Thomas Sankara của Burkina Faso

Thứ Ba, 10/12/2019, 21:40
Vào ngày 4-8-1983, tại một đất nước châu Phi có tên Thượng Volta tiếp tục xảy ra một cuộc đảo chính. Đây đã là cuộc đảo chính lần thứ tư xảy ra tại nước này chỉ trong vòng 17 năm.

Chiếm chính quyền là những người ủng hộ đại úy quân đội quốc gia Thomas Sankara khi đó mới 33 tuổi, người từng bị quản thúc tại gia vì trung thành với chủ nghĩa Mác-Lenin. Sankara sớm đổi tên đất nước thành Burkina Faso.

Cải cách mạnh mẽ và toàn diện

Người dân phản ứng với điều này một cách lãnh đạm vì cho rằng chính quyền mới sẽ không có gì mới. Song dân chúng đã lầm. Ở châu Phi, các tổng thống người bản địa thường hành động theo cách: giành chính quyền, xử tử phe đối lập và sau cuộc cách mạng mới sẽ chạy sang châu Âu hoặc châu Mỹ với một va li đầy tiền.

Tuy nhiên, Tổng thống Sankara lại hoàn toàn khác biệt. Ông đã từ chối mức lương dành cho tổng thống 2.000 đô la/tháng và sống bằng tiền lương của một sĩ quan quân đội (450 đô la). Ông đã trợ cấp cho một trại trẻ mồ côi.

Hơn thế, Sankara còn làm những điều không tưởng xét theo những quy chuẩn của châu Phi: ông cho bán đi tất cả những chiếc xe Mercedes đắt tiền tại nhà xe của chính phủ và mua lại những chiếc xe nhỏ khiêm tốn Renault 5 để thay thế. Các quan chức đã bị giảm lương và bị cấm bay với vé hạng thương gia. Bản thân Sankara mua vé máy bay hạng thường dân để đi thăm chính thức các nước láng giềng.

Tổng thống Sankara đã không trang bị cho văn phòng của mình máy điều hòa không khí bất chấp cái nóng khủng khiếp: “Nếu như ở nước ta đa số người dân không thể có được thứ đó thì thật xấu hổ khi sống xa hoa như vậy! Tôi có bị đổ mồ hôi cũng không sao”. Các quan chức của các bộ được lệnh từ bỏ trang phục Âu phục sang trọng và dùng chiếc áo choàng loại vải bông do địa phương sản xuất.

Mỗi dịp Giáng sinh, các bộ trưởng bắt buộc phải đóng góp lương tháng của mình cho người nghèo. Rất nhiều quan chức được phái đến các trang trại, cày ruộng, chăn nuôi bò “để biết được dân thường sống thế nào và họ kiếm tiền trang trải cuộc sống ra sao”. Hơn nữa, tổng thống không cho treo chân dung của mình tại các bộ. Ông nói: “Cần gì khuôn mặt của tôi. Trong nước đã có 7 triệu người như tôi rồi”.

“Những thiếu niên Cách mạng” thời ông Sankara.

Phản ứng của phe phản nghịch

Các quan chức bắt đầu phát điên lên nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Sankara ra lệnh cho toàn bộ đàn ông cả nước ít nhất một lần trong năm phải đi chợ, mua thực phẩm và nấu ăn cho vợ mình: “Hãy chứng tỏ với vợ rằng bạn san sẻ cuộc sống với cô ấy, hãy hiểu là cô ấy đã phải vất vả thế nào với việc nội trợ và chăm sóc con cái”. Và ngày 8-3 tại Burkina Faso được coi như ngày lễ quốc gia.

Những cải cách ở quy mô lớn đã được thực hiện trong tất cả mọi lĩnh vực. Sau khi tịch thu trang trại của những địa chủ lớn, tổng thống đã giao đất canh tác cho nông dân. Kết quả là thu hoạch lúa mì đã tăng 2,5 lần và nạn đói trong nước chấm dứt. Ông kiên quyết khước từ sự hỗ trợ lương thực của Tây Âu và Mỹ, tuyên bố: “Chẳng có cái gì được cho không một cách đơn giản như vậy... Ai nuôi bạn thì sẽ kiểm soát bạn”.

Còn một tuyên bố khác đã làm cho phương Tây sốc nặng: Sankara thông báo - về lý thuyết - châu Phi có thể sẽ từ chối trả các khoản nợ bởi “thật kỳ lạ việc những người nghèo và bị bóc lột lại đưa tiền của mình cho những kẻ bóc lột giàu có”. Tại thủ đô Ouagadougou, Tổng thống đã mở một siêu thị đầu tiên trong lịch sử Burkina Faso với giá thực phẩm ổn định.

Tòa án Cách mạng nhân dân do ông thành lập ở khắp nơi đã kiểm tra các trường hợp quan chức tham nhũng, những kẻ trộm ngân sách nhà nước và những kẻ phản cách mạng. Không có vụ xử tử nào kể từ khi Tổng thống bãi bỏ án tử hình nhưng án phạt là không hề nhẹ: với tội nhận hối lộ 100 đô la sẽ bị phạt 10 năm tù.

Để ngăn chặn nguy cơ sa mạc hóa, Sankara đã cho trồng 10 triệu cây xanh. Có 2,5 triệu trẻ em được tiêm chủng để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm. Các tộc trưởng của bộ lạc bị tước các đặc quyền và tài sản, các loại cống nạp từ nông dân và việc làm không công cho các “chúa đất” bị hủy bỏ. Quốc gia này đã ngừng nhận các khoản vay với lãi suất cắt cổ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nói chung, ở phương Tây người ta không thể chịu được những chuyện như vậy, đặc biệt là khi Sankara ca ngợi Lenin, cũng như Cuba và Liên Xô. Không ai ở châu Âu và Mỹ vui mừng vì sự xuất hiện của một “tiền đồn” XHCN mới ở châu Phi.

Các cơ quan tình báo của Pháp (Burkina Faso là thuộc địa cũ của Pháp) đã chuẩn bị một cuộc đảo chính tiếp theo và họ bỏ ra một số tiền lớn tại thời điểm đó là 5 triệu đô la cho việc này. Ngay lập tức xuất hiện những kẻ sẵn sàng tham gia vào âm mưu trên. Đó là những người đã bị tổn hại quyền lợi trong số các lãnh đạo và quan chức tham nhũng. Một số quân nhân cũng không thích việc Sankara đã không cho phép ném bom vào dân thường của đối phương trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi.

Kết cục

Ngày 15-10-1987 một nhóm lính đã tấn công dinh tổng thống tại thủ đô Ouagadougou. Đứng đầu cuộc nổi loạn chính là người bạn thân của Tổng thống Sankara, một chiến hữu lâu năm, thủ tướng chính phủ, đại úy Blas Compaore. Tổng thống Thomas Sankara bị bắt và bị sát hại, thi thể bị giấu và chôn trong một ngôi mộ vô danh.

Thực tế là sau khi khai quật thi thể tổng thống của Burkina Faso năm 2015 mới biết là ông đã bị bắn ngay mà không cần xét xử và điều tra. 12 viên đạn được bắn ra từ 3 loại vũ khí đã được tìm thấy trong hài cốt của tổng thống. Trong những lần tìm kiếm tài sản cá nhân của Thomas Sankara, chỉ thấy có một chiếc xe hơi Peugeo gỉ sét, chiếc tủ lạnh cũ, tủ đông bị hỏng, 3 cây đàn guitar và 4 chiếc xe đạp. Không hề có hàng tỉ đô la trong các ngân hàng Thụy Sĩ, không có xe thời thượng cũng như vàng miếng hay kim cương gì cả.

Blaise Compaore, đã nắm quyền lực trong 27 năm với tư cách là một nhà độc tài quân sự đúng nghĩa. Compaore bị lật đổ vào năm 2014 vì một cuộc nổi dậy của dân chúng và bị trục xuất khỏi đất nước.

Hải Yến (tổng hợp)
.
.