Tiết lộ về các hãng hàng không phục vụ cho cơ quan tình báo Mỹ

Thứ Ba, 14/06/2005, 07:32

Theo kết quả điều tra của giới báo chí, những chiếc máy bay của Hãng Aero Contractors Ltd. thường cất cánh từ sân bay Johnson Country từ lâu đã tham gia vào những chiến dịch bí mật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Aero chỉ là “tảng băng nổi” trong việc sử dụng máy bay dân sự vào hoạt động ngầm của CIA.

Mỗi khi CIA muốn bắt giữ một thành viên của Al-Qaeda nào đó ở nước ngoài và chuyển giao hắn cho các nhà điều tra ở nước khác, thông thường họ vẫn nhờ tới sự giúp đỡ của Aero Constractors. Còn nếu các nhân viên CIA muốn bay gấp ra nước ngoài để săn lùng một nhân vật quan trọng nào đó, máy bay của Aero Constractors ngay lập tức cất cánh từ sân bay Johnson Country, trước khi tạm dừng chân tại sân bay Dallas (Washington) để đón các nhân viên tình báo.

Theo điều tra từ cơ sở dữ liệu các chuyến bay và nhiều tài liệu khác, các máy bay của Hãng Aero Constractors đã đưa các sĩ quan CIA tới Afghanistan vào năm 2001; đưa một nhóm các chuyên gia tới Karachi ngay sau vụ Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố này của Pakistan bị đặt bom vào năm 2002; năm 2004 đã thực hiện chuyến bay từ Libya tới căn cứ Guantanamo, mang theo một tù binh đã được tình báo Libya thẩm vấn...

Dưới vỏ bọc các chuyến bay tư nhân - được gọi là dịch vụ “thuê máy bay cùng phi công” - Aero Contractors từ lâu đã và đang phục vụ rất tích cực cho CIA. Công ty này được thành lập từ năm 1979 bởi một cựu sĩ quan CIA, từng là phi công kỳ cựu của Air America, một hãng hàng không của CIA đã hoạt động trong thời gian cuộc chiến tại Việt Nam.

Theo lời một viên phi công làm việc tại Aero vào những năm 1980-1990, anh ta đã từng bay khắp nước Mỹ với Vua Hussayn của Jordan, tham gia những chuyến bay cung cấp vũ khí và lương thực cho những tên phiến loạn được Mỹ ủng hộ như Jonas Savimbi tại Angola, chuyển nhiều chuyến tên lửa vác vai Stinger và các vũ khí khác từ những nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây.

Việc phân tích nhiều tài liệu, thông tin về đăng ký máy bay cũng như phỏng vấn các cựu phi công và sĩ quan của CIA cho thấy, CIA có một đội ngũ tối thiểu là 26 máy bay, 10 cái trong số này đã được mua sau năm 2001. CIA đã đăng ký những máy bay này dưới vỏ bọc một mạng lưới các công ty ma không hề có nhân viên hay chức năng cụ thể ngoài việc sở hữu những chiếc máy bay. Ngoài ra, tình báo Mỹ còn sử dụng những chuyến bay thuê được điều hành bởi các công ty thực do CIA giật dây hay chí ít có quan hệ khăng khít như Aero Contractors cùng với hai công ty khác từ Florida - Pegasus Technologies và Tepper Aviation.

Nguyên nhân chính của trò ngụy trang này là các máy bay dân sự có thể bay tới bất cứ đâu mà các máy bay quân sự Mỹ không được chào đón và cho phép. Đôi khi, nó còn giúp CIA né tránh được yêu cầu khắt khe của nhiều nước liên quan đến những chuyến bay này. Nhưng không phải lúc nào, vỏ bọc trên cũng được coi là hữu hiệu. Điển hình như vụ hai máy bay tiêm kích của Áo vào ngày 21-1-2003 đã chặn giữ một chiếc Hercules vận tải của CIA có trang bị các thiết bị truyền thông quân sự trên đường bay từ Đức tới Azerbaijan.

“CIA thường có những nhiệm vụ mà các chính trị gia không muốn phải chịu trách nhiệm về chúng - cựu sĩ quan CIA Jim Glerum, người từng 18 năm làm việc cho Air America, đã giải thích về điều này - Nếu như bạn bay trên một máy bay dân sự tới nơi cũng có nhiều máy bay dân sự, bạn sẽ chẳng khác gì các hãng hàng không thông thường”.

Các máy bay của CIA còn được sử dụng cho những chuyến “chuyển giao” - một thuật ngữ trong lĩnh vực pháp lý để gọi việc bắt giữ những tên khủng bố ở nước ngoài và đưa chúng tới một quốc gia nước ngoài khác, thông thường là nơi vẫn phổ biến sử dụng những trò tra tấn khi hỏi cung. Bí mật về trò bê bối này của CIA thật ra đã bị các nhà hoạt động xã hội và phóng viên bắt đầu vạch trần từ hai năm qua, sau khi họ tổ chức việc theo dõi chặt chẽ hành trình của những chuyến bay đáng ngờ.

Mới đây nhất, chính quyền Italia và Thụy Điển cho triển khai điều tra về vai trò của CIA trong việc bắt giữ những nhân vật tình nghi tại trên lãnh thổ của họ, trước khi đưa họ tới Ai Cập. Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ George Notle, giáo sư luật Trường đại học Tổng hợp Munich (Đức) đánh giá: Theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế, các quốc gia có trách nhiệm điều tra những hành động vi phạm nhân quyền được thực hiện trên lãnh thổ của họ hay có sử dụng không phận của họ.

Giáo sư Notle đã từng điều tra trường hợp của Khaled el-Masri, một công dân Đức đã bị người Mỹ lôi xuống từ một chiếc xe buýt tại khu vực biên giới Serbia-Macedonia vào ngày 31/12/2003 và bị giam giữ trong suốt 3 tuần sau đó. Theo lời kể của nhân chứng này, anh ta đã bị tiêm thuốc vào người, bị đánh đập, sau đó bị tống lên máy bay chở tới Afghanistan.

Sự kiện này chỉ là một trong nhiều bằng chứng gián tiếp về các chuyến bay của CIA, vốn thường trùng khớp với thời điểm những vụ bắt giữ và áp tải những người bị nghi ngờ là thành viên Al-Qaeda. Sự thực là không có một tài liệu nào ghi nhận việc Masri bị chuyển tới Afghanistan. Nhưng cơ sở dữ liệu bay cho thấy, chiếc Boeing thuộc về một trong những công ty giả mạo có tên Premier Executive Transport Services (thực ra do Aero Constractors sử dụng) đã bay theo một hành trình từ Skopje (Macedonia) tới Baghdad và Kabul vào ngày 24/1/2004, tức là chỉ một ngày sau khi hộ chiếu của Masri được đóng dấu xuất cảnh của Macedonia. Masri về sau đã được trả tự do theo lệnh của  bà Condoleeza Rice (khi đó còn là Cố vấn an ninh quốc gia), sau khi có kết quả điều tra cho thấy việc anh ta bị bắt giữ là một sai lầm.

Trước một loạt những tiết lộ trên, thư ký báo chí của CIA đã khước từ bình luận. Còn đại diện các hãng hàng không Aero Contractors, Tepper Aviation và Pegasus Technologies đã tuyên bố không thể tiết lộ thông tin về các khách hàng của mình: “Chúng tôi cộng tác với chính phủ đã lâu trong nhiều vụ việc, nên không thể tiết lộ về chuyện gì”.

Các tài liệu của Cục Hàng không quốc gia (Mỹ) cũng cho thấy một cái nhìn khá chi tiết (cho dù chưa thật sự đầy đủ) về hoạt động của một bộ phận hàng không bí mật của CIA.  Và cho dù CIA cố gắng che giấu những chiến dịch không vận của mình, các nguyên tắc của ngành hàng không vẫn ngăn cản họ làm được điều này - các máy bay đều phải có số hiệu trên thân, và qua đăng ký với Cục Hàng không liên bang có thể dễ dàng xác định được chủ nhân. Đúng như theo nhận định của luật gia Lawrence Houston từ CIA: “Khi mà chuyện này đã trở thành đối tượng của những con mắt chú ý và tò mò của công luận, thì mọi việc có thể được đưa ra ánh sáng. Tôi không nghĩ rằng, những chuyến bay trên có thể được coi là một bí mật được nữa”

Thái Quân (Theo The Washington Times)
.
.