Tiết lộ quy tắc an ninh của thành viên của Hoàng gia Anh

Thứ Hai, 28/08/2017, 16:24
Tại Anh quốc, các thành viên của gia đình Hoàng gia rất được tôn trọng và yêu mến. Truyền thông và người dân nước này cũng luôn ví họ như những "ngôi sao lớn". Nhưng đáng tiếc, dù thần tượng đến nhường nào thì mơ ước có được chữ ký của thành viên hoàng tộc là điều khó như "hái sao trên trời".

Trên thế giới, việc người hâm mộ của các ngôi sao nổi tiếng xếp hàng dài từ sớm tại các sự kiện chờ tới lượt xin chữ ký là điều hết sức phổ biến, thể hiện sự mến mộ của họ đối với thần tượng. Đáp lại, những người nổi tiếng trao tặng chữ ký là hành động bày tỏ sự tôn trọng dành cho các fan yêu mến họ.

Tuy nhiên, đối với các "ngôi sao lớn" thuộc Hoàng gia Anh, ký tặng là một điều cấm kỵ. Và để giải thích cho điều luật này, mới đây Hoàng gia Anh đã tiết lộ lý do, nhằm đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Tất cả các thành viên trong gia đình Hoàng gia, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles, Hoàng tử William, Hoàng tử Harry hay Công nương Kate Middleton... đều phải tuân thủ điều luật "cấm ký tặng" và lý do chính đáng mà phía Hoàng gia Anh công bố là liên quan vấn đề an ninh.

Tại các buổi lễ với sự tham gia của đông đảo người dân, việc làm ấy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm an toàn cho các thành viên của hoàng tộc. Kẻ xấu có thể trà trộn vào đám đông mến mộ để thừa cơ hành động.

Công nương Kate luôn sẵn lòng bắt tay người hâm mộ, nhưng chỉ được phép ký vào sổ ghi danh kỉ niệm. Nguồn: Getty Images.

Đặc biệt, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với các phần tử "thánh chiến" và Anh quốc đã trở thành một trong những nạn nhân của khủng bố, thì việc chỉ rõ lý do của điều luật này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Bằng việc từ chối ký tặng một cách lịch sự, các thành viên của hoàng tộc sẽ được bảo vệ ở mức độ an toàn nhất. Người dân cũng tránh được xô đẩy và những tai nạn đáng tiếc khác.

Một ví dụ điển hình là Công nương Kate Middleton, vợ của Hoàng tử William, người rất được công dân nước Anh mến mộ bởi sự thông minh, nhan sắc và sở hữu nghệ thuật "ngoại giao thời trang" đẳng cấp. Là một người rất thân thiện, Công nương Kate luôn sẵn lòng bắt tay và chụp ảnh selfie cùng người hâm mộ. Nhưng chắc chắn, bạn sẽ nhận được câu trả lời "Xin thứ lối, chúng tôi không được phép làm điều này" khi đề nghị xin chữ ký.

Tránh trường hợp giả mạo

Một tấm thiệp Giáng sinh với chữ ký của Nữ hoàng Anh Elizabeth II từng được rao bán trực tuyến trên mạng với giá 1.200 bảng Anh. Vì vậy, lý do thứ hai mà Hoàng gia Anh đề cập tới là để tránh bị giả mạo chữ ký.

Nhiếp ảnh gia Paul Williams, người chuyên trách chụp hình cho gia đình Hoàng gia cho hay: "Đây là một điều luật lâu năm và được quy định rất nghiêm ngặt. Điều này không chỉ giúp tránh được nguy cơ giả mạo chữ ký cho các thành viên gia đình Hoàng gia, mà còn tránh được hiểu lầm và thiệt hại về tiền của cho người dân".

Ngoại lệ duy nhất là vào năm 2010, trong chuyến vi hành của mình, Thái tử Charles đã đặc cách ký tặng một gia đình trong trận lũ ở Cornwall, miền Nam nước này. Khi ấy, ngôi nhà của vợ chồng cô Meg Hendy và Tony ngập trong bùn lầy. Thái tử Charles đã hỏi liệu ông có thể làm gì để giúp đỡ thì cô Meg cho biết muốn xin Thái tử một chữ ký và rằng nếu con trai cô được tặng chữ ký của Thái tử, cậu bé sẽ vui vẻ cả ngày.

Chữ ký của vợ chồng Hoàng tử William và Công nương Kate trong một cuốn sổ ghi danh. Nguồn: Getty Images.

Do đó, Thái tử đã yêu cầu một nhân viên an ninh tìm giấy, ký tên "Charles 2010" để tặng gia đình cô Meg và xin thứ lỗi vì chữ viết có phần "xiêu vẹo" do ông chưa từng đứng viết.

Tuy vậy, trong các cuộc viếng thăm trên danh nghĩa hoàng tộc hoặc thực hiện các nghĩa vụ ngoại giao khác, các "ngôi sao lớn" của nước Anh có thể ký vào sổ ghi danh kỉ niệm hoặc các tài liệu chính thức có liên quan. Trước đó, theo một danh sách quà tặng mà Bộ Ngoại giao Mỹ từng công bố, Hoàng tử Harry đã từng gửi tặng cựu Tổng thống Barack Obama một tấm hình kèm chữ ký, nhân dịp ông Obama và phu nhân có chuyến thăm nước này hồi tháng 5-2011.

Một vài điều cấm kỵ khác

Không chỉ dừng lại ở quy tắc cấm ký tặng, các thành viên của gia đình Hoàng gia, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành đều phải tuân thủ thêm rất nhiều điều cấm kỵ khác. Với các thành viên nhí trong hoàng tộc như Hoàng tử George và Công chúa Charlotte thì không được phép sử dụng các thiết bị điện tử công nghệ cao cho tới khi đủ lớn. Thay vào đó, các công chúa và hoàng tử bé có thể thoải mái vui chơi với những trò vận động, những món đồ chơi truyền thống, cũng như tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn để kích thích phát triển trí não.

Một quy định khác chính là "nói không với nghêu, sò và tỏi" để tránh ngộ độc thực phẩm và tự tin khi giao tiếp.

Hơn nữa, những người trong hoàng tộc không được phép gọi tên tắt hoặc biệt danh của nhau. Bạn sẽ không bao giờ nghe Hoàng tử William gọi vợ mình là Kate, mà phải gọi tên đầy đủ là Catherine. Và Công nương Kate cũng sẽ không gọi chồng mình là Wills, mà là William.

Cuối cùng, các thành viên trong gia đình Hoàng gia Anh luôn phải giữ thái độ trung lập với tất cả các đảng phải. Vì thế, họ không được bầu cử hay đưa ra ý kiến về các quyết định mang tính chính trị.

Linh Bùi
.
.