội đồng An ninh quốc gia. Dù ảnh hưởng trong lĩnh vực dân sự đã giảm bớt, quân đội tiếp tục được quốc gia ủng hộ vai trò quan trọng của họ, thường xuyên được người dân coi là thể chế đáng tin cậy nhất.

Không giống như các lần trước, lần này Thủ tướng Erdogan không muốn làm lớn chuyện. "Một thể chế toàn diện không thể bị kết tội chỉ bởi một vài cá nhân" - ông Erdogan tuyên bố sau cuộc gặp trong 3h sáng ngày 26/12 với tướng Basbug.

Theo nhận xét của báo Murat Yetkin thì chính mong muốn của cảnh sát và một bộ phận ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết "ân oán" với quân đội và các cơ quan tình báo đã khiến xuất hiện những căng thẳng giữa các thể chế nhà nước

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.