Thông điệp liên bang phiên bản Pháp

Thứ Năm, 06/07/2017, 11:40
Hôm thứ Hai 3-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trở lại nơi khai sinh nền Cộng hòa Pháp - Cung điện Versailles. Tại đó, ông đã có bài phát biểu đầu tiên trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu. Bài phát biểu được xem là tuyên bố triển khai chính sách mới của Tổng thống Macron.

Kỳ nghỉ hè của Tổng thống Macron đã chính thức kết thúc hôm 3-7 khi ông bắt đầu triển khai các chính sách điều hành đất nước. Macron chọn Cung điện Versailles để phát biểu trước Quốc hội mới được xem là động thái bình thường trong thời gian gần đây, mỗi khi Tổng thống Pháp cần thảo luận một vấn đề gì trọng đại của đất nước.

Trước ông, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã từng họp với Quốc hội tại Cung điện Versailles vào năm 2009 để bàn việc thay đổi Hiến pháp; và Tổng thống Francois Hollande cũng họp Quốc hội tại đây sau loạt vụ khủng bố năm 2015 để tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Phiên họp ngày 3-7 của Macron là lần đầu tiên Tổng thống Pháp đứng trong Cung điện Versailles để phát biểu đưa ra các chính sách điều hành quốc gia, một kiểu phát biểu giống như bài phát biểu Thông điệp liên bang hằng năm của Tổng thống Mỹ và Nga.

Theo thông báo từ Điện Élysée, ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14-7) năm nay, Tổng thống Macron sẽ không tổ chức cuộc đối thoại báo chí trên truyền hình như thông lệ trước đây. Điện Élysée đưa ra lời giải thích vòng vo cho quyết định này, nhưng chung quy mọi người đang chú ý vào chiều hướng hạn chế giao tiếp với báo chí của Tổng thống Macron.

Người ta để ý thấy rằng từ khi được bầu làm Tổng thống Pháp, ông Macron rất ít xuất hiện trên báo chí, và người ta phải chờ đợi rất lâu để được thấy ông xuất hiện. Trong các chuyến công du nước ngoài của Macron cũng hạn chế số lượng nhà báo cùng đi và Điện Élysée có sự tuyển lựa kỹ lưỡng hơn trước đây.

Giới quan sát nhận định rằng với cách giao tiếp báo chí này, Tổng thống Macron đang cố gắng tỏ ra thận trọng, tránh rơi vào những sai sót mà những người tiền nhiệm mắc phải do tiếp xúc và nói chuyện với báo chí quá nhiều.

Nhưng chiến lược giao tiếp báo chí hạn chế này cũng đang làm nảy sinh vấn đề về hình ảnh, về phong cách quyền lực của Tổng thống Pháp. Công chúng Pháp đang bất bình vì tổng thống của họ đang “xa lánh” họ nhiều quá, không thể hiện được hình ảnh của một chính khách quốc gia là hiện thân của quyền lực tối cao được giao phó.

Vai trò chính khách quyền lực này đã được khai sinh cùng với nền Đệ ngũ Cộng hòa, với Tổng thống Charles de Gaulle là vị tổng thống đầu tiên nắm quyền lực tối cao trong tay, nhằm sửa chữa những bất ổn trước đó do quyền lực nằm trong tay lưỡng viện Quốc hội. Đến thời Macron, ranh giới quyền lực chính trị hầu như đã bị xóa nhòa, bởi ông vận động tranh cử không dựa vào tầng lớp chính trị thuần túy, mà thu hút mọi tầng lớp công chúng trong xã hội cùng tham gia, kể cả người từ các chính đảng khác, từ đó làm lu mờ các đảng phái chính thống, và ví thế xóa mờ luôn vị thế chính đảng đối lập.

Không có lực lượng đối lập chính thống, quyền lực trong tay Macron càng cao hơn các Tổng thống trước đây, có thể sánh với quyền lực của một Pha-ra-ôn.

Tổng thống Macron phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Pháp hôm 3-7.

Trở lại bài phát biểu “thông điệp liên bang” kiểu Pháp. Nội dung bài phát biểu đưa ra các chính sách sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, gồm: Dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối năm nay; ban hành pháp luật chống khủng bố mới nhằm chống chủ nghĩa cực đoan một cách hiệu quả hơn; cắt giảm một phần ba quy mô nghị viện; dẫn đầu công cuộc thổi sức sống mới vào Liên minh châu Âu (EU).

Chính sách tình trạng khẩn cấp được ban hành vào tháng 11-2015 sau loạt khủng bố làm chết hàng trăm người ở Paris. Chính sách này đã được gia hạn 5 lần, và người ta mong đợi nó sẽ lại được gia hạn thêm khi hết hạn vào giữa tháng 7. Nhưng tình trạng khẩn cấp kéo dài không giải quyết được vấn đề cơ bản là làm sao chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan một cách hiệu quả hơn. Vì thế, Tổng thống Macron sẽ thực hiện việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối năm nay, tròn 2 năm sau khi ban hành.

Bước tiếp theo là ông sẽ vận động Quốc hội ban hành pháp luật chống khủng bố mới. Luật mới này sẽ cho phép các cơ quan chức năng quyền đóng cửa đến 6 tháng các nhà xưởng được cho là khuyến khích, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan. Luật mới cũng cho phép các cơ quan chức năng hành động mà không cần đến sự cho phép của tòa án trong việc bảo đảm an ninh các khu vực hoặc sự kiện có nguy cơ về an ninh.

Thời điểm Tổng thống Macron công bố chính sách chống khủng bố mới, cảnh sát Pháp thông báo đã bắt được một kẻ được cho là có âm mưu ám sát ông vào ngày Quốc khánh 14-7 tới.

Việc cải cách chính trị là một việc nhạy cảm, có thể ảnh hưởng lớn đến vị thế chính trị của chính ông trong Quốc hội. Với 308 ghế giành được trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, đảng La Republique En Marche (La REM) của Macron chiếm ưu thế lớn với đa số tuyệt đối trong Hạ viện 577 ghế.

Việc cắt giảm một phần ba số đại biểu Quốc hội theo kế hoạch cải cách của ông sẽ làm cho số nghị sĩ của đảng La REM giảm đáng kể. Tuy nhiên, số lượng nghị sĩ ở các đảng khác cũng giảm tương ứng, còn tỉ lệ phiếu đại biểu tại Quốc hội vẫn không thay đổi.

Theo kế hoạch, số nghị sĩ Thượng viện sẽ giảm từ 348 xuống còn 232 nghị sĩ, Hạ viện từ 577 xuống còn 385. Macron cho biết, nếu Quốc hội không đồng tình với kế hoạch cải cách chính trị này thì ông sẽ đưa vấn đề ra trưng cầu ý dân.

Macron được mệnh danh là “người hùng của EU”, bởi quan điểm cổ xúy một EU vững mạnh, gắn kết chặt chẽ hơn. Macron cam kết sẽ phát động một chiến dịch đối thoại dân chủ, kêu gọi xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới để lãnh đạo một EU mới, một EU phục hưng sau một thời gian “lạc lối”, chìm ngập trong vô vàn khó khăn.

An Châu (tổng hợp)
.
.