Tỉ phú Trung Quốc Ng Lap Seng gây “bão bê bối” trong LHQ

Thứ Bảy, 24/10/2015, 20:15
Bê bối tham nhũng đang làm rung chuyển Liên hiệp Quốc (LHQ) - tổ chức quốc tế quyền lực nhất thế giới được cho là bắt nguồn từ những hoạt động hợp tác trá hình của tỉ phú người Trung Quốc Ng Lap Seng. Hiện tại, doanh nhân này bị tạm giam ở Mỹ chờ ngày xét xử và tiếp tục đối mặt với một cuộc điều tra khác từ FBI và LHQ.

Từ cáo buộc mang lậu 4,5 triệu USD...

Năm nay 68 tuổi, tỉ phú Ng Lap Seng là một trùm bất động sản nổi tiếng ở Trung Quốc và nằm trong số những người giàu nhất thế giới. Thế nhưng, trung tuần tháng 9 vừa qua, Ng Lap Seng đã bị FBI bắt giữ ngay sau khi chiếc máy bay tư nhân chở ông vừa tiếp đất. Toàn bộ tư trang đắt tiền trên người tỉ phú này trong đó có chiếc đồng hồ vàng nạm kim cương trị giá 200.000 USD đều bị tịch thu. Bản thân Ng Lap Seng cũng bị đưa tới một nhà tạm giam với điều kiện không được bão lãnh.

Theo thông tin mà Chưởng lý Manhattan Preet Bharara tiết lộ trong cuộc họp báo ngay sau đó, tỉ phú người Trung Quốc này đã bị truy tố vì tuồn 4,5 triệu USD vào Mỹ thông qua các hình thức gian lận kể từ năm 2013. Số tiền này đã được Ng Lap Seng, dưới sự trợ giúp của trợ lý Jeff C.Yin, đưa vào Mỹ trên chiếc máy bay tư nhân trong 11 lần nhập cảnh.

Chưởng lý Preet Bharara còn cho biết  các nhân viên FBI đã mất 2 năm để điều tra các hoạt động kinh doanh cũng như mối quan hệ và thói quen của tỉ phú Ng Lap Seng. Vì vậy, họ có thể khẳng định rằng số tiền này được phục vụ cho mục đích chính trị, hối lộ chứ không phải cho mục đích cá nhân.

Tỉ phú Ng Lap Seng.

Nhiều khả năng, như Chưởng lý Preet Bharara tiết lộ, tỉ phú người Trung Quốc còn có thể bị truy tố về tội nói dối, khai man trước cán bộ hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ. Trợ lý của tỉ phú này là Jeff C.Yin hiện cũng đã bị bắt giữ với cáo buộc gian dối. Jeff C.Yin là người Trung Quốc mang quốc tịch Mỹ, được coi là "cánh tay phải" của ông trùm bất động sản này trong các hoạt động tại Mỹ.

FBI phát hiện hộp ký gửi an toàn mà Jeff C.Yin có chìa khóa chứa hơn 430.000 USD cùng các bức tượng nhỏ và đồ gốm giá trị lớn. Tuy nhiên, luật sư của Jeff C.Yin nói rằng số tiền này là của ông Ng Lap Seng và Jeff C.Yin không có quyền truy cập hợp pháp với nó.

...đến nghi vấn hợp tác trá hình

Nửa tháng sau vụ bắt giữ Ng Lap Seng và trợ lý Jeff C.Yin, FBI đã gây chấn động dư luận thế giới bằng cáo buộc và lệnh bắt giữ nhằm vào cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 (2013-2014) John Ashe và Đại sứ Cộng hòa (CH) Dominica Francis Lorenzo. FBI khẳng định, ông John Ashe dã dùng uy tín của LHQ làm lợi cho cá nhân và nhận hối lộ 1,3 triệu USD từ Ng Lap Seng.

Đổi lại, ông John Ashe đã giúp Ng Lap Seng có được những hợp đồng làm ăn béo bở. Cáo trạng đưa ra còn chỉ rõ, ông John Ashe đã 2 lần gian lận thuế liên quan đến vụ việc giúp doanh nhân này trúng thầu xây dựng Trung tâm Hội nghị của LHQ ở Macau trong giai đoạn 2011-2014.

Còn ông Francis Lorenzo thì giúp Ng Lap Seng trong các hợp đồng kinh tế ở CH Dominica, thậm chí còn "dẫn đường" cho tỉ phú này hối lộ một số quan chức trong Chính phủ CH Dominica.

Trong biên bản lời khai dài 37 trang trước FBI, Ng Lap Seng cũng thừa nhận đã nhờ ông John Ashe dùng ảnh hưởng của mình để được tham gia các chương trình của LHQ. Để "cảm ơn" ông John Ashe, Ng Lap Seng đã chuyển tiền cho ông này thông qua 2 tổ chức phi chính phủ mang tên Quỹ hợp tác Nam-Nam và Quỹ phát triển bền vững toàn cầu.

Chưa hết, Ng Lap Seng còn chi 69.000 USD để đăng ký cho ông John Ashe thành thành viên một câu lạc bộ tại bang South Carolina; chi 30.000 USD giúp ông này xây dựng một sân chơi bóng rổ tại căn hộ của ông ở thành phố New York (Mỹ) và trả các khoản tiền nghỉ khách sạn ở New Orleans trị giá 850 USD/đêm cho ông John Ashe cùng gia đình…

Chưởng lý Manhattan Preet Bharara chỉ cho các phóng viên về đường dây tham nhũng, nhận hối lộ trong LHQ (ảnh: Getty).

Cái giá để "mua chuộc" ông Francis Lorenzo thì rẻ hơn nhưng trong vai trò Chủ tịch Quỹ hợp tác Nam-Nam, ông này cũng đã hỗ trợ Ng Lap Seng rất nhiều trong việc "hợp thức hóa" các khoản tiền hối lộ. Chẳng hạn, đối với vợ của ông John Ashe, nhà hoạt động môi trường Anilla Cherian, từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2014, mỗi tháng, Quỹ hợp tác Nam - Nam lại trả khoản lương khống trị giá 2.500 USD cho bà này  với vai trò là "cố vấn".

Đặc biệt, theo FBI, ông Francis Lorenzo chính là người đã "dắt" mối làm ăn giữa ông John Ashe và Ng Lap Seng.

Tháng 2/2012, ông Francis Lorenzo soạn thảo một tài liệu cho ông John Ashe để trình lên Tổng thư ký LHQ về đề án xây dựng Trung tâm Hội nghị LHQ tại Macau. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia, gồm Bangladesh và Kenya. Đầu năm 2013, Jeff C. Yin liên tục thúc giục ông Francis Lorenzo xúc tiến đề án và dọa sẽ ngừng chuyển tiền trừ khi có tiến bộ.

Lần sửa đổi này, cả ông John Ashe và ông Francis đều đưa tên Tập đoàn Sun Kian Ip vào là nhà phát triển của Trung tâm hội nghị LHQ được đề xuất. Năm 2014, ông Francis Lorenzo sắp xếp cho ông John Ashe đến Macau cùng với các quan chức khác của LHQ để gặp tỉ phú Ng Seng Lap…

Diego Rodriguez, người đứng đầu Văn phòng FBI cho biết, họ đã có bằng chứng cụ thể về các cuộc sắp xếp để gặp gỡ và nhận hối lộ trong LHQ. Và vì LHQ không mở một cuộc điều tra riêng về vụ việc này, song theo tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, cơ quan này sẽ mở một cuộc kiểm toán quốc tế nguồn quỹ của các cơ quan trong tổ chức này, đặc biệt là 2 tổ chức Quỹ hợp tác Nam-Nam và Quỹ phát triển bền vững toàn cầu.

Việc kiểm toán này sẽ được thực hiện giữa các hợp đồng hợp tác trị giá 1,5 triệu USD giữa Quỹ phát triển bền vững toàn cầu, Quỹ hợp tác Nam-Nam và Tập đoàn Sun Kian Ip do Ng Lap Seng đứng đầu. Các hợp đồng này nằm trong dự án phát triển của LHQ. Mục đích là để kiểm tra việc sử dụng các khoản tiền có xuất xứ từ Tập đoàn Sun Kian Ip và cả khoản tiền lương hàng tháng trị giá 20.000 USD cho ông John Ashe vì giữ vị trí Chủ tịch danh dự của Quỹ phát triển bền vững toàn cầu.

Robert M.Appleton, người đứng đầu đơn vị thực hiện quá trình kiểm toán này cho biết, các giao dịch bị nghi ngờ mờ ám đều được thực hiện vào thời điểm ông Francis Lorenzo làm Chủ tịch Quỹ hợp tác Nam-Nam và ông John Ashe làm Chủ tịch Quỹ phát triển bền vững toàn cầu.

Hiện ông Robert M.Appleton cũng đã nhận được báo cáo từ FBI về khoản tiền trị giá hàng trăm triệu USD được cho là của Tập đoàn Sun Kian Ip thông qua một tổ chức của LHQ rồi chuyển tới ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa ở Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Bên cạnh đó là chương trình đổi dầu lấy lương thực ở Iraq trị giá 1,8 tỉ USD mà cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Paul Vocker báo cáo hồi năm 2005…

Và mối liên hệ với gia đình Clinton

Theo tờ The New York Times,  ông Ng Lap Seng, Chủ tịch Tập đoàn Sun Kian Ip, là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và có chân trong Ủy ban Phát triển kinh tế Macau. Tài khoản ròng của tỉ phú này là gần 2 tỉ USD, mỗi năm kiếm được 300 triệu USD. Ng Lap Seng có máy bay riêng và có hộ chiếu của 3 nước khác nhau gồm Trung Quốc, Bồ Đào Nha và CH Dominica.

Tỉ phú người Trung Quốc này được biết đến rộng rãi ở trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới Macau. Riêng ở Mỹ, Ng Lap Seng có mối quan hệ khá rộng với chính giới và thường được gọi bằng tên "Mr Vu".

Tỉ phú Ng Lap Seng chụp ảnh chung cùng vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (ảnh: therealdeal).

Khi ông Bill Clinton còn là Tổng thống Mỹ, Ng Lap Seng đã được mời tới Nhà Trắng ít nhất 6 lần. Báo cáo của ủy ban Quan hệ chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ do tờ Washington Post tiết lộ còn khẳng định, hồi năm 1998, tỉ phú này từng được nhắc đến khi đóng góp bất hợp pháp cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ khoản tiền 1,1 triệu USD thông qua một nhà hàng mang tên Little Rock ở Arkansas.

Chủ nhà hàng này là Charlie Trie cũng từng đóng góp hàng trăm ngàn USD cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và sau đó đã bị đưa ra xét xử. Người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, Brian Fallon thì tuyên bố, tỉ phú Ng Lap Seng không có liên quan đến gia đình Clinton song nhiều tờ báo Mỹ đã cho đăng tải các bức hình doanh nhân này chụp với Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1996.

Nhưng trong 4 năm, từ 1996 đến 2000, khi Quốc hội Mỹ theo dõi sát sao vụ bê bối gây quỹ tranh cử tổng thống, Ng Lap Seng đã không nhập cảnh vào Mỹ và tỉ phú này mới chỉ quay lại đất Mỹ để phục vụ các hoạt động kinh doanh của mình từ năm 2012.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.