Thổ Nhĩ Kỳ: “Cây gậy” của tổng thống dành cho giới truyền thông

Thứ Tư, 17/02/2016, 15:15
Những hình thức đe dọa, những vụ khởi tố, bạo hành chống lại các nhà báo, các mạng Internet bị phong tỏa, các tờ nhật báo bị bóp nghẹt… tất cả nằm trong chiến lược gây căng thẳng mà Tổng thống Erdogan muốn có đối với các phương tiện truyền thông. Dường như ông Erdogan tin rằng, khi mà đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, người ta sẽ bầu cho người nào mạnh mẽ nhất, mà Erdogan thì luôn cho rằng mình chính là kẻ đó.

Vài tuần trước kỳ bầu cử Quốc hội (ngày 1-11-2015), chính phủ cầm quyền (do đảng AKP Hồi giáo bảo thủ lãnh đạo) mãn nhiệm. Vì lo lắng không thể tìm được đa số tuyệt đối tại Quốc hội sau 13 năm liên tục cầm quyền, AKP đã gia tăng các cuộc tấn công chống lại toàn thể giới truyền thông vốn không tuân theo đường lối của chính phủ.

Tờ Zaman là ấn phẩm thuộc một trong những tập đoàn truyền thông lớn, đứng đầu là ông Fethullah Gulen, một nhà thuyết giáo sống lưu vong tại Mỹ, người không ngừng lên án Tổng thống Erdogan là kẻ muốn áp đặt một chế độ độc tài theo Hồi giáo. Tờ nhật báo này đóng một vai trò quan trọng trong những vụ phát hiện tham nhũng trong nhóm cầm quyền, bắt đầu từ dòng họ của tổng thống.

Ông Celil Sagir, Phó Tổng Biên tập tờ Today's Zaman cũng bị Thủ tướng Ahmet Davutoglu truy tố ra tòa để thẩm vấn về một mẩu tin nhỏ (tweet), giải thích: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ có một chính trị gia tổ chức chiến dịch cùng với kinh Coran. Ông ta sẵn sàng làm mọi cách để được tại vị. Ông ta kiểm soát cảnh sát, thẩm phán, viên chức chính phủ, chỉ có quân đội là đang ngoài tầm kiểm soát của ông ta".

Các nhà báo, những người Hồi giáo, những người vô thần, người Kurd, phe tả hoặc phe tự do, tất cả đều đang bị theo dõi. Vào tháng 10-2015, Tập đoàn Koza Ipek, một liên hiệp các xí nghiệp giàu có cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của ông Gulen và là chủ nhân của các nhật báo và các kênh truyền hình, đã bị khám xét, bị kết tội "tài trợ cho nhóm khủng bố của Gulen".

Giám đốc Ban Biên tập của tờ nhật báo Cumhuriyet (theo khuynh hướng xã hội, dân chủ và thế tục), ông Can Dundar, đã phát hiện ra các chuyến hàng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tới biên giới Syria, chính ông này cũng bị điều tra về hành động gián điệp từ nhiều tháng nay.

Được phóng thích vào ngày 14-10-2015 sau 5 ngày bị giam giữ, Tổng Biên tập nhật báo Today's Zaman, ông Bulent Kenes, ngay lập tức bắt tay ngay vào công việc quen thuộc. "Sợ gì mấy tên kiểm sát đó, chỉ là những con rối của chính quyền thôi", và ông tiếp tục lên mạng xã hội twitter, "để đảm bảo nền dân chủ và nhà nước của lẽ phải". Chính vì những mẩu tin ngắn (tweet) gồm 140 ký tự đó đã khiến ông bị thẩm vấn và bị buộc tội là đã "lăng mạ" Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Chính phủ cầm quyền của Tổng thống Erdogan gia tăng các cuộc tấn công chống lại giới truyền thông.

Trước đó không lâu, chính giám đốc quảng cáo của tạp chí Nokta đã bị tạm giữ vì đã cho lên trang nhất một tấm ảnh ghép cho thấy Tổng thống đang tự chụp ảnh trước quan tài một người lính. Đối với Tổng thống thì đây là vấn đề không thể chịu đựng được.

Bà Ezgi Basaran là Tổng Biên tập báo Radikal, được xem là tờ Libération của báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, là tờ báo thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn truyền thông Dogan có ảnh hưởng (tập đoàn này có nhiều nhật báo, nhiều kênh truyền hình như Kanal D và CNN Turk), hiện đang bị kết tội "truyền bá khủng bố" vì đã phát tán những bức ảnh "không kiểm duyệt" chụp tử thi những người lính Thổ Nhĩ Kỳ, nạn nhân của những vụ mưu sát.

Tối ngày 6-9, bà Ezgi Basaran có mặt tại trung tâm thành phố Istabul, trong tòa nhà là nơi ở của nhóm truyền thông của Dogan, thì một đám đông những người biểu tình dựa thế đảng AKP của Tổng thống Erdogan do một trong những đại biểu của đảng này dẫn đầu, đã tấn công tòa nhà trước sự thờ ơ của cảnh sát. "Như những tên điên, họ xem chúng tôi là kẻ phản bội. Chúng tôi cố thủ trong các tầng lầu, nhưng tôi tin chắc rằng, chúng tôi sẽ vượt qua tất cả”.

Mục tiêu của cuộc tấn công chính là nhật báo Hurriet (lượng phát hành 500.000 tờ), một trong những tờ báo lâu đời nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, là tờ báo từng cho đăng bài phát biểu vụng về của Tổng thống. Ngày 1-10, chính nhà báo nổi tiếng của tờ Hurriet và của CNN Turk là Ahmet Hakan đã bị tấn công ngay trước nhà ông ta. Ông bị gãy mũi và gãy một xương sườn. Hakan nhận được những lời đe dọa được tiết lộ từ một tờ nhật báo của chính phủ.

Nhà báo nữ Selahattin Demirtas giải thích: "Các đảng viên của Tổng thống Erdogan kết án chúng tôi là phục vụ cho đảng PKK (đảng Công nhân người Kurd), vì chúng tôi phỏng vấn Chủ tịch đảng HDP thân người Kurd (chiếm 12,9% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu Quốc hội). Nhưng chúng tôi chỉ làm công việc của mình”.

Bà Ezgi Basaran tin rằng đến lượt mình cũng bị đe dọa giết, và bà biết rằng chính quyền có rất nhiều lý do để nổi giận. Chính tờ Radikal đã đưa lên mạng những hình ảnh thô bạo của cảnh sát chống lại người biểu tình tại công viên Gazi vào mùa xuân năm 2013. Những hình ảnh đó đã hủy hoại danh tiếng của chính quyền trước người nước ngoài và cho người trong nước biết là có một cuộc đối đầu mới. Cũng chính tờ Radikal vào tháng 7-2015 đã công bố những cuộc điều tra về việc IS đang tuyển mộ những người Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thánh chiến.

Giới truyền thông độc lập dám chỉ trích chính quyền đều bị đủ loại hình thức đe dọa gây áp lực. Việc bị cảnh sát tra hỏi và đưa ra trước tòa án hoặc những vụ tấn công chỉ là những phương cách dễ thấy nhất. Điều khoản 299 của Bộ luật Hình sự Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn những "lời lăng mạ" nguyên thủ quốc gia đã tạo cơ hội cho hơn 230 vụ khởi tố do các luật sư của Tổng thống Erdogan tiến hành kể từ năm 2008, vừa chống lại các nhà báo vừa chống lại các họa sĩ biếm họa được xem là quá khiêu khích.

Một trong các nhân chứng: Ông Bulent Kenes của tờ Today's Zaman đã bị bắt giữ vì một bản tin Tweet.

Chính quyền cũng không ngần ngại đánh vào hầu bao của giới truyền thông. Đã 8 năm nay, Tập đoàn Dogan luôn phản đối tòa án về khoản tiền phạt thuế khổng lồ - gần 5 tỉ đồng livre Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 1,6 tỉ euro theo tỷ giá hiện hành). Chủ nhân của tập đoàn này là trùm tư bản Aydin Dogan 79 tuổi, vì bị đe dọa trong các nguồn lợi kinh tế, nên đã hủy bỏ các khế ước với ngân hàng, với các cây xăng, các khách sạn của ông ta, chỉ giữ lại phần quan trọng thuộc vương quốc truyền thông của ông, được điều hành bởi những cô con gái của ông được đào tạo tại Mỹ. Dĩ nhiên, ở đây cũng như trong các tờ báo của ông Gulen, các nguồn thu về quảng cáo có nguồn gốc từ các nhóm lợi ích thân cận với chính quyền đều cạn kiệt.

Mặt khác, theo như lời tố cáo của nhà báo Celil Sagir làm việc cho tờ Today's Zaman, thì trong các thành phố được điều hành bởi các hội đồng thị chính thuộc đảng AKP, các thuê bao "những nhật báo xấu" đều bị tay chân của các thị trưởng ngăn chặn các nhật báo của họ. Trong thời gian gần đây, lần lượt các thuê bao kỹ thuật số bị đóng cửa không cho tiếp cận các kênh truyền hình không được chính quyền kiểm soát.

Trên Internet, các đạo quân "quỷ lùn" đích thực (các đảng viên của Tổng thống Erdogan) luôn quấy rối các tài khoản của các nhà báo chỉ trích: "Họ xem chúng tôi như người Do Thái, người Armenia, người đồng tính", ông Celil Sagir vừa nói vừa đưa ra một tấm ảnh ghép ông ta trong bộ dạng của một vũ nữ múa bụng in trên trang nhất của một tạp chí đồng tính nước ngoài.

Ông Nazim Alpman, người dựng chương trình truyền hình cho IZ TV và là người viết thời luận cho nhật báo cánh tả Birgun, vừa mới hoàn tất một cuốn phim tài liệu về tự do báo chí. "Làm báo tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn gặp rắc rối với chính quyền, đây là vấn đề đã có từ lâu. Nhưng tất cả những ai đã từng làm nhà báo được tôi phỏng vấn đều nhất trí: chính bây giờ mới là thời kỳ khó khăn nhất.        

Các nhà báo nước ngoài cũng bị nhắm đến. Vào tháng 4-2015, hai nhà báo người Anh của tờ Vice News bị kết án vì "tội giúp đỡ cho một tổ chức khủng bố" trong khi sự thật là họ có mặt tại miền Đông Nam bán đảo Tiểu Á để tường trình việc tái diễn các trận chiến với quân du kích người Kurd. Một nữ thông tín viên người Hà Lan cũng bị trục xuất. Còn Internet thì bị kiểm soát ngày càng gắt gao hơn; các đường truyền thì bị chậm hoặc bị nghẽn vào những lúc có tin thời sự nóng bỏng nhất.

Thực tế thì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng hàng thứ 4 trong số các quốc gia thích các mạng xã hội nhất trên thế giới. Từ nhiều tháng nay, các mạng xã hội như Twitter, Facebook hoặc Youtube thường xuyên bị gây nhiễu. Đây là các mạng phát tán những băng ghi hình các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Erdogan với gia đình ông ta và có liên quan đến những trường hợp tham nhũng hoặc những vụ can thiệp trong lĩnh vực tư pháp.

Quốc hội cũng đã bỏ phiếu cho nhà cầm quyền được phép phong tỏa một địa chỉ Internet không cần thông qua một quyết định của tòa án, trong khi trước đó Tòa Hiến pháp đã kiểm duyệt rồi.

Bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng tại Syria và nỗi sợ hãi thấy Thổ Nhĩ Kỳ đổ 2 triệu người tị nạn sang đất nước của mình mà không báo trước nên người Mỹ và các nước châu Âu chỉ phản đối chiếu lệ. Cho dù các vị lãnh sự Pháp, Anh và Đức tại Istanbul muốn viếng thăm tòa soạn báo Hurriyet và nhà báo Ahmet Hakan bị bạo hành, thì các chính phủ phương Tây vẫn tỏ ra dè dặt.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Việc siết chặt thô bạo giới truyền thông tại Thổ Nhĩ Kỳ có tương hợp với việc "tạo đà mới" cho tiến trình gia nhập vào Liên minh châu Âu của Ankara?

Bị Bruxelles bỏ quên, các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đấu tranh. Trong đại sảnh của tòa nhà dành cho Ban biên tập của Zaman, một bức ảnh lớn được treo bên trên một khẩu hiệu mang khẩu khí một lời thề: "Susmayacagiz" (Chúng tôi không im tiếng).

Nhà báo Bulent Kenes kết luận: "Nếu chúng tôi không lên tiếng thì toàn thể nước Thổ Nhĩ Kỳ này sẽ trở thành một nhà tù lộ thiên. Hồi mới bắt đầu tấn công chính quyền chuyên chế này cách đây 4 năm, tôi đã biết mình sẽ chuốc lấy những nguy cơ nào, nên tôi đã lập di chúc rồi”.

Minh Thu (theo L'Epress)
.
.