Thuật “khôi phục niềm tin” của cựu thủ tướng Alain Juppé

Thứ Tư, 07/09/2016, 17:01
Cựu thủ tướng Alain Juppé được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong năm 2017. Ông hoạt động trên chính trường Pháp trong gần nửa thế kỷ, là ứng cử viên hứa hẹn nhất đại diện cho đảng Những người Cộng hòa (LR) của ông.

Theo các chuyên gia, Alain Juppé có thể gây trở ngại cho sự trở lại của Nicolas Sarkozy (người từng lãnh đạo nước Pháp từ năm 2007-2012), buộc Tổng thống đương nhiệm Francois Holland phải về hưu và thời gian sắp tới sẽ là cơ hội tốt cho ông thực hiện những gì mà ông đã thất bại trong nhiều năm qua.

Người mẹ của Alain Juppé bước thêm bước nữa trong cuộc hôn nhân và sinh ông ra vào ngày 15-8-1945 tại vùng Mont-de-Marsan (thành phố Landes). Thuở nhỏ Alain Juppé học rất giỏi, từng giành giải thưởng trong cuộc thi quốc gia, tốt nghiệp ngành văn chương, khoa học chính trị.

Alain Juppé (trái) và Nicolas Sarkozy cùng diễn thuyết ở Limoges, tháng 10-2015.

Năm 1970, Juppé theo học Trường Quản trị quốc gia (ENA), một trường cao cấp của Pháp chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Jacques Chirac. Hai người nhanh chóng kết thân và mối thâm giao này đã tạo đà thuận lợi cho đường công danh của ông sau này.

Năm 1976, Alain Juppé được giao đảm nhiệm công việc tại văn phòng nội các và là người chuyên chấp bút các bài phát biểu của Thủ tướng Jacques Chirac. Ông trở thành phụ tá về các vấn đề tài chính tại tòa thị chính Paris năm 1979. Cộng sự trung thành và tận tụy của Jacques Chirac được giao chiếc ghế bộ trưởng phụ trách nội các và là phát ngôn viên chính phủ năm 1986.

Tháng 5-1988, ông trở thành Tổng Bí thư đảng Tập hợp vì nền cộng hòa (RPR). Đảng này được Jacques Chirac thành lập từ năm 1976. Sau đó, Juppé giành chức ngoại trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Balladur từ năm 1993 - 1995 (vẫn dưới trướng tổng thống cánh tả Mitterrand).

Giai đoạn 1983 - 1995, ông còn giữ chức Phó Thị trưởng Paris cho ông Jacques Chirac (ông Chirac làm Thị trưởng Paris trong suốt 18 năm). Alain Juppé luôn được đánh giá là người thông minh và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac còn mô tả ông “người giỏi nhất trong số chúng ta”.

Alain Juppé diễn thuyết tại thành phố Saint-Grégoire miền tây nước Pháp, ngày 20-4-2016.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 1995, ông Balladur đọ sức với ông Chirac. Alain Juppé tuyên bố ông "trung thành với Balladur, chung thủy với Jacques Chirac". Khi Chirac đắc cử, Juppé trở thành thủ tướng. Tháng 10-1995, ông được bầu làm Chủ tịch RPR.

Hiện rất nhiều người Pháp vẫn nhớ đến cái gọi là “Kế hoạch Juppé” khi ông đề xuất tăng các khoản chi tiêu ngân sách nhưng lại giảm lương hưu của các nhân viên nhà nước, giảm chi phí cho giáo dục và y tế. Việc thực hiện kế hoạch này đã dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất của nhân viên lĩnh vực nhà nước kể từ sau cuộc cách mạng năm 1968. Cuộc biểu tình diễn ra trong 3 tuần tháng 12-1995 với khoảng 2 triệu người tham gia.

Lúc đó, Alain Juppé được coi là một trong những thủ tướng ít được lòng dân nhất trong nền Cộng hòa thứ 5. Bên cạnh đó, phía công tố cho rằng, khi còn làm Phó Thị trưởng Paris, Alain Juppé đã cho phép một số nhân viên trong đảng Tập hợp vì nền cộng hòa của ông Chirac hưởng lương của tòa thị chính và để các công ty tư nhân trả tiền cho họ. Juppé mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc và tuyên bố ông sẽ từ bỏ chính trường nếu bị kết luận là có tội. Ông khẳng định đã chỉnh đốn lại những việc này, ngay sau khi phát hiện cấp dưới của mình có hành vi sai trái.

Năm 1997, phe cánh tả của ông Lionel Jospin chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội và Thủ tướng Alain Juppé buộc phải từ chức. Nhưng đó chưa phải là cú vấp ngã đầu tiên. Tháng 1-2004, Alain Juppé bị kết án 18 tháng tù treo do tội làm thất thoát ngân sách quốc gia thời nắm chức thủ tướng, đồng thời không được quyền tham gia tranh cử trong vòng 10 năm.

Alain Juppé từng là một trong những cư dân nổi tiếng của khu Saint-Germain-des-Prés, khu phố cổ thượng lưu thuộc quận 6, Paris và cũng là nơi cư trú của nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm. Alain Juppé sống trong một căn hộ 6 phòng nhìn xuống đại lộ quý tộc Jacob, giá thuê là 13.000 franc/tháng hay chưa đến 2.000 euro - chỉ bằng nửa giá thị trường. Nhiều tầng lớp người dân Pháp biết Alain Juppé không phải là người xấu và ông không bao giờ làm giàu cho bản thân mình. Đối với Alain Juppé, cuộc tranh cử tổng thống lần này cũng là cơ hội khôi phục niềm tin của người dân.

Kết quả thăm dò dư luận hiện nay cho thấy bản án năm 2004 của Alain Juppé đã không còn quan trọng khi người dân đánh giá ông là chính khách trung thực và đáng tin cậy hơn cả cựu Tổng thống Sarkozy hay đương kim Tổng thống Hollande. Những người biết Alain Juppé đều nói rằng, trong thời gian sau này, ông ngày càng tỏ ra ôn hòa và khoan dung hơn, không còn là một nhà kỹ trị lạnh lùng tốt nghiệp từ Ena, Sciences Po hay Trường Sư phạm École normale supérieure (ENS) - 3 trong số những ngôi trường danh tiếng nhất nước Pháp.

Vừa qua, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo sẽ ra tranh cử Tổng thống Pháp năm 2017, nhưng các cuộc điều tra thăm dò cho thấy 80% người dân không muốn ông này trở lại cương vị lãnh đạo đất nước một lần nữa. Cử tri Pháp tỏ vẻ thích Alain Juppé hơn Francois Holland và Marine Le Pen, nữ lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc cánh hữu, có lẽ do ông đang hướng đến những gì mà nhiều người dân mong muốn.

Ví dụ, Alain Juppé hứa hẹn về một chính phủ tinh giản và tiết kiệm chi tiêu hơn, đồng thời cam kết giảm tuần làm việc từ 39 giờ xuống còn 35 giờ. Ông cũng muốn tăng tuổi về hưu từ 62 lên 65 tuổi. Alain Juppé công khai thừa nhận những kế hoạch của ông sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Trong khi Nicolas Sarkozy chỉ trích dữ dội một xã hội đa văn hóa, đặc biệt bài xích người Hồi giáo và muốn hủy bỏ sự bảo đảm rằng mỗi đứa trẻ chào đời tại Pháp tất nhiên sẽ trở thành công dân nước này. Sarkozy còn muốn trẻ em Hồi giáo phải ăn thịt heo (thứ thực phẩm bị cho là dành cho kẻ thấp hèn ti tiện, món ăn của quỷ theo quan điểm Hồi giáo) trong căn-tin trường học và khăn trùm đầu bị cấm xuất hiện trong môi trường đại học.

Nicolas Sarkozy không được nhiều cử tri ủng hộ sự trở lại.

Người ta dễ dàng nhận thấy, ưu điểm của Alain Juppé là đã khẳng định được vị thế trên cương vị Thị trưởng Bordeaux và điều quan trọng nữa là người dân Pháp đã quá mệt mỏi vì mâu thuẫn giữa ông Hollande với Sarkozy: 74% người dân Pháp hiện không muốn nhìn thấy cả Hollande và Sarkozy trên cương vị Tổng thống Pháp. Cả hai nhân vật này đều “nổi tiếng” nhờ các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự căng thẳng về xã hội và tôn giáo cũng như các vụ bê bối trong đời sống riêng tư.

Như trên đã đề cập, hạn chế lớn nhất đối với Alain Juppé chính là lý lịch đã bị “nhuốm màu hình sự”. Một điểm yếu khác của cựu Thị trưởng Bordeaux là hiện ông đã 71 tuổi, già nhất so với các ứng cử viên còn lại (Hollande 61 tuổi, Sarkozy 61 tuổi và M. Le Pen hiện chỉ 47 tuổi.

Alain Juppé từng giữ chức Thị trưởng Bordeaux trong suốt 20 năm và thậm chí những ai không thích ông cũng đều phải thừa nhận rằng ông đã làm những điều tốt đẹp cho thành phố. Bordeaux hiện nay đã có những làn đường dành riêng cho xe điện và xe đạp; và thành phố đã trở thành một di sản văn hóa thế giới của UNESCO (Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc).

Tuy nhiên, vấn đề chính của Juppé không phải vấn đề tuổi tác, cũng không phải là vấn đề quá khứ bị 18 tháng tù treo. Mặc dù hiện uy tín đang ở mức khá cao nhưng Juppé lại chưa xây dựng được hình ảnh “đáng tin cậy” trước các đảng phái chính trị Pháp.

Trong những tháng sắp tới, ai sẽ được đảng LR chính thức đề cử tranh cử tổng thống - Juppé hay Sarkozy (hiện là chủ tịch đảng)? Vấn đề của Juppé là Sarkozy có khả năng hồi phục từ những thất bại tốt hơn bất cứ chính khách Pháp nào khác. Tuy nhiên, Alain Juppé có lợi thế là nhận được sự ủng hộ từ gần 3/4 số thành viên đảng LR - quá nhiều so với Sarkozy.

Trong quá khứ, Sarkozy luôn giành chiến thắng trong những cuộc so găng chính trị với Juppé, song tình hình hiện nay khác hẳn. Các chuyên gia đánh giá trong khi Sarkozy có xu hướng thổi phồng, cường điệu và khoe khoang về mọi việc; thì Juppé tỏ vẻ điềm tĩnh hơn và chỉ đơn thuần thông báo những kế hoạch sẽ làm trong tình huống cụ thể.

Trong khi Sarkozy vẽ lên bức tranh về nước Pháp đang trên bờ vực thẳm và ông ta sẽ là vị cứu tinh duy nhất cho đất nước thì Juppé đề cập đến một tương lai sống chung trong hòa bình, không gây chia rẽ như Sarkozy. Trong khi Sarkozy phát đi những thông điệp hùng hổ thì Juppé tỏ vẻ biết kềm chế cảm xúc.

Cuộc vận động tuyển chọn ứng viên tổng thống của phe trung hữu tại nước Pháp tiếp tục đưa tới xung đột về lệnh cấm áo tắm kín toàn thân dành cho phụ nữ Hồi giáo gọi là burkini giữa cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đối thủ chính Alain Juppé. Đấu lý diễn ra sau khi 5, 6 thị trưởng tuyên bố sẽ không tuân hành phán quyết của Tòa Hành chính cao cấp đình chỉ lệnh cấm burkini.

Từ khi tuyên bố tham gia cuộc đua vào điện Élysee, cựu Tổng thống Sarkozy xác quyết “phải bảo vệ cách sống thế tục” - ông tuyên bố với những người ủng hộ mình: “Tôi không là ứng viên của thỏa hiệp lừa dối, phủ nhận thực tế để chấp nhận giải pháp nửa vời về di trú như các ứng viên khác”. Ông Sarkozy khẳng định sẽ tu chính hiến pháp để cấm burkini. Trong khi đó Alain Juppé khẳng định với cử tri: “Phải đoàn kết mọi người thay vì đổ thêm dầu vào tranh luận”.

Trong khi giới quan sát than vãn về sự thiếu vắng các khuôn mặt mới, ứng viên Juppé 71 tuổi dùng tuổi đời của mình và lập trường ôn hòa như là một lợi thế - ông nhấn mạnh: tình thế này đòi hỏi lãnh đạo dày kinh nghiệm, tôn trọng sự đa dạng về chủng tộc và tín ngưỡng. Ông đặt vấn đề: phải chăng y phục kín đáo như burkini sẽ bị cấm ở học đường chăng?

Cựu Thủ Tướng Juppé cũng đả kích ý kiến của ông Sarkozy nên đưa các phần tử tình nghi cực đoan vào trại tập trung. Ông nói: “Tôi không muốn thấy một trại giam như Guantanamo với hàng ngàn người bị giam cầm không qua xét xử”. Alain Juppé thật khác biệt với Nicolas Sarkozy! Và cũng nói thêm rằng, cộng đồng người Hồi giáo là một bộ phận của nước Pháp và Alain Juppé không quên nhấn mạnh “sức mạnh của chúng ta nằm ở sự đa dạng này”.

Alain Juppé chụp hình với người dân trong chuyến viếng thăm Guadeloupe, tháng 4-2016.

Trong những cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, Juppé luôn tỏ vẻ thực tế hơn. Như với câu hỏi: “Nếu trở thành tổng thống, ông sẽ làm những gì trước tiên?”, thì ông trả lời: “Tôi sẽ khôi phục lại lòng tin của người dân Pháp. Họ sẽ trở lại hãnh diện là người Pháp”.

Cụ thể, Juppé đã thiết lập 3 mục tiêu cho cương vị tổng thống của ông: giáo dục tốt hơn cho thanh niên, một nhà nước tự tin và mạnh mẽ hơn (đặc biệt là về vấn đề an ninh) và đầy đủ việc làm cho người dân. Juppé không thích nhắc lại sự rủi ro của ông trong thời gian làm thủ tướng. Ông cam kết sẽ “hoàn thành những việc lớn lao nhất” cho đất nước và thành phố Bordeaux của ông. Trong những tháng gần đây, Juppé tiến hành viếng thăm những trung tâm tái chế ở Le Puy-en-Velay và các hiệp hội phụ nữ ở Bretagne.

Ông cũng bay đến những vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp để tiếp xúc với cử tri địa phương. Khi nói chuyện trước công chúng, Alain Juppé thường mở đầu với vài câu mô tả tình hình thế giới và nước Pháp. Ông vẽ lên bức tranh về một thế giới đang sợ hãi và cực kỳ nguy hiểm trước những mối đe dọa chưa từng có.

Ông cũng bày tỏ không mong muốn có rào cản giữa Đức và Pháp hay sự kiểm soát biên giới bên trong Liên minh châu Âu (EU) bởi vì “điều đó sẽ là một bước lùi của lịch sử”.

Mạnh Quân - Diên San (tổng hợp)
.
.