Thủ tướng Đức và vụ bê bối tại tập đoàn Volkswagen

Thứ Tư, 20/07/2005, 07:10
Theo các nhà bình luận, vụ bê bối lớn vừa nổ ra tại Tập đoàn Volswagen (VW) liên quan đến những trò hối lộ và tình dục rất có thể sẽ đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Schroeder.

Vụ gian lận hối lộ mới đầu chỉ dính dáng tới Helmuth Schuster (cựu Giám đốc Phòng nhân sự tại xí nghiệp con Skoda của Tập đoàn Volswagen) và Giám đốc nhân sự Peter Hartz của tập đoàn này, đã phát triển thành một quy mô lớn hơn nhiều so với ban đầu. Nó rất có thể sẽ trở thành vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử nước Đức...

 

Báo chí nước Đức đang tràn ngập những thông tin buộc tội tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất nước này đã mua chuộc các thủ lĩnh công đoàn bằng những kỳ nghỉ xa hoa và thậm chí cả gái điếm. Cụ thể như theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, một vũ nữ chuyên nhảy thoát y đã được đưa từ Lisbon tới khách sạn Georges V để mua vui cho các thành viên điều hành của VW. Những nhân vật dính dáng tới vụ bê bối này ngoài một số cựu quan chức cao cấp, còn có các quan chức công đoàn của tập đoàn này. Mối đe dọa thực sự đối với Thủ tướng Schroeder là ở chỗ, hầu hết những quan chức dính líu đến bê bối đều có quan hệ với Giám đốc nhân sự Peter Hartz của Tập đoàn VW. Trong khi chính nhân vật này là người soạn thảo kế hoạch cải tổ thị trường đặc biệt của thủ tướng.

Công tố viên liên bang hiện đang nghiên cứu các báo cáo về việc VW đã triển khai một mạng lưới gồm 6 công ty giả mạo trên khắp thế giới để có thể nhận được các hợp đồng cung cấp hàng hóa. Ít nhất là một trong các công ty giả mạo này đã được dựng lên để chu cấp cho một tình nhân cao cấp của các quan chức này ở Praha.

Trước vụ việc trên, các cổ đông lớn đã yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn. Và Công ty Volkswagen đã phải thuê Hãng Kiểm toán KPMG để xem xét lại một số lời buộc tội về hối lộ trên. Walter Hirche, Bộ trưởng Kinh tế vùng Saxony hạ và là thành viên Ủy ban giám sát của VW, đã quả quyết: “Rõ ràng đây có dấu hiệu của hoạt động tội phạm. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải tiến hành kiểm toán song song với việc điều tra tại Viện Kiểm sát Brunswick”.

Vụ bê bối bắt đầu nổ ra từ tháng trước, khi viên giám đốc nhân sự của Skoda (công ty con của VW tại Czech) là Helmuth Schuster buộc phải từ chức. Sự ra đi của ông này bắt nguồn từ những lời buộc tội trên báo chí về việc, ông ta đã nhận hối lộ từ các nhà cung cấp lớn và sử dụng các công ty giả mạo để đảm bảo cho các quan hệ tiếp xúc của VW ở nước ngoài. Tuần qua lại đến lượt Klaus Volkert, Chủ tịch Công đoàn của tập đoàn này, cũng tuyên bố từ chức trước thời hạn 9 tháng. Nhưng theo tuần báo Wirtschafts Woche của Đức, trường hợp của Volkert chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi, và người tiếp theo sau ông ta phải ra đi chính là Hartz.

Tham gia trong những câu chuyện bê bối này còn có  Joachim Gebauer, một cựu quan chức của bộ phận nhân sự. Mùa thu năm 2003, trong  một phiên họp giữa các quan chức điều hành và công đoàn của VW tại Lisbon, một quan chức cao cấp đại diện tập đoàn đã đề nghị “tổ chức cho ông ta gặp gỡ với một cô gái từ câu lạc bộ ban đêm Elefante Branco”.


Cô gái này sau đó đã được đưa tới phòng ở khách sạn của quan chức trên, dù tên cô ta không được tiết lộ. Những tên tuổi có liên quan khác còn có thành viên của hội đồng giám sát VW Jurgen Peters (đồng thời cũng là người đứng đầu công đoàn của IG Metall), Sigmar Gabriel là cựu Thủ tướng vùng Saxony hạ và là cựu thành viên hội đồng giám sát của VW. Nhưng nhân vật đáng chú ý nhất chính là đương kim Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, người có mặt trong hội đồng giám sát tại Wolfsburg trước cả Gabriel và Wulff.

Hiện ông Gabriel đã lên tiếng phủ nhận việc mình có biết thông tin về những trò gian lận trên: “Tôi chưa bao giờ đảm trách về vấn đề này. Tôi chỉ biết tất cả từ các phương tiện truyền thông đại chúng”. Thư ký báo chí Bela Anda của chính phủ cũng phát biểu ngay sau khi xuất hiện bản báo cáo về vụ gian lận trên: “Đây là một kết luận hoàn toàn giả dối, một sự vu cáo thực sự. Thủ tướng liên bang sẽ đấu tranh chống lại vụ này theo những phương cách hợp pháp”.

Theo đánh giá, việc rò rỉ thông tin gây ra vụ bê bối trên có thể xuất phát từ các thành viên công đoàn có cảm tình với phe chính trị cánh tả mới của Oskar Lafontaine, cựu Bộ trưởng Tài chính mới từ bỏ đảng của ông Schroeder cách đây không lâu. Đảng phái mới của ông này với đường lối chống tham nhũng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của 11% dân số và rất có thể sẽ trở thành một thế lực chính trị thứ ba tại nước Đức. Sau những thất bại nặng nề về chính trị trước đó, vụ bê bối tại VW rất có thể sẽ làm tan vỡ những cơ hội mỏng manh cuối cùng của Thủ tướng Schroeder trong kỳ bầu cử sắp tới

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.